09:10 08/09/2020

Hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo triển khai thuận lợi

Với chiều dài 65 km bờ biển, tỉnh Bến Tre có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển năng lượng sạch như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối và năng lượng khí; trong đó, năng lượng tái tạo (chủ yếu là năng lượng gió) thời gian qua được tỉnh quan tâm phát triển mạnh.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: TTXVN

Nhiều tiềm năng

Theo UBND tỉnh Bến Tre, nhằm góp phần thực hiện tốt chủ trương sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tỉnh Bến Tre đã xây dựng quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo quy hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt, tiềm năng phát triển điện gió của tỉnh được nghiên cứu ở vùng đất liền ven biển và vùng bãi bồi ven biển; vị trí cách bờ xa nhất khoảng 12km. Tiềm năng nghiên cứu quy hoạch có diện tích khoảng 39.320 ha, quy mô công suất 1.520 MW.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre Nguyễn Văn Niệm cho biết, giai đoạn đến năm 2020, tỉnh Bến Tre được phê duyệt 6 nhà máy điện gió với tổng công suất 179,7 MW.

Cụ thể, nhà máy điện gió số 2 (30 MW), nhà máy điện gió số 5 (30 MW) và nhà máy điện gió Thanh Phong (29,7 MW) đóng trên địa bàn huyện Thạnh Phú. Nhà máy điện gió số 7 (30 MW) trên địa bàn huyện Ba Tri; nhà máy điện gió số 9 (30 MW) và nhà máy điện gió số 10 (30 MW) trên địa bàn huyện Bình Đại.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ điện gió, các thiết bị ngày càng hiện đại với chi phí đầu tư có xu hướng giảm, cùng với cơ chế ưu đãi điện gió theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia đề xuất phát triển dự án.

Đến nay, Bến Tre đã có 13 dự án điện gió với tổng công suất 828 MW được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch, lũy kế đạt 66,3% tổng công suất dự kiến phát triển theo quy hoạch đến năm 2030. Tổng công suất các dự án điện gió đã được UBND tỉnh trình và đang chờ xem xét bổ sung quy hoạch đạt 5.370 MW.

Ngoài ra, còn có một số nhà đầu tư đang trong quá trình khảo sát, lập hồ sơ dự án với quy mô hơn 1.000 MW. Các nhà máy điện gió ngoài khơi đã khảo sát vị trí cách bờ lên đến 42 km.

Đáng chú ý, UBND tỉnh Bến Tre cũng đã trình Bộ Công Thương xem xét thẩm định, phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực VII dự án điện mặt trời, với tổng công suất 336,98 MW. Đồng thời, tỉnh còn cho chủ trương 3 nhà đầu tư tham gia khảo sát đầu tư dự án điện khí LNG trên địa bàn 3 huyện biển.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch là xu thế tất yếu hiện nay và là định hướng phát triển kinh tế của địa phương, nhất là phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Đặc biệt, điện gió đang được hưởng cơ chế ưu đãi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Mặt khác, khi các nhà máy điện gió hoàn thành, không chỉ đơn thuần giúp tỉnh chủ động được một phần nhu cầu về nguồn điện, tăng thu ngân sách mà còn góp phần hạn chế được tình trạng sạt lở bờ biển tại các khu vực phát triển dự án điện gió và giải quyết việc làm cho người dân trong vùng dự án.

Thúc đẩy tiến độ

Với quan điểm lấy phát triển năng lượng tái tạo làm mục tiêu đột phá cho phát triển ngành công thương, cũng như tạo nguồn thu từ sản xuất công nghiệp cho ngân sách tỉnh trong những năm tới, Bến Tre thường xuyên hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo được triển khai thuận lợi, để đến cuối năm 2020, có dự án đi vào hoạt động và hòa lưới điện quốc gia.

Tuy nhiên, theo nhận định của Sở Công Thương Bến Tre, hiện tiến độ triển khai 6 dự án điện gió được phê duyệt trên địa bàn tỉnh Bến Tre rất chậm, không đảm bảo tiến độ đóng điện và vận hành thương mại cuối năm 2020.

Các dự án chậm triển khai do nhiều nguyên nhân; trong đó, chủ yếu là khó khăn trong giải phóng mặt bằng, năng lực, kinh nghiệm của một số nhà đầu tư còn hạn chế và do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn tiến độ rất nhiều lần.

Bên cạnh đó, từ đầu năm 2020 đến nay, các công trình điện gió còn chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp làm chậm tiến độ cung cấp turbin (do hầu hết các hãng sản xuất turbin có nhà máy đặt tại Trung Quốc) và các chuyên gia người nước ngoài chưa thể đến làm việc đúng như kế hoạch…

Ông Nguyễn Hữu Đôn, Trưởng Ban Quản lý dự án Công ty cổ phần năng lượng ECOWIN (nhà máy điện gió Thanh Phong) cho hay, vướng mắc hiện nay của công ty là mặt bằng cho thi công dự án. Nhiều hộ dân đưa ra mức giá cơ sở rất tùy hứng, có hộ đòi 1 triệu đồng/m2, 500.000 đồng/m2, 600.000 đồng/m2 trên cùng một vị trí.

Tâm lý chung nếu nhà đầu tư không đáp ứng thì dự án không triển khai được. Do vậy, công ty đề nghị lãnh đạo tỉnh hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư trong việc giải phóng mặt bằng để có thể hoàn thành tiến độ dự án theo cam kết.

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Niệm cho hay, hiện hầu hết các dự án điều chậm. Tuy nhiên, sau khi cơ chế ưu tiên phát triển điện gió theo Quyết định số 39/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng ra đời khá hấp dẫn nhà đầu tư thì các dự án bắt đầu đẩy nhanh tiến độ. Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo về giải phóng mặt bằng công trình điện cao thế.

“Có nhiều hoạt động đồng bộ thì mới đẩy nhanh được tiến độ các dự án điện gió. Đặc biệt, giải phóng mặt bằng cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan chuyên môn với địa phương và sự tham gia quyết liệt của các nhà đầu tư”, ông Nguyễn Văn Niệm nhấn mạnh.

Trong số các dự án điện gió đang triển khai thì dự án nhà máy điện gió số 5 tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, Bến Tre, do Công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu Bến Tre làm chủ đầu tư có tiến độ thi công nhanh nhất, vượt tiến độ một năm so với kế hoạch ban đầu.

Ông Mai Văn Huế, Chủ tịch Hội đồng quản trị đốc Công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu Bến Tre chia sẻ, dự án nhà máy điện gió số 5 do công ty làm chủ đầu tư tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, Bến Tre, với tổng vốn đầu tư 5.500 tỷ đồng, công suất thiết kế 110 MW, giai đoạn 1 là 30 MW. Hiện nay, công ty đã sẵn sàng lắp dựng các đài móng thiết bị turbin kết nối, dự kiến đóng điện vào ngày 20/9/2020 và hoàn thành giai đoạn I của nhà máy vào quý I/2021. 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư các nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh Bến Tre có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.

Do đó, UBND tỉnh Bến Tre cam kết đồng hành cùng các chủ đầu tư và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư triển khai dự án. Đồng thời, tỉnh cũng tranh thủ từ các cơ quan Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có những chủ trương, chính sách kịp thời để hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai dự án trong thời gian sớm nhất.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cũng đề nghị, các chủ đầu tư trong quá trình triển khai cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của tỉnh và UBND các huyện, xã trên địa bàn, nhất là trong giải phóng mặt bằng để đảm bảo thực hiện đúng quy định của nhà nước. Đặc biệt, tránh trường hợp tự ý đi thỏa thuận người dân với giá đền bù không theo quy định như đã xảy ra trước đây.

Công Trí (TTXVN)