Bức “Samson và Delilah” là một trong những hiện vật quý nhất tại Phòng triển lãm Quốc gia ở London, Vương quốc Anh. Ảnh: El Pais
Điển tích Delilah phản bội Samson
Khi bước vào Phòng 15 của Phòng triển lãm Quốc gia ở London, khách tham quan lập tức bị mê hoặc bởi bức tranh treo trên bức tường sau. Samson - một người khổng lồ vạm vỡ, cởi trần, cơ bắp cuồn cuộn - đang kiệt sức, tựa đầu vào lòng Delilah. Bầu ngực trần của nàng hiện rõ. Một người đồng lõa của mỹ nhân người Philistine đang dùng kéo cắt tóc của người khổng lồ xứ Israel, tước đoạt sức mạnh của chàng.
Bức "Samson và Delilah" của Rubens khắc họa lại một điển tích trong Kinh Thánh: Samson là một người Do Thái được Chúa ban cho sức mạnh siêu nhiên, có thể khắc chế sư tử bằng tay không, phá tan cổng thành, và một mình đánh bại hàng trăm quân Philistine (kẻ thù của người Israel). Tuy nhiên, điều kiện giữ sức mạnh của chàng là không được cắt tóc - đó là lời thề với Đức Chúa Trời. Delilah, một mỹ nhân người Philistine, được các thủ lĩnh Philistine cử đến để quyến rũ và dụ dỗ Samson tiết lộ bí mật sức mạnh của mình. Sau khi biết được bí mật về mái tóc, khi Samson say ngủ trên đùi Delilah, nàng đã cho người cắt mái tóc của chàng, sức mạnh siêu nhiên lập tức biến mất. Samson bị bắt, bị chọc mù mắt và tống giam trong ngục.
Theo các tài liệu lịch sử, tác phẩm được đặt hàng bởi người bạn của họa sĩ, Nicolaas II Rockox, và việc sử dụng ánh sáng tương phản và màu sắc phong phú được lấy cảm hứng từ một chuyến đi đến Ý, nơi Rubens vô cùng ngưỡng mộ các tác phẩm của Caravaggio.
Nghi án tranh giả
“Samson và Delilah” - được vẽ trong khoảng năm 1609 đến 1610 - là một trong số 30 kiệt tác nằm trong bộ sưu tập cố định của Phòng triển lãm Quốc gia London, được ghi nhận là tác phẩm của bậc thầy Baroque xứ Flanders, Peter Paul Rubens. Tranh cãi xung quanh tác quyền của tác phẩm này - một cuộc tranh luận đã kéo dài gần 40 năm - được xem là một trong những cuộc đối đầu quyết liệt và gay gắt nhất trong giới mỹ thuật.
Hình ảnh bức tranh “Samson và Delilah” được trưng bày tại tại Phòng triển lãm Quốc gia ở London với bàn chân phải của Samson bị "cắt mất", điều tối kỵ trong các bức họa và khó hiểu với một họa sĩ bậc thầy như Rubens. Ảnh: El Pais
“Lần đầu tiên tôi nhìn thấy nó là năm 1987, tại Phòng triển lãm Quốc gia. Chỉ trong nháy mắt, tôi lập tức nhận ra đó không phải là tranh của Rubens. Nó là một bản sao rẻ tiền, kiểu như những bức tranh được treo bán vào mỗi Chủ nhật dọc theo đường Bayswater, [nơi các họa sĩ treo tranh của mình trên hàng rào quanh Công viên Hyde ở London]”, họa sĩ kiêm nhà sử học mỹ thuật Euphrosyne Doxiadis cho biết trong cuộc điện thoại với báo El País từ Athens.
Bà Doxiadis đã dành một nửa cuộc đời để phủ nhận tính xác thực của bức tranh này. Bà đứng đầu một nhóm quốc tế gồm các nhà phê bình nghệ thuật. Kết quả nhiều thập kỷ nghiên cứu của bà đã được trình bày trong một cuốn sách có tựa đề “NG6461: Bức Rubens giả mạo” (với những ký tự số để chỉ mã số lưu trữ của tác phẩm tại Phòng triển lãm Quốc gia). Ra mắt vào tháng 3 năm nay, cuốn sách đã thổi bùng trở lại cuộc đối đầu giữa các nhà sử học nghệ thuật và viện bảo tàng ở London.
Để hiểu rõ toàn bộ câu chuyện này, cần phải lần lại các dữ kiện, quan sát kỹ từng nét cọ trong tranh, quay ngược thời gian, và trên hết, phải có một liều lượng hoài nghi cần thiết đối với cả những điều tưởng như chắc chắn, lẫn những giả thuyết mà hai bên trong cuộc tranh cãi đưa ra.
Rubens đã vẽ "Samson và Delilah" vào đầu thời kỳ trưởng thành trong sự nghiệp của ông, vào đầu thế kỷ 17. Khi ấy, ông vừa trở về sau một chuyến đi dài đến Ý, nơi ông đã học hỏi từ các bậc thầy Phục Hưng như Michelangelo và Leonardo da Vinci. Nhưng trên hết, ông bị cuốn hút bởi một nghệ sĩ tiên phong và mang tính cách mạng, nổi tiếng nhờ cách sử dụng ánh sáng và các nét vẽ mạnh mẽ - Caravaggio.
Rất có thể tác phẩm đã được đặt vẽ bởi người bạn, đồng thời là ân sư của ông, Nicolaas Rockox (1560–1640). Khi đó Rockox đang là thị trưởng thành phố Antwerp, và ngôi nhà của ông nay đã trở thành bảo tàng. Không ai nghi ngờ về sự tồn tại của bức tranh này, nhưng khi Rockox qua đời vào năm 1640, nó đã biến mất, giống như nhiều kiệt tác khác từng biến mất trong lịch sử.
Trong suốt hơn hai thế kỷ, chỉ có hai bằng chứng gián tiếp chứng minh sự tồn tại của bức tranh này. Bằng chứng đầu tiên là bức “Bữa tối tại nhà Nicolaas Rockox” (1630–1635). Tác phẩm thuộc thể loại được gọi là “phòng kỳ quan” (wonder-rooms), rất được giới sưu tập tư nhân thời bấy giờ ưa chuộng như một cách để phô bày sự giàu có tích lũy của họ, thông qua các hình ảnh đóng vai trò như bản kiểm kê vật phẩm. Trong trường hợp này, điểm then chốt nằm ở chỗ: ngay chính giữa căn phòng - giữa nhiều bức tranh khác - có thể thấy bức “Samson và Delilah” của Rubens.
"Bữa tối tại nhà Nicolaas Rockox", tranh của họa sĩ xứ Flanders, Frans II Francken. Trong tranh này, giữa bức tường là bức tranh "Samson và Delilah" với bàn chân đầy đủ của Samson. Ảnh: El Pais
Bằng chứng thứ hai là một bản khắc năm 1613 của bức tranh, do Jacob Matham - bậc thầy khắc tranh người Hà Lan - thực hiện. Nhiều khả năng bản khắc này được chính Thị trưởng Rockox đặt làm.
Samson và Delilah (1609–1610), bản khắc của nghệ nhân Jacob Matham, mô phỏng bức tranh gốc của Rubens.
"Samson và Delilah" không xuất hiện trở lại cho đến năm 1929, tại Paris. Khi ấy, một chuyên gia về Rubens - nhà sử học mỹ thuật người Đức Ludwig Burchard - đã xác nhận tác phẩm là tranh thật. Giới mỹ thuật coi đây là một phát hiện mang tính lịch sử. Tuy nhiên, vấn đề tác quyền đã nảy sinh sau khi vị chuyên gia này qua đời vào năm 1960, người ta phát hiện ông từng xác nhận nhiều bức tranh Rubens giả để trục lợi cá nhân.
Năm 1980, Phòng triển lãm Quốc gia Anh đã sử dụng ngân sách để mua lại bức tranh tại một cuộc đấu giá của nhà Christie’s. Họ đã trả 2,5 triệu bảng Anh (tương đương gần 11 triệu bảng, khoảng 15 triệu USD, theo thời giá hiện nay). Tuy con số này có vẻ nhỏ bé so với thị trường hiện tại, nhưng thời điểm ấy, đây là một mức giá kỷ lục và đã trở thành tiêu đề lớn trên các mặt báo.
Nhưng kể từ đó, bảo tàng dường như vẫn không thể gỡ bỏ “lời nguyền” bao quanh bức tranh.
Xem tiếp Kỳ cuối