Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất: Sự kiện lịch sử và vụ bê bối 500 triệu USD

Ngày 27/4 tới, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có một hội nghị thượng đỉnh quan trọng, mà theo lời một quan chức Hàn Quốc là hai bên sẽ ra một thông báo "vĩ đại" chưa từng thấy. Thực tế, hai quốc gia đã từng tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh trước đó.

Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều năm 2000 diễn ra giữa Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên. Diễn ra từ ngày 13-15/6, đây là hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên trong lịch sử. Tổng thống Kim Dae-jung còn nhận được giải Nobel Hòa bình vì nhờ Chính sách Ánh dương của ông mà hội nghị đã được tổ chức. Chính sách này chủ trương làm mềm quan điểm của Triều Tiên với Hàn Quốc thông qua khuyến khích tương tác và hỗ trợ kinh tế.

Ông Kim Dae-jung (trái) và ông Kim Jong-il trước hội nghị thượng đỉnh.

Theo tờ The Guardian, ngày 13/6, ngày trước cuộc họp thượng đỉnh, nhà lãnh đạo Kim Jong-il đã trở thành tâm điểm thế giới khi đích thân ra tận sân bay đón ông Kim Dae-jung. Ông Kim Dae-jung nói với lãnh đạo nước chủ nhà: “Tôi rất mừng được gặp ông. Tôi đã mong muốn điều này từ lâu rồi. Chúng ta đều là người Chosun. Ngày 13/6 sẽ là dấu mốc đi vào lịch sử”.

Hai nhà lãnh đạo đã cùng đi chung chiếc limousine vào thủ đô Bình Nhưỡng, chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên sau Chiến tranh Triều Tiên. Hai bên đường, ước tính 600.000 người đã đổ ra đường phố Bình Nhưỡng và vẫy hoa giấy để chào đón vị khách quí từ phương Nam.

Đó là sự khởi đầu ấm áp bất ngờ với cuộc gặp đầu tiên của lãnh đạo hai miền Triều Tiên bị chia cắt từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Trong suốt 40 phút trên chiếc limousine, hai nhà lãnh đạo đã nhiều lần nắm tay để thể hiện sự thân tình và trao đổi với nhau nhiều vấn đề.

Tại nhà khách, ông Kim Dae-jung đã nói với ông Kim Jong-il rằng ông hi vọng hai miền Triều Tiên sẽ chấm dứt thù địch, mở ra kỷ nguyên hòa giải và hợp tác mới. Đáp lại, ông Kim Jong-il khẳng định có chung mục đích và nói: “Từ ngày mai, hãy đối thoại mà không ngần ngại”.

Với tinh thần đó, ngày 14/6, hai nhà lãnh đạo đã ký một thỏa thuận giảm căng thẳng, thúc đẩy nỗ lực tái thống nhất Bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố chung nhấn mạnh hai bên sẽ hợp tác tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau nhằm vượt qua khác biệt hệ tư tưởng, hệ thống chính trị; giảm căng thẳng quân sự, đối thoại quốc phòng cấp bộ; nhất trí cần thiết phải chấm dứt tình trạng đình chiến và thiết lập hòa bình lâu dài; hợp tác về xã hội, thể thao, văn hóa, công nghệ, giáo dục…

Trong bữa trưa chia tay ngày 15/6, hai nhà lãnh đạo đã nắm tay nhau cùng hát bài “Ước mong của chúng ta là thống nhất”. Khi về tới Seoul, ông Kim Dae-jung đã nói: “Tôi về nước với niềm tin chắc chắn rằng có thể thống nhất hai miền”.

Ông Kim Jong-il (phải) tạm biệt người đồng cấp Hàn Quốc Kim Dae-jung tại sân bay sau hội nghị.

Cuộc gặp lịch sử được giới lãnh đạo thế giới hoan nghênh. Mỹ coi đây là “ngày hi vọng mới”. Ngày 25/12/2000, hãng tin AP của Mỹ đã bình chọn danh sách 10 sự kiện quốc tế nổi bật nhất năm 2000, trong đó hội nghị thượng đỉnh liên Triều xếp thứ 5.

Đối thoại liên Triều vẫn tiếp tục diễn ra. Triều Tiên đàm phán về bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản và Mỹ, đồng thời duy trì không khí hòa giải. Hội nghị đã mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai bên, nổi bật là sự ra đời của khu du lịch núi Kim Cương và Khu công nghiệp chung Kaesong. Theo tuyên bố chung giữa hai nước trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất, đối thoại cấp chuyên viên quân sự và cấp bộ giữa hai miền đã được tổ chức bốn lần ở Bình Nhưỡng, Seoul và đảo Jeju từ tháng 7 tới tháng 12/2000.

Dư luận dự báo ông Kim Jong-il sẽ sớm tới thăm Seoul, Hàn Quốc. Tuy nhiên, chuyến đi không thành hiện thực do tình hình thế giới đột ngột thay đổi.

Theo tờ Times of India, ba năm sau đó, thông tin Chính phủ Hàn Quốc đã trả gần 500 triệu USD cho Triều Tiên để xúc tiến hội nghị thượng đỉnh năm 2000 bị rò rỉ. Khoản tiền này được giữ bí mật suốt thời gian dài và khi xuất hiện, nó đã gây ra một vụ bê bối chính trị lớn: bê bối đổi tiền lấy hội nghị thượng đỉnh.

Về sau, vì vụ này mà 6 doanh nhân và quan chức Hàn Quốc đã bị kết án. Vụ việc đã bị các tổ chức chính trị Hàn Quốc chỉ trích nặng nề. Một số người cho rằng ông Kim Dae-jung đã “mua” Giải Nobel Hòa bình năm 2000 mà ông nhận được sau thành công hội nghị thượng đỉnh liên Triều.

Khoản tiền 500 triệu USD được trả cho Triều Tiên có liên quan tới tập đoàn Huyndai Asan. Huyndai nói khoản tiền chi cho Triều Tiên là để công ty được độc quyền với du lịch và các dự án khác ở Triều Tiên. Tuy nhiên, điều tra độc lập cho thấy có hơn 150 triệu USD liên quan tới hội nghị thượng đỉnh.

Vụ bê bối cùng một số sự kiện xảy ra sau đó đã khiến ông Kim Han-jung, cựu Thư ký riêng của Tổng thống Kim Dae-jung, vào năm 2015 đã nhận định rằng Hội nghị thượng đỉnh năm 2000 và Chính sách Ánh dương thật ra chỉ thành công một phần. Hai quốc gia lại rơi vào trạng thái nghi ngờ và thù địch, và phải mãi 7 năm sau, hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai mới được tổ chức.

Kỳ 2: Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều năm 2007

Thùy Dương/Báo Tin tức
Hàn Quốc mở trang web có cả tiếng Việt về cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều
Hàn Quốc mở trang web có cả tiếng Việt về cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều

Ngày 16/4, theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Ủy ban chuẩn bị của Hàn Quốc cho cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ mở một trang web truyền hình trực tiếp cuộc gặp giữa Tổng thống nước này Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 27/4 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN