Chống tội phạm có tổ chức ở Mêhicô

Chống tội phạm có tổ chức ở Mêhicô: Cuộc chiến chưa có hồi kết (phần 2)

3. Buôn lậu vũ khí song hành cùng ma túy

Ở Mêhicô, pháp luật quy định mọi người có quyền được mua vũ khí, nhưng phải mua ở cửa hàng hợp pháp duy nhất do quân đội quản lý tại thủ đô. Các thủ tục để có thể mua và đăng ký một khẩu súng không hề dễ dàng. Vì vậy các băng đảng buôn lậu ma túy bèn làm luôn việc buôn bán bất hợp pháp các loại vũ khí qua biên giới phía bắc với Hoa Kỳ, hoặc phía nam với Goatêmala hay bằng đường biển dọc hai bên bờ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương dài hàng mấy ngàn cây số. Chúng còn tổ chức các vụ trộm vũ khí hoặc thậm chí đánh cướp các kho súng của quân đội và cảnh sát để tự trang bị và bán cho các nhóm khác. Rất nhiều loại súng đã được người dân bình thường mua tại các cửa hàng bán vũ khí công khai trên đất Mỹ rồi tìm cách chuyển vào nội địa Mêhicô cho người thân, bạn bè, và đây cũng là một nguồn cung cấp hàng cho thị trường vũ khí chợ đen trong nước.

Một lô vũ khí của các băng nhóm buôn lậu ma túy Mêhicô bị cảnh sát nước này thu giữ.


Các băng nhóm buôn lậu ma túy Mêhicô rất chuộng các loại tiểu liên AR-15 và AK-47, súng ngắn bán tự động FN 5.7 và nhiều loại súng bộ binh có hỏa lực mạnh. Các loại súng này khi đến tay các nhóm tội phạm và sát thủ chuyên giết người thuê đều đã được cải tiến, độ lại nòng nhằm đạt độ chính xác và khả năng sát thương cao nhất. Chỉ trong năm 2009, các lực lượng chức năng Mêhicô đã thu giữ gần 5.000 khẩu súng các loại, trong đó có nhiều loại đã được biến thành vũ khí tiến công có sức công phá mạnh. Các nhóm tội phạm thậm chí còn sử dụng cả súng phóng lựu M 203 và rocket chống tăng mua được qua con đường buôn lậu vũ khí từ Mỹ để chống lại cảnh sát và quân đội khi bị bao vây hay bị truy đuổi…

Các nhà chức trách Mêhicô dường như cảm thấy bất lực trong việc ngăn chặn nạn buôn lậu vũ khí qua con đường biên giới với Hoa Kỳ. Tổng thống Mêhicô trong một chuyến thăm đến Oasinhtơn đã lên tiếng tại Quốc hội Mỹ, phàn nàn về luật cho phép mua bán súng tự do ở nước này và đề nghị Hoa Kỳ có biện pháp giúp chặn đứng nạn buôn lậu vũ khí qua biên giới. Phát biểu của ông Felipe Calderon đã nhận được sự hưởng ứng của một số nhà lập pháp Mỹ, nhưng Thượng nghị sĩ John McCain đã lấy làm tiếc việc một nguyên thủ quốc gia láng giềng lại đề cập với hàm ý phê phán một vấn đề nội bộ của Hoa Kỳ tại diễn đàn chính thức như thế.

4. 10% nạn nhân là dân thường vô tội

Cơ quan Tổng Công tố Liên bang (PGR) ước tính cứ 10 người bị giết trong các cuộc đụng độ có liên quan đến ma túy thì có 9 người nằm trong thành phần tội phạm và có dính líu đến tội phạm, còn một người là thường dân vô can. Như vậy có nghĩa là khoảng 10% trong số 35 nghìn nạn nhân của vấn nạn ma túy trong chưa đầy 5 năm qua, hay khoảng 60 nghìn người chết vì chiến tranh ma túy trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 là những thường dân không hề có liên quan đến ma túy.

Thi thể của 72 người, được cho là bị băng nhóm ma túy Los Zetas của Mêhicô giết hại, được phát hiện hồi tháng 8/2010 trong một nhà kho bỏ hoang ở thị trấn San Fernando.


Người ta còn nhớ, vào ngày 15/9/2008, trong một lễ hội nhân kỷ niệm ngày độc lập của Mêhicô tại quảng trường trung tâm thành phố Morelia bang Michoacan, bọn tội phạm đã tung nhiều trái lựu đạn vào đám đông, làm 9 người chết và 132 người bị thương. Đó là cách mà băng đảng Familia ở Michoacan khủng bố tinh thần của dân chúng cùng với lời hăm dọa: Các người cứ việc ủng hộ chiến dịch chống buôn lậu ma túy của chính phủ đi! Tiếp đó là hàng loạt vụ bọn chúng ném những chiếc đầu lâu người bị giết hại ra giữa đường phố đông đúc hoặc vẽ những hình đầu lâu xương chéo ở nơi công cộng hay ngay trên tường trụ sở cơ quan công quyền coi như những “thông điệp” đe dọa của các băng đảng ma túy. Tháng 2/2010, một vụ tàn sát đẫm máu đã diễn ra ở thành phố Juárez bang Chihuahua trên vùng biên giới phía bắc, trong đó bọn giết người thuê đã xả súng sát hại mấy chục học sinh trung học với cái cớ là nhóm này có liên quan đến một băng ma túy khác đang muốn giành giật lãnh địa của các tay trùm băng Juarez.

Trong số những nạn nhân vô tội này còn có cả những người nhập cư nghèo khổ đến từ các nước Trung Mỹ. Ngày 24/8/2010, một người nước ngoài thương tích đầy mình đã bò tới trạm gác của một đơn vị hải quân gần bờ biển bang Tamaulipas để cầu cứu. Sau đó lực lượng hỗn hợp của hải quân và cảnh sát địa phương đến hiện trường thì phát hiện 72 xác chết là những người từ Êquađo, Goatêmala, En Xanvađo, Ônđurát… đang tìm đường sang Mỹ làm ăn. Chiếc xe buýt chở họ đã bị các tay súng của băng Los Zetas chặn lại và yêu cầu họ đi theo làm lính đánh thuê cho chúng. Những người nhập cư chống lại, bọn này liền xả súng giết hại họ một cách dã man.

Gần đây, một làn sóng bạo lực nhằm vào các nhà chức trách, các nhân viên công quyền do các băng nhóm này thực hiện đang ngày càng gia tăng. Một số vị thẩm phán tòa án các địa phương đã bị sát hại khi vừa ra khỏi công sở, hay trên đường từ nhà đến nơi làm việc. Hội đồng các thẩm phán liên bang đã phải yêu cầu cơ quan an ninh tăng cường biện pháp bảo vệ các vị quan tòa làm nhiệm vụ xét xử các vụ án ma túy. Con số được báo chí Mêhicô trích dẫn từ báo cáo của cảnh sát cho biết: Trong hơn một năm qua trên cả nước đã xảy ra 1.385 vụ giết hại, hoặc bắn trọng thương các nhân viên công quyền, các nhân chứng do các nhóm vũ trang và các sát thủ nhận tiền của các băng nhóm buôn lậu ma tuý tiến hành.

Trước đây đã từng xảy ra vụ giám đốc cơ quan điều tra thuộc Sở công tố bang Nuevo Leon, một người kiên quyết trấn áp tội phạm ma túy, đã bị một kẻ bịt mặt bắn chết bằng 4 phát đạn súng ngắn loại cực mạnh xuyên thủng áo giáp chống đạn, khi ông này vừa đỗ xe bước xuống để đi vào nhà văn hóa quận San Pedro tham dự một hoạt động từ thiện.

Phạm Đình Lợi (Còn tiếp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN