04:22 22/04/2016

Hồ Đankia - Suối Vàng bị san ủi, lấn chiếm

Gần đây, một số phương tiện truyền thông đã phát hiện và đề cập việc lòng hồ Đankia - Suối Vàng, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) - một danh thắng cấp quốc gia, đã bị san gạt đất lấn chiếm, gây ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan.

Nặng nề hơn, việc san gạt đất là nhằm canh tác nông nghiệp và việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cả thành phố Đà Lạt.

Hồ Đankia - Suối Vàng nằm trong vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang. Đây chính là nơi khởi nguồn của hệ thống sông Đồng Nai rộng lớn. Không chỉ xảy ra việc san ủi, gạt bằng hàng loạt diện tích đất quanh hồ, từ bên trên xuống lòng hồ để làm nông nghiệp, mà chính quyền địa phương còn phát hiện xung quanh hồ đã trở thành điểm tập kết rác lớn.

Khu nhà kính xây dựng trái phép tại vị trí trước đây vẫn là lòng hồ Đankia. Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN

Việc san ủi đất xung quanh hồ đã diễn ra từ nhiều năm nay. Trong khi đó, tại khu vực hồ này có đến 4 đơn vị quản lý, cùng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cảnh quan. Khu vực lòng hồ Đankia - Suối Vàng do Vườn quốc gia Biduop Núi Bà quản lý. Còn khai thác, sử dụng nguồn nước này thì có đến 3 đơn vị gồm: Công ty TNHH một thành viên cấp thoát nước Lâm Đồng, Công ty cổ phần cấp nước Sài Gòn Đankia và Nhà máy thủy điện Ankoret. Diện tích đất bị người dân san ủi, lấp xuống khu vực hồ lên đến 32.400 m2 mà các đơn vị khai thác, sử dụng tài nguyên nước và quản lý lòng hồ vẫn không có phản ứng.

Sau khi báo chí phanh phui vụ việc, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo ráo riết công tác khắc phục thì lại nảy sinh nhiều điểm không đồng nhất trong công tác quản lý đất đai. Cụ thể, tại các quyết định 616/QĐ - UBND và quyết định 2691/QĐ - UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng, việc xác định ranh giới, diện tích lòng hồ để phân cấp, giao trách nhiệm quản lý hồ Đankia - Suối Vàng cho chính quyền địa phương và các đơn vị, tổ chức chồng chéo nhau, dẫn đến tình trạng các cơ quan đùn đẩy nhau trong quản lý, phát hiện các sai phạm.

Vấn đề khắc phục hậu quả cũng có nhiều bất cập. Trước đây, việc san ủi, cải tạo đất phải đăng ký theo quy trình được quy định trong bộ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai. Nhưng hiện tại, thủ tục hành chính san ủi, cải tạo đất đã được bãi bỏ theo quyết định số 2029/QĐ - UBND ngày 23/9/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định 102/2014/CĐ - CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ thì hành vi san ủi, làm thay đổi, biến dạng địa hình đất không được quy định xử phạt hành chính. Do đó, nhiều trường hợp san ủi đất tại hồ Đankia - Suối Vàng không bị xử phạt hành chính mà chỉ bị lập biên bản kiểm tra và đình chỉ việc san ủi.

Ngay sau khi các quy định xử phạt san ủi, cải tạo, làm thay đổi hiện trạng đất đai cũng như bộ thủ tục đăng ký được bãi bỏ, cùng với áp lực phát triển kinh tế, nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp của người dân ngày càng cao, việc san ủi, san gạt đất đồi núi tạo mặt bằng sản xuất đang gia tăng trong dân cư. Hiện tại, phong trào san gạt đất đồi núi đang phát triển rất mạnh tại nhiều địa phương trong tỉnh Lâm Đồng, nhất là thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương.

Mới đây, UBND huyện Lạc Dương đã kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng quy định rõ trách nhiệm, phân giới quản lý khu vực hồ Đankia - Suối Vàng cho các tổ chức, đơn vị quản lý, khai thác nguồn nước và chính quyền địa phương, nhằm gắn chặt hơn trách nhiệm của từng đơn vị trong việc bảo vệ khu vực lòng hồ, hệ sinh thái hồ Đankia - Suối Vàng. Bên cạnh đó, trong bối cảnh các hoạt động san gạt, cải tạo đất đồi núi diễn ra rầm rộ, cơ quan chức năng cần có giải pháp và quy định thật cụ thể, tránh để xảy ra sự đã rồi... mới lo giải quyết, xử lý.
Phạm Kha