07:09 30/07/2011

Hồ Chí Minh, nhà lý luận của các nhà lý luận

Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" vẫn đang được triển khai sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân, với rất nhiều hình thức khác nhau.

Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" vẫn đang được triển khai sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân, với rất nhiều hình thức khác nhau.

Ngày 2/8 tới, tại Hải Phòng sẽ diễn ra cuộc tọa đàm và giới thiệu cuốn sách “Một số cảm nhận về tư tưởng - hành động của Hồ Chí Minh” của nguyên Phó Thủ tướng Đoàn Duy Thành. Cuộc tọa đàm do Ban Tuyên giáo Trung ương, Nhà xuất bản Chính trị `Quốc gia và Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức, như một hoạt động trọng tâm của cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Nhân dịp này, báo Tin Tức xin trích giới thiệu bài viết của tác giả cuốn sách - nguyên Phó Thủ tướng Đoàn Duy Thành.

"Cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã kể với tôi nhiều chuyện về đức khiêm tốn của Người. Trong đó, có việc báo chí gọi Bác là “Cha già dân tộc”. Bác nói với anh Trường Chinh: “Tuổi mình còn ít hơn nhiều cụ, công lao của mình đã làm được bao nhiêu cho dân, cho nước mà để báo chí nói như vậy sẽ làm cho các cụ cao tuổi cả nước và nhiều người khác chạnh lòng…”. Từ đó, báo chí mới thôi không nhắc đến “cụm từ nhân xưng” gọi Bác là “Cha già dân tộc”. Chính sự khiêm tốn đó đôi khi làm chúng ta quên đi những điều vô cùng vĩ đại của Bác. Vĩ nhân xưa nay thường ít khi nói về mình, nếu có nói là “vạn bất đắc dĩ” như những câu chuyện “Vừa đi đường vừa kể chuyện” hoặc “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của tác giả Trần Dân Tiên. Do yêu cầu của cách mạng, Thường vụ Trung ương Đảng đề nghị nhiều lần, Bác mới viết một số kinh nghiệm hoạt động quần chúng để giúp cho cán bộ trong công tác dân vận, nhất là cán bộ công tác ở vùng tạm chiếm học tập làm theo chứ tuyệt nhiên không có ý đề cao cá nhân mình.
Hồ Chủ tịch là hiện thân của từ bi, bác ái, đức độ… hiện thân rất cụ thể như gần gũi với mọi người, không có khoảng cách, là hiện thân của Đoàn kết, Đoàn kết, đại Đoàn kết… Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi sinh thời đã từng viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con người cao mà không xa, mới mà không lạ, soi sáng mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thiết từ lâu”. Nhưng cao hơn thế, chính là tư tưởng và lý luận của Bác như tôi đã khẳng định: “Hồ Chí Minh là nhà lý luận của các nhà lý luận”.

Chúng ta đều biết, Bác đã nói: “Không có lý luận cách mạng, không có hành động cách mạng”. Hành động cách mạng của dân tộc ta từ những năm 30 của thế kỷ trước, khi có Đảng đến ngày nay đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác: Đập tan chế độ phong kiến thối nát, chủ nghĩa thực dân Pháp và quân phiệt Nhật, giải phóng dân tộc, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ đầu tiên ở châu Á. Toàn thắng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc; và những thắng lợi trong công cuộc xây dựng XHCN với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh… những thắng lợi vẻ vang đó của cách mạng, tất yếu phải bắt nguồn từ một lý luận. Đó là Lý luận Hồ Chí Minh.

Đoàn Duy Thành - tác giả cuốn "Một số cảm nhận về tư tưởng - hành động của Hồ Chí Minh".

Lý luận Hồ Chí Minh thể hiện từ tinh thần dân tộc, lòng yêu nước vô bờ bến của nhân dân ta mà Bác là đại diện tiêu biểu. Sự ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành cách đây 100 năm, Bản yêu sách của nhân dân An Nam đòi độc lập, tự do gửi Hội nghị Véc-xay (Pháp), những bài báo của Bác trên tờ “Người Cùng Khổ” (Le Paria)… đến “Đường Kách Mệnh”, “Tuyên ngôn độc lập” ngày 2/9/1945, những cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng mà Bác là người đứng đầu, những bài viết, bài nói và ngay cả những bài thơ của Bác… chính là lý luận cụ thể của Cách mạng Việt Nam....

Đặc trưng của Lý luận Hồ Chí Minh là trong gần 25 năm làm Nguyên thủ Quốc gia và 35 năm hoạt động cách mạng, qua thực tiễn hành động, Người phân tích và giải đáp một cách khoa học, đáp ứng lòng ham muốn của con người và chuyển hóa lòng ham muốn đó từ của cá nhân sang cho tập thể, cho cộng đồng, cho dân tộc. Người đã đúc rút ra một chân lý, đã là người thì dù ở quốc tịch nào, địa vị nào đều có một ham muốn là: Hòa bình, độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc. Như vậy, con người sinh ra là ắt có nhu cầu, sở thích, ham muốn, lòng tham. Các giai tầng khác nhau trong từng hoàn cảnh khác nhau ở các giai đoạn phát triển khác nhau sẽ sinh ra những biến dạng về sự ham muốn. Nhu cầu đó, sở thích đó, ham muốn đó, lòng tham đó là sự phát triển không ngừng, vô giới hạn. Chính vì thế, đây là động lực để thúc đẩy phát triển xã hội và bảo vệ đất nước. Hồ Chí Minh đã nhìn nhận thấy mặt tích cực đó và áp dụng trong từng thời kỳ Cách mạng Việt Nam, thành động lực cách mạng, phong trào cách mạng.

Hồ Chủ tịch và những người kế tục sự nghiệp của Người đã chắt lọc vận dụng các học thuyết, lý luận, các công thức, các mô hình kinh tế và chính trị vào Việt Nam. Chúng ta đã thấy rõ những ưu khuyết điểm của nó. Từ những cơ sở trên, ta có đủ căn cứ khoa học và kinh nghiệm để phát triển một Lý luận Hồ Chí Minh thực tiễn và hành động cho Việt Nam, để Việt Nam tiến bước đi lên một cách vững chắc, một Việt Nam hạnh phúc, phồn vinh, văn minh và thịnh vượng. Không còn người nghèo là nền tảng cho một nước văn minh. Hết nghèo mới có điều kiện học hành, có học hành mới có văn minh, mới bảo vệ được quyền dân chủ cho mình và tôn trọng quyền dân chủ của người khác. Có sức khỏe và tri thức mới đủ khả năng nuôi sống mình và nuôi con cái, mới có đóng góp cho xã hội. Nếu không có sự hiểu biết của nhân dân và các điều kiện để thực hiện pháp luật, thì pháp luật có hay biết bao nhiêu cũng không khả thi. Do đó, pháp luật có hay đến mấy nhưng nhân dân không hiểu được pháp luật, thì nước đó cũng chưa phải là “nước dân chủ”, là “nước văn minh”. Sự “đàn áp”, “bóc lột” vẫn có thể trá hình dưới hình thức dân chủ để trở lại những hành động cũ của các chế độ phong kiến, tư bản mà dân tộc ta đã phải hy sinh hàng triệu sinh mạng để xóa bỏ nó và đó là đất tốt cho mầm mống của chế độ cũ mọc lại. Vì vậy chúng ta phải sớm phát triển hoàn chỉnh Lý luận Hồ Chí Minh bằng hành động, xây dựng một mô hình xã hội, một cơ chế, một nền sản xuất kinh tế phù hợp để giải quyết mâu thuẫn giàu - nghèo và thỏa mãn các nhu cầu con người và xã hội đang phát triển và thay đổi hàng ngày. Con người và các giai tầng xã hội chỉ có thể thoát nghèo khi được phát huy hết khả năng lao động trong một môi trường thực sự bình đẳng, tự do và dân chủ để đạt được những mục đích, ham muốn của mình. Một dân tộc, một nền kinh tế chỉ có thể phát triển bền vững khi nó đáp ứng được những ham muốn của con người. Đồng thời giáo dục đạo đức, xây dựng luật pháp làm cơ sở định hướng cho các biến dạng ham muốn của các giai tầng đi vào quỹ đạo: Chân, Thiện, Mỹ và hướng tới mục đích chung của dân tộc.

Dân có giàu thì nước mới mạnh. Dân có giàu thì xã hội mới văn minh, hiện đại. Một dân tộc văn minh và hùng mạnh là một dân tộc bất khả xâm phạm. Xây dựng một đất nước hùng mạnh, văn minh chính là cách bảo vệ Tổ quốc hữu hiệu nhất theo lý luận Hồ Chí Minh.

Đoàn Duy Thành