03:10 31/03/2011

Hiểu về động đất để phòng ngừa

Gần đây Thanh Hóa, Hà Nội hay ngoài khơi Bà Rịa - Vũng Tàu đã gặp những cơn động đất từ 3 đến hơn 4 độ Richter. Theo TS Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (ĐĐ&ST)...

Động đất vì đâu, tại sao?

Gần đây Thanh Hóa, Hà Nội hay ngoài khơi Bà Rịa - Vũng Tàu đã gặp những cơn động đất từ 3 đến hơn 4 độ Richter. Theo TS Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (ĐĐ&ST), Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam, đó là do nhiều khu vực trên lãnh thổ Việt Nam nằm trên các đứt gãy của vỏ trái đất.

Đứt gãy là các vết nứt của vỏ trái đất, theo đó, vết đứt gãy càng sâu, rộng và dài thì các khu vực xung quanh các vết đứt gãy đó có khả năng xảy ra các trận động đất càng mạnh.

Theo thuyết kiến tạo mạc, quả đất có lớp vỏ rắn bị nứt nẻ. Dưới các lớp vỏ rắn là lớp quyển mềm. Vì thế, các lớp vỏ rắn phía trên thường trôi nổi, không ổn định, khi va chạm với nhau thì các vỏ này siết vào nhau hoặc chui xuống nhau. Như vậy có thể hình dung, trận động đất xảy ra tại tỉnh Fukushima của Nhật Bản là sự va chạm của 2 mảng kiến tạo lớn là Thái Bình Dương và Bắc Mỹ. Khi va chạm vào nhau, thì mảng Thái Bình Dương chui xuống dưới mảng Bắc Mỹ nên gây ra động đất mạnh như vậy.

Việt Nam khó có động đất mạnh

Theo Trung tâm ĐĐ&ST, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam, nước ta tuy đôi khi có xảy ra động đất nhưng khả năng xảy ra các trận động đất mạnh là rất hiếm vì các vết đứt gãy của Việt Nam là rất nhỏ, nông so với vết đứt gãy tại Nhật Bản.

Tại Việt Nam, miền Bắc nằm trên một loạt vết đứt gãy chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam dọc theo các con sông Chảy, Hồng, Đà, Mã… ngoài ra có rãnh chạy lên Lai Châu. Các khu vực xảy ra động đất chính là các khu vực nằm trên các vết đứt gãy đó.

Theo các nhà địa chấn Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam, động đất thường tuân theo quy luật nhất định, và quy luật của hiện tượng động đất là các trận có cường độ nhỏ từ 3 – 4 độ Richter thì xảy ra thường xuyên hơn các trận động đất có cường độ lớn (7 – 8 độ Richter). Điển hình là 2 trận động đất tại Việt Nam, tập trung ở Tây Bắc có cường độ lớn 6,8 và 6,7 độ Richter (trận động đất ở Điện Biên năm 1955 và ở Tuần Giáo năm 1983), ngang với trận động đất tại Kobe (Nhật Bản). Nhưng từ đó đến nay, các trận động đất mạnh như thế chưa lặp lại.

Dựa vào quan trắc các vết đứt gãy trên lãnh thổ Việt Nam có thể nói rất hiếm xảy ra những trận động đất có cường độ mạnh tới 7 – 8 độ Richter. Tuy nhiên, những trận động đất nhẹ, trung bình vẫn có thể diễn ra trên một số đứt gãy sâu như khu vực Tuần Giáo và Điện Biên.

“Tuy nhiên, chúng ta phải đề phòng các hiểm họa. Cái chính là phải có tư tưởng phòng ngừa. Nếu thảm họa xảy ra ở rừng, đồng bằng thì không thiệt hại nặng nhưng xảy ra trong thành phố thì sẽ là ghê gớm. Ví như gần đây có 1 trận ở Ôxtrâylia chỉ 6,3 độ Richter thôi nhưng xảy ra ở giữa thành phố nên số người chết rất nhiều. Hay trận động đất ở Haiti xảy ra giữa Thủ đô, chỉ có 7 độ Richter nhưng làm hơn 200.000 người chết”, TS Lê Huy Minh nói.

Xuân Hương