03:11 05/03/2011

Hiệu sách truyền thống trước thách thức từ công nghệ thông tin

Hiện nay các hiệu sách truyền thống đang phải vật lộn để tồn tại do sự chuyển dịch ngày càng tăng sang khu vực sách điện tử và bán hàng qua mạng Internet. Mọi ánh mắt đều đang dồn về các công ty bán lẻ sách lớn của Mỹ để xem họ tìm cách đối mặt với thách thức này như thế nào.

Hiện nay các hiệu sách truyền thống đang phải vật lộn để tồn tại do sự chuyển dịch ngày càng tăng sang khu vực sách điện tử và bán hàng qua mạng Internet. Mọi ánh mắt đều đang dồn về các công ty bán lẻ sách lớn của Mỹ để xem họ tìm cách đối mặt với thách thức này như thế nào.

Công ty Borders Group, điều hành khoảng 500 cửa hàng sách tại Mỹ, đã chính thức thông báo họ buộc phải chậm thanh toán tiền lương cho nhân viên cũng như khoản tiền thuê mặt bằng trong bối cảnh công ty đang phải sắp xếp lại các khoản nợ.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng công ty sách lớn thứ hai của Mỹ này đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản hoặc phải nhượng lại cho công ty khác. Công ty sách có con số thua lỗ hàng đầu tại Mỹ, Barnes & Noble, cũng cho biết đang xem xét việc bán lại công ty hoặc chấp nhận các lựa chọn chiến lược khác.

"Thay đổi mang tính đổ vỡ đang đến với ngành kinh doanh sách trên toàn thế giới. Các công ty trong ngành này muốn qua trải nghiệm của những đồng nghiệp ở Mỹ để hiểu được bản chất của thay đổi này cũng như cách đối phó với nó", Mike Shatzkin, Giám đốc Công ty Idea Logical và là nhà tổ chức hội nghị Thế giới Sách điện tử mới diễn ra tại thành phố New York (Mỹ), cho biết.

Mạng Internet không chỉ mang lại giá cả thấp cho nhiều sản phẩm mà giờ đây còn có thể chuyển phát sách điện tử tới những thiết bị như Kindle của Amazon hay iPad của Apple. Shatzkin cũng cho biết, hoạt động kinh doanh sách điện tử mỗi năm đã tăng hơn 2 lần trong suốt 3 năm qua.

Một thiết bị đọc sách điện tử đang được ưa chuộng. Ảnh: Internet


Đồng thời, trong những năm tới, thị phần của các hiệu sách truyền thống có khả năng sẽ sụt giảm mạnh từ 72% hiện nay xuống còn khoảng 25% tổng doanh số bán sách. Điều đó có nghĩa là trong 10 năm tới các cửa hàng sẽ mất đi khoảng 90% kệ sách, tương đương với sự sụt giảm từ hơn 1.200 hiệu sách lớn tại Mỹ xuống còn 150 hiệu sách có quy mô khá khiêm tốn.

Trong khi đó, trang mạng giao dịch trực tuyến Amazon.com cho biết, hiện họ đang bán được nhiều sách điện tử Kindle hơn số sách in tại thị trường Mỹ, với tỉ lệ 115 sách điện tử/100 sách in.

"Các hiệu sách truyền thống mất khách hàng vì 2 yếu tố: Thiết bị sách điện tử và sách in bán qua mạng", Shatzkin nói. "Doanh số bán sách in qua mạng chiếm khoảng 25% tổng doanh số bán sách in, còn doanh số bán thiết bị sách điện tử tương đương gần 10% tổng doanh số bán sách in".

Một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, 5% người dân Mỹ sở hữu một thiết bị đọc sách điện tử. Tuy nhiên, nghiên cứu này chưa đánh giá được hết xu hướng do các thiết bị khác như điện thoại thông minh cũng có tính năng này.

Theo Billy Hulkower, một nhà phân tích công nghệ kỳ cựu tại Công ty nghiên cứu Mintel, các hiệu sách đang phải đối mặt với ba mối đe dọa chứ không phải hai như nêu trên, gồm cạnh tranh trực tuyến, sách điện tử và các thư viện công cộng cung cấp cả sách in và nội dung sách điện tử miễn phí. "Các công ty bán lẻ cần tập trung vào việc tạo lý do thuyết phục để mọi người ghé thăm cửa hàng, ví dụ như dịch vụ vận chuyển hoặc giới thiệu sách", ông nói.

Người Mỹ chi phí khoảng 1 tỉ USD cho việc mua sách điện tử trong năm 2010 và thị trường này đang không ngừng phát triển mạnh. Nhà nghiên cứu James McQuivey nói rằng khoảng 7% người Mỹ đọc sách điện tử và "nhóm nhỏ, năng động này sẽ phát triển hết sức nhanh chóng và dễ dàng đạt mức chi tiêu gần 3 tỉ USD cho sách điện tử vào năm 2015”.

Các nhà phân tích cho rằng, chính yếu tố giá rẻ và tiện lợi đã khiến sách điện tử nhanh chóng “bóp nghẹt” các công ty sách lớn, sau khi đè bẹp các công ty sách nhỏ và độc lập trong những năm gần đây.

"Các hiệu sách truyền thống đang bị các thiết bị đọc sách điện tử và hoạt động bán sách in qua mạng Internet đe dọa, Gary Becker, một nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel nói. Kiểu chuyển dịch này được các nhà kinh tế học gọi là "sự hủy diệt mang tính sáng tạo", tương tự việc thay thế xe ngựa kéo bằng ô tô trước đây.

Khách hàng đang có xu hướng ưa chuộng các thiết bị đọc sách, nhất là những loại có nhiều chức năng. Sách điện tử chủ yếu bán chạy nhất cho những "mọt sách" luôn ham đọc. Hiện nay, tuy sách điện tử rẻ hơn sách in, nhiều cuốn chỉ có giá bằng một nửa, yếu tố giá rẻ đã góp phần vực dậy cả ngành công nghiệp sách.

Tuy nhiên, một câu hỏi lớn được đặt ra là nếu mọi người chuyển hết sang đọc sách điện tử thì liệu các nhà xuất bản có đủ khả năng giữ giá thấp như hiện nay hay không. Có lẽ là không nhưng Amazon hiện đang đưa ra giá thấp và đây chính là điểm mọi người đang băn khoăn.

Ông Shatkzin nói rằng doanh thu của ngành sách đang bị cuộc cách mạng số tác động nặng nề. "Giá sách sẽ tiếp tục giảm. Việc xuất bản sẽ trở nên dễ dàng hơn, mọi người ai cũng có thể làm việc đó, nhưng kinh doanh sẽ rất khó khăn". Thế giới hiện chưa nhận ra tác động này nhưng việc đó không bao lâu nữa sẽ đến.

Quang Minh (theo AFP)