02:05 05/02/2015

Hiệu quả vốn vay chính sách ở Lào Cai

Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, những năm gần đây nhờ tiếp cận được các chương trình vay vốn chính sách ưu đãi để đầu tư làm nhà ở, phát triển kinh tế,… nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, những năm gần đây nhờ tiếp cận được các chương trình vay vốn chính sách ưu đãi để đầu tư làm nhà ở, phát triển kinh tế,… nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Niềm vui thoát nghèo

Năm 1990, chị Nguyễn Thị Phượng từ Vĩnh Phúc tay xách nách mang con nhỏ lên với chồng ở thôn Phú Xuân, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng (Lào Cai). Những ngày đầu, vợ chồng con cái phải đi mượn nhà ở. Năm 1995, chị Phượng được tổ chức phụ nữ xét cho vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội để xây chuồng trại và mua con giống chăn nuôi lợn, gà, vịt.

Chị Nguyễn Thị Phượng (người ngồi giữa) thôn Phú Xuân, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng giới thiệu với đoàn công tác Chứng nhận Trang trại đạt tiêu chuẩn.



Chị Nguyễn Thị Phượng cho biết: “Được vay 30 triệu đồng, chúng tôi vừa mừng vừa lo, bởi đây là khối tài sản rất lớn. Vợ chồng tôi bàn bạc làm gì để có hiệu quả kinh tế, cuối cùng thống nhất sẽ đầu tư vào chăn nuôi, phù hợp với điều kiện gia đình và số vốn vay”. Trời không phụ người khó, việc chăn nuôi của gia đình chị Phượng thuận lợi. Năm con lợn nái ban đầu sinh ra lứa nào đều nuôi được, bán được. Có thêm nguồn vốn, chị Phượng tiếp tục mở rộng chuồng trại nuôi gà, vịt và buôn bán thức ăn gia súc. Hiện nay, trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị Phượng thu về khoảng trên 200 triệu đồng. Từ hộ nghèo trở thành hộ khá giả, gia đình chị Phượng có của ăn của để và con cái được ăn học, có nghề nghiệp ổn định. Trang trại của chị Phượng bao giờ cũng có khoảng 200 con lợn thịt, hàng trăm con gà, vịt đẻ trứng.

Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, chị Phượng còn giúp đỡ mọi người trong thôn về con giống và hướng kỹ thuật chăn nuôi sao cho hiệu quả. Gia đình nào khó khăn, chị bán chịu thức ăn gia súc, khi nào có thu hoạch thì trả. Ngoài nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế, chị Phượng cũng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội 26 triệu đồng cho cậu con trai đầu Hà Mạnh Thắng học Cao đẳng điện ở Hà Nội, giờ cháu đã tốt nghiệp và đi làm tại Công ty gang thép Lào Cai.

Tăng vốn, giãn thời gian trả nợ

Ông Lương Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phú kể về sự đổi thay trên địa bàn, cuộc sống của người dân dần được nâng lên, nhiều hộ đã thoát nghèo, các mô hình sản xuất kinh doanh làm ăn có hiệu quả… Ông Thuận khẳng định: “Những năm qua, nhờ tiếp cận cận với nguồn vốn vay chính sách, nên người dân có điều kiện để phát triển kinh tế. Nhiều gia đình xóa được nhà tạm, các em học sinh sinh viên có điều kiện để theo học lên cao hơn, nhiều hộ dân biết tận dụng nguồn vốn vay để đầu tư chăn nuôi và trồng trọt… góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo và chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã”. Theo ông Thuận, cái hay là ở chỗ người dân được vay nguồn vốn này, không phải thế chấp tài sản, lãi suất lại rẻ, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của đồng bào nông thôn, miền núi.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, giờ đây trang trại gia đình chị Phượng có tổng đàn gia súc, gia cầm lên tới hàng trăm con.


Buổi làm việc giữa Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lào Cai với chính quyền xã Gia Phú, đại diện các đoàn thể được ủy thác đều có ý kiến cần tăng thêm vốn vay cho các hộ gia đình sản xuất kinh doanh, làm trang trại, trồng cây công nghiệp dài ngày. Chị Phượng bày tỏ: “Kinh tế gia đình giờ đây có của ăn của để, nhưng tôi mong muốn được vay vốn ưu đãi nhiều hơn để đầu tư mở rộng trang trại chăn nuôi, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn”. Tận mắt chứng kiến mô hình trang trại rất hiệu quả của gia đình chị Phượng, ông Phan Thanh Sơn, Trưởng phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Thắng chấp thuận để chị Phượng thực hiện thủ tục vay 100 triệu đồng đầu tư thêm cho phát triển kinh tế.

Ông Lương Văn Thuận, Phó Chủ tịch xã Gia Phú thay mặt nhiều hộ dân kiến nghị: “Ngân hàng cần xem xét tăng thêm gói vay ưu đãi, vì hiện nay 30 triệu đồng không đủ để đầu tư sản xuất kinh doanh trong điều kiện cơ sở vật chất của người dân đang rất khó khăn. Đồng thời, ngân hàng nên kéo dài thời gian hoàn trả công nợ theo chương trình vay vốn học sinh sinh viên và các hộ chăn nuôi đàn gia súc, trồng cây công nghiệp dài ngày.

Bài và ảnh: Việt Hoàng