04:15 06/04/2018

Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã khẳng định được hiệu quả, tạo chuyển biến đáng kể về quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp tại tỉnh Bắc Giang.

Chú thích ảnh

Tuy nhiên, mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở tỉnh hiện còn nhỏ lẻ, phân tán và chậm nhân ra diện rộng, chưa mang tính hệ thống.

Một số mô hình đã được hỗ trợ nhưng không tập trung, phân tán. Việc lựa chọn đối tượng cây trồng trong nhà lưới, nhà màng chưa phù hợp khiến hiệu quả kinh tế kém. Nhiều sản phẩm chưa có thương hiệu, nhãn hiệu, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa được quan tâm. Vì vậy, chưa đưa được vào các chuỗi tiêu thụ lớn; thiếu tính liên kết trong sản xuất – tiêu thụ.

Để nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, thời gian tới, cần đẩy nhanh tiến độ quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có tính ổn định lâu dài về đất đai, đồng thời là cơ sở để kêu gọi đầu tư; tăng cường nhân rộng các mô hình hiệu quả; lựa chọn công nghệ phù hợp, phát triển thị trường, mở rộng thương hiệu sản phẩm, xây dựng liên kết chuỗi giá trị...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái khẳng định, Bắc Giang có lợi thế về phát triển nông nghiệp, từ điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực đến vị trí giao thông thuận lợi với nhiều thị trường lớn như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Trung Quốc... Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển khá toàn diện, sản phẩm đang từng bước có thị trường, thương hiệu ở cả trong và ngoài nước. Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết 130 ra đời đã khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, những tồn tại đang là rào cản lớn trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của địa phương. Do đó, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương ở tỉnh cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 130 cũng như kế hoạch, chương trình hành động của HĐND, UBND tỉnh.

Đồng thời, các đơn vị rà soát, xây dựng quy hoạch vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; bố trí đủ vốn để hỗ trợ mô hình nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh thành lập Hợp tác xã kiểu mới trong sản xuất nông nghiệp; quan tâm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm; đẩy mạnh dồn điền đổi thửa để áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất...

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 21 mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến, góp phần tăng năng suất, chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp, tiêu biểu như các mô hình sản xuất rau an toàn, rau chế biến với quy mô hàng chục ha tại xã Tiến Dũng (huyện Yên Dũng), xã Đông Lỗ (huyện Hiệp Hòa), xã Đông Phú (huyện Lục Nam)…

Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, các quy trình tiên tiến đã được ứng dụng vào sản xuất, bảo quản chế biến, đã làm cho năng suất, chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp của tỉnh không ngừng tăng lên và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tỉnh Bắc Giang đã dành hơn 67 tỷ đồng để đầu tư cho chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 3 tỷ đồng, ngân sách tỉnh gần 15 tỷ đồng, ngân sách huyện khoảng 13 tỷ đồng, còn lại là đối ứng của các tổ chức, cá nhân.

Chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh nhận được sự đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ của các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại và người dân.

Tùng Lâm