Cơn bão lịch sử Yagi hồi tháng 9/2024 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhà nước cũng như nhân dân tỉnh Yên Bái. Sau bão, nhờ những chính sách, nghị quyết được ban hành kịp thời của tỉnh, cùng sự nỗ lực vươn lên của người dân, những cánh đồng dâu, rau màu hay vùng bưởi xanh ngát trở lại. Điều này cho thấy, các nghị quyết được ban hành thực sự đi vào lòng dân và vì dân.
Người trồng dâu ở xã Thành Thịnh, huyện Trấn Yên phấn khởi vì diện tích dâu được khôi phục, cho lá xanh.
Tại xã Thành Thịnh, huyện Trấn Yên, cơn lũ lịch sử gây thiệt hại nặng nề cho người trồng dâu với nhiều diện tích bị vùi lấp, chết do ngập úng. Nhưng hiện nay, những cây dâu được "hồi sinh" kỳ diệu, kịp cho hái lá để chăm những lứa kén đầu tiên của vụ nuôi tằm năm 2025. Người dân không chỉ được nhận hỗ trợ về cây, con giống mà còn được nhận hỗ trợ tiền mặt theo Nghị quyết 77 của HĐND tỉnh Yên Bái về quy định một số nội dung và mức hỗ trợ thiệt hại sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) năm 2024 trên địa bàn.
Gia đình anh Nguyễn Anh Tư, thôn Trúc Đình, xã Thành Thịnh, huyện Trấn Yên là một trong những hộ dân được nhận tiền hỗ trợ. Số tiền tuy không lớn nhưng là động lực thôi thúc gia đình anh khôi phục, chăm sóc và trồng lại hơn 3 sào dâu xanh mướt như hiện nay.
Sau bão người trồng dâu bị thiệt hại nặng. Cứ nghĩ vựa dâu tằm lớn nhất tỉnh Yên Bái sẽ bị "xóa sổ", thế nhưng, nhờ những chính sách hết sức nhân văn, kịp thời đã giúp người dân từng bước vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả và vươn lên ổn định sản xuất. Tỉnh đã hỗ trợ bà con tiền mặt, kỹ thuật chăm sóc và phân bón rất kịp thời. Đây là động lực để người dân bước vào sản xuất vụ tiếp theo, anh Nguyễn Anh Tư chia sẻ,
Người dân xã Thành Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) chăm lứa tằm đầu tiên năm 2025.
Tương tự, Hợp tác xã dâu tằm tơ Hạnh Lê, xã Thành Thịnh có 56 hộ liên kết trồng dâu nuôi tằm, với tổng diện tích hàng chục ha. Sau bão Yagi, gần 100% diện tích dâu bị ảnh hưởng, trong đó khoảng 3 ha bị mất trắng hoàn toàn, 50% diện tích dâu thiệt hại nặng. Các hộ ngoài được hỗ trợ cây giống còn được hỗ trợ thêm kinh phí theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Yên Bái và hướng dẫn cách làm đất trồng dâu đúng kỹ thuật. Nhờ đó đến nay, cơ bản toàn bộ diện tích dâu của Hợp tác xã đã được khôi phục và cho lá trở lại. Hiện, Hợp tác xã tiếp tục đầu tư lấy giống và khay về ươm nuôi tằm, phục vụ bà con vụ mới.
Chị Nguyễn Thị Hồng Lê, Giám đốc Hợp tác xã dâu tằm Hạnh Lê cho biết, thực hiện chính sách của tỉnh, huyện Trấn Yên đã hỗ trợ cho nông dân cây giống, phân bón và tiền mặt, qua đó, giúp bà con đỡ đi phần nào kinh phí. Hiện nay, người dân đang khôi phục gần như toàn bộ diện tích trồng dâu, còn một số ít diện tích thiếu cây giống sẽ được hỗ trợ đợt tới. Bà con nông dân sẽ cố gắng trồng hết trong năm nay.
Công nhân thực hiện các công đoạn tạo ra sợi tơ.
Sau bão, diện tích trồng dâu của các hộ dân ở xã Thành Thịnh đều bị vùi lấp hoặc chết do ngập sâu trong nước nhiều ngày. Thế nhưng nhờ sự hỗ trợ của các cán bộ từ tỉnh Yên Bái về tận nơi hướng dẫn người dân các biện pháp khắc phục và hỗ trợ tiền mặt, những ruộng dâu đã xanh tốt trở lại. Bà con ai cũng phấn khởi. Xã Thành Thịnh hiện có gần 300 ha dâu. Đây là địa phương có diện tích trồng dâu, nuôi tằm lớn nhất của huyện Trấn Yên.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Chủ tịch UBND xã Thành Thịnh cho hay, được sự quan tâm của huyện và tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết 77 của HĐND tỉnh đã giúp các hộ dân trong xã có động lực vượt qua khó khăn, khôi phục lại vựa dâu tằm. Bên cạnh đó, người dân còn được hỗ trợ về giống rau màu, ngô kịp thời để tiến hành trồng cây vụ Đông Xuân. Đến thời điểm này, 100% diện tích dâu bị ảnh hưởng trên địa bàn xã Thành Thịnh được khắc phục. Qua đó có thể thấy, chính sách của tỉnh được ban hành kịp thời và đi vào lòng dân.
Sản phẩm tơ tằm được đóng gói để đưa đi xuất khẩu.
Cũng như vùng dâu, khi cơn bão Yagi xảy ra, nhiều người dân vùng bưởi Đại Minh (thương hiệu nổi tiếng) gần như trắng tay. Bưởi đến ngày thu hoạch nhưng bị ngập nước nên thối úng. Nhiều gia đình đành ngậm ngùi chặt bỏ những gốc bưởi khô, thối rễ. Với những cây bưởi có thể khôi phục, chính quyền cùng nhân dân triển khai các biện pháp hỗ trợ bà con. Đây là động lực để các hộ trồng bưởi tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng những năm tới.
Anh Nguyễn Văn Tùng, thôn Minh Thân, xã Đại Minh, huyện Yên Bình một trong những hộ dân có vườn bưởi bị thiệt hại do ngập sâu trong nước cho biết: Gia đình được cán bộ nông nghiệp huyện hỗ trợ các biện pháp chăm sóc, tỉa cành, bón phân và tiền mặt. Đến nay, 80% diện tích bưởi của gia đình đã được khôi phục.
Vào những ngày đầu tháng 10/2024, Kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh Yên Bái đã thông qua 19 nghị quyết quan trọng, trong đó, có 2 nghị quyết liên quan trực tiếp đến người dân gồm: Chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và Chính sách miễn giảm học phí trong 2 năm học 2024 và 2025 cho trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên trên địa bàn. Đây là những chính sách được nhân dân đánh giá cao bởi tính kịp thời và nhân văn, giúp họ sớm phục hồi, phát triển sản xuất, vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.
Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, các địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, thống kê cụ thể diện tích bị thiệt hại và từng nhóm đối tượng để triển khai chính sách, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, giúp người dân nhanh chóng khôi phục, phát triển sản xuất. HĐND tỉnh Yên Bái cũng tổ chức các đoàn giám sát, kiểm tra đánh giá về hiệu quả việc thực hiện nghị quyết, kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nghị quyết được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/ha lúa, 7 triệu đồng/ha rau màu và tối đa 15 triệu đồng/ha dâu tằm bị thiệt hại tuy không lớn nhưng là động lực để người dân bị ảnh hưởng của vùng lũ vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Những cánh đồng dâu, rau màu hay vùng bưởi, vùng chè đã xanh ngát trở lại cho thấy các nghị quyết được ban hành thực sự đi vào cuộc sống.