07:09 29/07/2011

Hiệu quả từ mô hình thu gom rác thải nông thôn

Sau hơn 7 tháng thí điểm mô hình dự án "Nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ môi trường cho cán bộ, hội viên nông dân" do Trung tâm Môi trường Nông thôn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thực hiện, đã làm đổi thay bộ mặt của xã Nam Cường, thành phố Yên Bái.

Sau hơn 7 tháng thí điểm mô hình dự án "Nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ môi trường cho cán bộ, hội viên nông dân" do Trung tâm Môi trường Nông thôn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thực hiện, đã làm đổi thay bộ mặt của xã Nam Cường, thành phố Yên Bái. Cả xã như khoác lên mình một tấm áo mới, nhất là tại khu vực hồ Nam Cường không còn ô nhiễm như trước kia. Ý thức chấp hành các quy định về vệ sinh môi trường của người dân địa phương cũng có chuyển biến tích cực.

Ngay từ những ngày đầu triển khai dự án, Ban chỉ đạo Tổ tự quản thu gom rác thải của xã đã được thành lập, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã làm Phó ban Thường trực và các thành viên đều là chủ tịch, phó chủ tịch các tổ chức đoàn thể của xã. Ban chỉ đạo đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và Hội Nông dân xã điều hành trực tiếp mọi hoạt động của tổ. Tổ tự quản thu gom rác thải của xã Nam Cường chia thành 5 nhóm nhỏ, hoạt động tại 4 thôn, gồm các trưởng thôn, cán bộ y tế thôn, bản, hội viên phụ nữ làm công tác tuyên truyền, giám sát và 5 người trực tiếp đi thu gom rác thải đều là hội viên nông dân.

Ông Khu đang thu gom rác thải tại thôn Đồng Tiến, xã Nam Cường.


Nhằm giúp tổ thu gom rác hoạt động thuận tiện, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã cho xây dựng 4 bể đựng rác tại thôn Nam Thọ, Đồng Phú, Cầu Đền, Đồng Tiến và hỗ trợ 10 chiếc xe chở rác chuyên dụng cùng quần áo bảo hộ lao động cho thành viên trực tiếp làm việc. Hàng ngày, từ 4 giờ 30 – 6 giờ sáng và buổi chiều từ 16 giờ - 18 giờ, không kể nắng mưa, thành viên các nhóm đều đi làm đúng giờ tại các khu vực mà mình phụ trách. Trung bình mỗi ngày, mỗi nhóm thu gom khoảng 1 khối rác thải trên 6 km đường làng, ngõ xóm - nơi không có công nhân Công ty Công trình và Môi trường đô thị Yên Bái làm việc. Sau đó, rác được tập kết ra khu vực thuận tiện để Công ty thu gom và vận chuyển về bãi rác. Mặc dù hầu hết thành viên của Tổ tự quản trực tiếp tham gia thu gom rác thải đều là những người cao tuổi, trong đó có nhiều người đã gần 70 tuổi, nhưng với suy nghĩ vì một môi trường xanh - sạch - đẹp, vì bộ mặt thôn xóm nên rất nhiệt tình tham gia ngay từ buổi đầu thành lập.

Đối với một số khu vực ở xa, ít dân sinh sống, Hội Nông dân xã vận động mỗi hộ tự xây dựng một bể xử lý rác gia đình vừa thuận tiện xử lý rác thải vừa bảo đảm vệ sinh môi trường nơi sinh sống. Ông Phạm Ngọc Thước, một người dân ở thôn Cầu Đền cho biết: “Từ ngày có Tổ tự quản thu gom rác thải, người dân chúng tôi mừng lắm. Các thành viên trong tổ làm việc rất có trách nhiệm và hiệu quả, không còn cảnh rác thải bừa bãi như trước. Nếu cứ duy trì được đều đặn như thế này, chúng tôi rất ủng hộ”.

Ông Nguyễn Kiến Hòa - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Cường cũng khẳng định: "Thực hiện mô hình này, chúng tôi thấy hiệu quả rất tốt, đường làng ngõ xóm luôn sạch sẽ, nhất là khu vực hồ Nam Cường không còn rác thải vứt bừa bãi. Bên cạnh sự ủng hộ của nhân dân trong xã cũng phải nói đến lòng nhiệt tình, tích cực của các thành viên trực tiếp đi thu gom rác, không quản mưa nắng ngày hai buổi đi làm rất đúng giờ. Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì hoạt động của mô hình này để đạt hiệu quả cao hơn nữa”.

Mô hình thu gom rác thải sinh hoạt ở xã Nam Cường không chỉ góp phần tích cực thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt mà còn nâng cao nhận thức cho người dân, từng bước đưa công tác vệ sinh môi trường trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng. Đây là mô hình bảo vệ môi trường có hiệu quả thiết thực ở khu vực nông thôn cần được nhân rộng.

Bài và ảnh: Hoàng Ngọc