11:12 21/11/2016

Hiệu quả từ mô hình liên kết đánh bắt trên biển

Được đánh giá là mô hình hợp tác kinh tế mang lại hiệu quả cao và bền vững cho các thành viên trong tổ, các tổ hợp tác đánh bắt và hậu cần nghề cá ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu ra đời từ năm 2012.

Nhiều ngư dân cho biết, các tổ hợp tác đã mang lại hiệu quả thiết thực cho từng thành viên. Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN

Nhiều ngư dân cho biết, qua thời gian hoạt động, các tổ hợp tác đã mang lại hiệu quả thiết thực cho từng thành viên. 

Cụ thể, nhờ hợp tác chia sẻ về thông tin ngư trường, ngư lưới cụ và giúp nhau về nhiên liệu, cùng nhau phòng tránh những rủi ro ngay trên ngư trường từ những chuyến biển vài ngày nên năng suất và sản lượng thủy sản khai thác ngày càng cao, thu nhập các thành viên trong tổ, từ chủ phương tiện đến ngư dân khá ổn định. Vì thế, tổ hợp tác không chỉ thu hút khá đông các chủ phương tiện, ngư phủ đăng ký tham gia mà còn mở rộng thành viên đến các hộ làm dịch vụ cung ứng hậu cần nghề cá và các hộ thu mua hải sản. Hiện tại, toàn huyện Đông Hải có hơn 60 tổ hợp tác đánh bắt và hậu cần nghề cá. 

Ông Lâm Văn Lượm, thị trấn Gành Hào, người có hơn 30 năm sống bằng nghề khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển cho biết, trước đây chưa tham gia vào tổ hợp tác đánh bắt thì mạnh ai nấy làm, chỉ việc tìm kiếm ngư trường có cá tôm phải mất cả chục ngày. Khi bủa lưới vây bắt chưa được bao lâu thì đã cạn nhiên liệu và hết nhu yếu phẩm mang theo, buộc quay phương tiện vào bờ trong hối tiếc. Việc di chuyển phương tiện ra khơi, vào bờ rất mất thời gian, chi phí tốn kém rất lớn, làm giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, khi đã tham gia vào tổ hợp tác thì mọi sự đã thay đổi rõ rệt. Khi một phương tiện trong tổ phát hiện luồng cá thì sẽ thông tin đến cả tổ cùng khai thác, nếu một phương tiện hết nhiên liệu thì nhận được sự chia sẻ từ phương tiện khác. Cũng vì vậy, từ khi vào tổ hợp tác đánh bắt đến nay, các thành viên trong tổ của ông Lượm đánh bắt khá thuận lợi, hầu như chưa bị lỗ vốn như trước đây.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hải Nguyễn Trường Hận, cho biết thêm, gần đây mô hình liên kết sản xuất trên đang phát triển nhanh ở vùng biển Bạc Liêu. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, các tổ hợp tác dần làm chủ trên ngư trường, họ không còn lo sợ, ngại đánh bắt xa bờ như trước đây. Đặc biệt, khi tham gia vào tổ hợp tác, họ được chia sẻ cùng nhau nhiều thứ, cùng nhau chủ động ứng phó, xử lý các tình huống rủi ro trong những ngày lênh đênh trên biển, từ đó, việc khai thác, đánh bắt trên biển đạt hiệu quả cao hơn so với hoạt động đơn lẻ.

Cùng với sự phát triển nhanh tổ hợp tác đánh bắt thì tổ hợp tác cung ứng hậu cần nghề cá và thu mua sản phẩm ngay trên biển cũng “ăn theo". Ngư dân Nguyễn Đang Tuấn (thị trấn Gành Hào) cho biết, khi trong tổ hợp tác có thành viên là chủ phương tiện hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ hậu cần và thu mua sản phẩm, các thành viên là chủ phương tiện khai thác đánh bắt không cần phải mang hải sản về đến tận bờ để bán như trước đây, hải sản khai thác được tiêu thụ ngay trên biển. Đồng thời, nhiên liệu và các ngư lưới cụ, nhu yếu phẩm cũng được cung ứng tận nơi, ngay trên chính ngư trường mà các phương tiện khai thác đang hoạt động, cách xa đất liền cả nghìn hải lý. Nhờ vậy, đã giảm chi phí đầu tư, kéo dài thời gian hoạt động trên biển.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hải, hiện địa phương có 9 phương tiện làm nghề cung ứng hậu cần nghề cá và thu mua sản phẩm tham gia vào các tổ hợp tác. Nhờ đó, phần lớn sản lượng khai thác, đánh bắt trên biển được mua bán, trao đổi ở ngoài khơi, giảm mạnh chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận đáng kể. 

Trung tá, Nguyễn Văn Binh, Trưởng đồn Biên phòng Gành Hào, (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) cho biết, tổ hợp tác đánh bắt trên biển giờ đây không chỉ phát huy tối đa mục tiêu hiệu quả kinh tế cho các ngư dân, mà còn là tổ chức đoàn kết giữa các ngư dân trên biển, giúp họ an tâm bám biển, hỗ trợ giúp nhau phòng tránh và kịp thời xử lý những rủi ro ngoài mong muốn trong quá trình đánh bắt. Đặc biệt, khi ngư dân đánh bắt có hiệu quả, bám biển dài ngày, ra khơi vươn xa, chính là cánh tay đắc lực góp phần cùng lực lượng chuyên trách chung tay bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, cho biết, qua hiệu quả bước đầu cho thấy mô hình tổ hợp tác này đã mang lại lợi ích thiết thực, giúp ngư dân giảm được chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận, yên tâm ra khơi đánh bắt. Trong thời gian tới, để mô hình này hoạt động có hiệu quả tốt hơn, địa phương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, và sẽ có chính sách khuyến khích, hỗ trợ hợp lý, với mục tiêu hình thành thêm nhiều tổ hợp tác trên biển. Một khi ngư dân vào tổ hợp tác, làm ăn hiệu quả, thì họ không những làm giàu cho bản thân, cho gia đình, cho đất nước từ biển, mà họ còn là những công dân có vai trò quan trọng góp phần trong việc giữ gìn và bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.


Huỳnh Sử (TTXVN)