12:13 24/12/2020

Hiệu quả từ dự án lúa gạo thân thiện tại Campuchia

Báo Khmer Times của Campuchia ngày 24/12 đưa tin nông dân sống ở các khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã có tham gia vào “Dự án lúa gạo thân thiện” có thể tăng thu nhập từ nông nghiệp hữu cơ.

Chú thích ảnh
Nông nghiệp thân thiện với thiên nhiên hoang dã giúp tăng sản lượng vụ lúa chất lượng cao. Ảnh: khmertimeskh.com

Theo phóng viên TTVN tại Phnom Penh, nhận thấy sự cần thiết phải gúp nông dân tăng thu nhập, Bộ Môi trường Campuchia mới đây đã kêu gọi hơn 1.500 nông dân sống trong các khu vực bảo tồn tham gia “Dự án lúa gạo thân thiện”, qua đó nông dân vừa có thể thực hành nông nghiệp thân thiện với thiên nhiên hoang dã, vừa bảo vệ được môi trường sống và môi trường tự nhiên.

Theo Bộ trưởng Môi trường Campuchia Say Samal, nông nghiệp thân thiện với thiên nhiên hoang dã giúp tăng sản lượng vụ lúa chất lượng cao và lại được giá trên thị trường.

Công ty IBIS Rice Conservation Co.Ltd (IBIS Rice) đã phối hợp với Hội Bảo tồn Thiên nhiên Hoang dã (WCS) thúc đẩy ngành nông nghiệp hữu cơ nhiều tiềm năng này. IBIS Rice đang làm việc với nông dân và đưa ra mức giá thu mua gạo hương nhài hữu cơ, thân thiện với thiên nhiên, cao hơn 50% so với giá thị trường. Tuy nhiên, người nông dân phải cam kết không chặt cây, săn bắt động vật, không sử dụng hóa chất để bảo vệ cảnh quan và đa dạng sinh học. Gạo trồng ở các khu bảo tồn sẽ được cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ và thân thiện với thiên nhiên hoang dã theo tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU) và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Cũng theo Bộ trưởng Samal, nông dân sống ở các khu bảo tồn nên tham gia tích cực vào "Dự án lúa gạo thân thiện" để tăng lợi ích, đặc biệt là tăng thu nhập. Để dự án này thành công, Campuchia rất cần sự ủng hộ của nông dân.

Hiện nay, gạo hữu cơ và thân thiện với thiên nhiên hoang dã đang được bán trên thị trường thế giới với giá cao, trong đó có các thị trường ở châu Âu và Canada. Dự án sản xuất loại gạo này ở Campuchia đang góp phần đáng kể vào việc cải thiện sinh kế của nông dân cũng như giảm 75% nạn phá rừng tại các khu vực có nông dân sinh sống và canh tác.

Trang Nhung (TTXVN)