04:06 25/04/2014

Hiệu quả trường dân tộc bán trú ở vùng núi

Sau hơn 1 năm đưa mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú vào hoạt động, con em đồng bào các dân tộc tại các xã vùng sâu, vùng xa ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, đã gắn bó hơn với trường lớp, tình trạng bỏ học giảm hẳn...

Sau hơn 1 năm đưa mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú vào hoạt động, con em đồng bào các dân tộc tại các xã vùng sâu, vùng xa ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, đã gắn bó hơn với trường lớp, tình trạng bỏ học giảm hẳn, các em học sinh ở xa trường hàng chục kilômét đường núi, có điều kiện học tập tốt hơn.

 

Bữa cơm của học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Phan Thanh.


Huyện Nguyên Bình hiện có 10 trường phổ thông dân tộc bán trú, trong đó có 3 trường tiểu học với 93 lớp học bán trú, đang nuôi dạy 1.460 học sinh là con em đồng bào các dân tộc Dao, Mông, Tày, Nùng. Ở hầu hết các trường bán trú, hệ thống công trình phụ trợ cho học sinh được trang bị đầy đủ với kinh phí gần 1 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.


Năm học 2013 - 2014 là năm thứ hai trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở xã Phan Thanh thực hiện mô hình bán trú. Trong số 200 học sinh của 7 lớp, có tới 147 em được hưởng chính sách dành cho học sinh bán trú.


Ông Nguyễn Văn Hiền, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú - Trung học cơ sở xã Phan Thanh, cho biết: “Với mô hình bán trú, nhà trường và học sinh đều thuận lợi trong sinh hoạt, giảng dạy. Giáo viên lên lớp không còn phải mòn mỏi đợi trò. Học sinh cũng không còn phải nắm cơm, gùi gạo đến lớp ăn rồi tan học lại phải vượt chặng đường dài qua rừng, qua suối để về nhà nữa. Nhà trường xây dựng lịch sinh hoạt, quản lý giờ học tập, cũng như có thể phụ đạo học sinh yếu kém được tốt hơn.

Cho con học bán trú, phụ huynh học sinh yên tâm và phấn khởi động viên con em đến lớp đều đặn, đặc biệt tệ nạn tảo hôn được giảm thiểu. Chất lượng giáo dục cũng được nâng lên. Trước đây, mỗi năm trường có chưa đến 20 học sinh đạt loại khá, thì 2 năm trở lại đây đã tăng lên 25 - 30 em; học sinh thi tuyển vào các trường trung học phổ thông đạt tỉ lệ cao”.


Bà Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở xã Ca Thành, chia sẻ: “Khi mới chuyển sang mô hình bán trú, trường thiếu thốn cơ sở vật chất, nhà ở cho học sinh. Việc chăm sóc các em khi không ở cùng gia đình cũng khá vất vả. Tuy nhiên, nhà trường đã kết hợp với chính quyền địa phương, vận động phụ huynh học sinh làm nhà bếp, nhà ăn, đóng phản cho các em ngủ”.


Trong 2 năm học vừa qua, hệ thống các trường phổ thông dân tộc bán trú đã được hưởng ưu đãi theo Quyết định số 85/2010/QĐ - TTg. Theo đó, mỗi học sinh được trợ cấp 40% mức lương tối thiểu để hỗ trợ tiền ăn, mặc và mua sách vở phục vụ học tập tại trường. Năm học 2013 - 2014, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nguyên Bình đã tiếp nhận 493.650 kg gạo theo Quyết định số 36/2013/QĐ - TTg về chính sách hỗ trợ mỗi học sinh 15 kg gạo. Những chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực của Nhà nước đã tác động mạnh mẽ đến việc duy trì sỹ số học sinh, gia đình các em bớt lo lắng về tiền ăn và gạo mỗi tháng, bản thân các em cũng không phải trực tiếp nấu ăn nên có nhiều thời gian học tập hơn.


Em Đặng Tòn Nhậy, lớp 9A, trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở xã Phan Thanh, cho biết: “Từ khi nhà trường xây dựng khu bán trú và nấu ăn, chúng em không còn phải vất vả đi lại, được hỗ trợ gạo nên bố mẹ không bắt nghỉ học để đi làm nữa”.


Theo ông Vũ Văn May, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nguyên Bình, sau hơn 1 năm thực hiện mô hình trường học bán trú tại 10 trường, tuy có khó khăn nhất định về cơ sở vật chất, nhưng đến nay mô hình đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đó là, 100% trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học được tổ chức học 2 buổi/ngày, 98% trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở đảm bảo cho học sinh học tập các buổi chiều và tham gia các hoạt động của nhà trường.

Tất cả học sinh các trường được trang bị kiến thức, kỹ năng sống thông qua các buổi sinh hoạt lớp, các buổi ngoại khóa. Đặc biệt, không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Với mô hình trường học bán trú các em học sinh được ăn, ở tập trung và học tập tại chỗ, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với bạn bè, thầy cô, các em chịu khó học tập hơn. Ngoài ra, các em còn được tham gia các buổi học ngoại khóa, những em học yếu được nhà trường phụ đạo, củng cố kiến thức, do vậy chất lượng giáo dục của huyện nhà được nâng lên rõ rệt.


Bài và ảnh:Quân Trang