11:20 09/11/2014

Hiệu quả thiết thực từ công tác cho vay học sinh, sinh viên

Ông Nguyễn Mạnh Nhật ở xóm Rặng, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân có 4 con đỗ đại học và nhờ sự hỗ trợ kịp thời của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội mà các con ông đã có điều kiện để theo học.

Những năm qua, chương trình tín dụng ưu đãi học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam thực hiện có hiệu quả.

Ông Nguyễn Mạnh Nhật chăm sóc đàn gà tại khu chăn nuôi đa canh của gia đình.


Bà Lê Thị Tuyết, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam cho biết, rút kinh nghiệm từ công tác giải ngân vốn vay cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhiều năm trước, vài năm gần đây, ngân hàng đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai, hướng dẫn nghiệp vụ cho Ban giảm nghèo, các tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở ngay từ khi năm học mới chưa bắt đầu. Đồng thời, ngân hàng phối hợp với xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt đối với hộ vay mới, vay lần đầu để tránh tình trạng đến ngân hàng không vay được vốn do thiếu thủ tục.

Các địa phương được hướng dẫn cụ thể về chính sách mới của chương trình cho vay học sinh, sinh viên; hiểu rõ các mức vay điều chỉnh qua từng giai đoạn. Mức vay ban đầu là 4 triệu đồng/kỳ/năm được nâng lên 4,3 triệu đồng và hiện nay là 1,1 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên (11 triệu đồng/10 tháng và giải ngân trong 2 kỳ học). Thời gian cho vay là thời gian học sinh, sinh viên đang theo học tại trường và thời gian trả nợ do ngân hàng nơi cho vay thỏa thuận theo quy định.

Thủ tục đơn giản nhưng đảm bảo đúng nguyên tắc, đối tượng nhằm giúp các hộ tiếp cận vốn vay kịp thời. Các tổ tiết kiệm và vay vốn lập danh sách hộ đề nghị xác nhận vay vốn, họp bình xét các hộ được vay. Mỗi tổ chỉ cần họp một lần theo hướng dẫn của cán bộ tín dụng. Trên cơ sở đó, phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội các huyện duyệt cho vay.

Ông Nguyễn Mạnh Nhật ở xóm Rặng, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân có 4 con đỗ đại học và nhờ sự hỗ trợ kịp thời của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội mà các con ông đã có điều kiện để theo học. Hai cháu đầu hiện đã tốt nghiệp đại học Sư phạm, con trai thứ ba tốt nghiệp Đại học Hàng hải, cô con gái út đang học năm thứ tư trường Đại học Y dược Hải Phòng.

Ông Nhật xúc động cho biết, gia đình thuộc diện hộ nghèo, chỉ trông vào mấy sào ruộng. Nếu không có vốn vay học sinh, sinh viên, các con ông sẽ không được học đại học. Hiện, ba cháu đã ra trường và có việc làm ổn định. Được biết, từ năm 2006 đến nay, gia đình ông đã vay Ngân hàng Chính sách xã hội 120 triệu đồng. Khi ra trường và có việc làm ổn định, ông yêu cầu các con mỗi tháng ngoài phần chi phí cho bản thân phải tích lũy để trả nợ cho ngân hàng. Đến nay, số nợ của gia đình ông đã giảm còn 92 triệu đồng.

Cũng như gia đình ông Nhật, gia đình ông Phạm Văn Cường ở xóm 4, phường Thanh Tuyền, thành phố Phủ Lý cũng có 4 con học đại học được tiếp cận chương trình ưu đãi vay vốn học sinh, sinh viên. Ông Cường cho biết, nhận giấy báo đỗ đại học của con, gia đình vừa mừng vừa lo vì không biết lấy tiền đâu cho các con theo học. Nhờ được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội mà các cháu mới có cơ hội được đến trường và có việc làm ổn định. Hiện nay, gia đình tôi đã trả hết nợ vay ngân hàng.

Theo số liệu của Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Hà Nam, đến hết tháng 9/2014, tổng dư nợ của chương trình cho vay học sinh, sinh viên của tỉnh là trên 347 tỷ đồng với 16.850 hộ được vay vốn. Trong đó, nợ quá hạn là 1 tỷ 271 triệu đồng, chiếm khoảng 0,37% tổng dư nợ. So với các chương trình tín dụng ưu đãi khác của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân, chương trình cho vay học sinh, sinh viên đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hầu hết các hộ gia đình đều tuân thủ việc trả nợ gốc, lãi vay và đến nay không có trường hợp chây ì phải xử lý.


Bài và ảnh: Nhật Anh