12:12 24/12/2019

Hiệu quả của luật bỏ quyền miễn trừ tiêm chủng tại Mỹ

Báo cáo công bố ngày 23/12 của một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học California (Mỹ) cho thấy số trẻ em được tiêm chủng các loại vaccine phòng bệnh tại bang California đã tăng đáng kể sau khi luật hủy bỏ miễn trừ tiêm chủng có hiệu lực.

Chú thích ảnh
Tuyên truyền tiêm chủng vaccine phòng ngừa bệnh sởi tại Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là một phần trong nỗ lực của chính quyền bang ngăn chặn dịch bệnh thông qua phổ cập chương trình tiêm chủng khi quy định về miễn trừ tiêm vaccine mà nhiều bang tại Mỹ đang áp dụng là một trong những nguyên nhân khiến dịch sởi bùng phát nghiêm trọng thời gian qua. 

Sau dịch sởi năm 2014, California - một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch này, đã xóa bỏ quy định miễn trừ tiêm vaccine. Theo báo cáo trên, số trẻ em dưới 5 tuổi đi lớp mẫu giáo tại California có kèm theo sổ tiêm chủng đã tăng từ 94,5% của năm 2015 lên 97,8% vào năm 2016 - thời điểm luật xóa bỏ miễn trừ tiêm chủng tại bang có hiệu lực. 

Giai đoạn 2018-2019, dịch sởi bùng phát trở lại tại Mỹ, khiến 1.600 người nhiễm bệnh. Đây là đợt dịch sởi lớn nhất tại Mỹ kể từ năm 1992 và đa phần các trường hợp nhiễm bệnh đều do không tiêm vaccine phòng bệnh. 

Sởi là bệnh nhiễm virus cấp tính, dễ lây lan và có thể gây tử vong, đặc biệt là trẻ nhỏ. Virus thường nằm trong vùng mũi và họng của người bệnh, nên rất dễ lây lan từ người này sang người khác qua các đường hô hấp, nước bọt. Hiện có 45 trong tổng số 50 bang của Mỹ vẫn cho phép miễn tiêm chủng vì các lý do tôn giáo và 15 bang cho phép vì lý do cá nhân. Việc xin miễn tiêm vaccine vì yếu tố sức khỏe cũng khá phổ biến tại Mỹ.

Lan Phương (TTXVN)