07:11 01/07/2019

Hiệu lệnh chống tham nhũng vặt

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 27/6 để phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp (DN) trong giải quyết công việc, đã có nhiều ý kiến xung quanh vấn nạn tham nhũng vặt.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng Trương Hóa Bình đã đề ra các giải pháp căn cơ nhằm từng bước ngăn chặn “tham nhũng vặt” hiện nay.

Theo nội dung Chỉ thị 10/CT-TTg và các tham luận, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN xảy ra ở nhiều nơi dù tính chất, mức độ ở mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương là khác nhau. Phó Thủ tướng yêu cầu đặc biệt lưu ý tới những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra nhũng nhiễu, tiêu cực như: Thuế, hải quan, quản lý đất đai, quản lý môi trường, quản lý đầu tư, xây dựng, cấp giấy phép, cấp chứng chỉ hành nghề, cảnh sát giao thông, thanh tra chuyên ngành, dịch vụ hành chính công ở xã, phường, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục. Ngay cả việc sắp xếp, thi tuyển cán bộ công chức, dư luận cũng phản ánh về một số nơi hình thành "đường dây chạy chọt"...

Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương phải xác định rõ trọng tâm trọng điểm, các khâu, các lĩnh vực, vị trí quản lý nhạy cảm, dễ xảy ra vi phạm để tăng cường thi hành các biện pháp phòng ngừa, chấn chỉnh; phải tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên và xử lý nghiêm vi phạm để bảo đảm tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, có hiệu quả các nội dung của Chỉ thị 10/CT-TTg.

Nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước. Phải coi đấu tranh phòng chống tham nhũng, trong đó có “tham nhũng vặt” là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục, lâu dài và lấy đó làm tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của từng cơ quan, đơn vị. Bản Chỉ thị yêu cầu từng cơ quan, đơn vị ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó phải phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng, cộng đồng DN và nhân dân trong việc phối hợp, hỗ trợ cơ quan nhà nước ngăn chặn, xử lý các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức; Kiên quyết xử lý hình sự, không xử lý hành chính đối với những trường hợp vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Theo Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, nạn vòi vĩnh phong bao, phong bì, lót tay của người dân khi thực hiện dịch vụ hành chính công, xin học cho con, khám chữa bệnh, làm sổ đỏ, thi bằng lái xe, vi phạm giao thông... đang xảy ra hằng ngày, hằng giờ làm xói mòn lòng tin mà công cuộc chống tham nhũng tạo dựng được trong thời gian qua. Vì vậy, Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ ra đời là đúng lúc khi chỉ ra gần 20 hành vi tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, gây phiền hà để từ đó đưa ra biện pháp ngăn chặn và xử lý.

Vụ án nhận hối lộ của các thành viên đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng tại Vĩnh Phúc vừa qua, dẫu chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, cần được  xử lý nghiêm minh nhằm răn đe đối với tội hối lộ. Nhân vụ này đề nghị Thanh tra Chính phủ (TTCP) triển khai ở các đơn vị “đường dây nóng”, cử người trực thường xuyên để lắng nghe phản ánh về tham nhũng vặt.

Phát biểu kết luận, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho rằng hậu quả tham nhũng vặt gây ra cũng rất nặng nề, không kém gì tham nhũng lớn; gây bức xúc, làm xói mòn niềm tin của người dân, DN, các nhà đầu tư.

Chỉ thị số 10 TTg là hiệu lệnh chống tham nhũng vặt!

Bảo Dân