10:15 27/10/2017

Hiệp hội thủy sản kiến nghị Chính phủ, Quốc hội chỉ đạo giải cứu vụ 'thẻ vàng'

Liên quan đến vấn đề hải sản Việt Nam bị EU cảnh báo thẻ vàng IUU, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn gửi lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề xuất triển khai một số nội dung cấp bách, để EU không chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ sau 6 tháng tới và hướng tới lấy lại thẻ xanh cho Việt Nam.

Chế biến hải sản xuất khẩu tại Công ty CP Chế biến thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Cụ thể, VASEP và cộng đồng doanh nghiệp hải sản kính đề nghị Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng chỉ đạo việc rà soát thêm một lần nữa Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) trước ngày mà Quốc hội thông qua để đảm bảo rằng một số ý kiến từ phía EU và chuyên gia trên cơ sở cân nhắc của chúng ta đã được đưa vào trong khung của Dự thảo.

VASEP cho rằng, với việc rà soát này cộng với Công thư mà Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã ký gửi cho EU ngày 20/10/2017 về việc làm rõ các ý kiến góp ý của EU, sẽ là bước quan trọng nhất và cũng là cơ hội để giúp cho Dự thảo Luật đạt được hoàn chỉnh theo kế hoạch của Việt Nam, đáp ứng được xu hướng chung của thế giới và EU.

VASEP đề xuất Chính phủ thành lập Tổ công tác IUU quốc gia do 1 lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông làm Tổ trưởng, có đại diện của một số Bộ và Hội, Hiệp hội bao gồm cả VASEP,để tập trung các hoạt động trọng tâm trong 6 tháng nhằm "tránh thẻ đỏ". Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét làm trưởng đoàn của Việt Nam sang làm việc với đại diện EU tại Brussels (Bỉ) về vấn đề IUU trong chuyến công tác tháng 11/2017.

Bên cạnh đó, VASEP cũng đề xuất tổ chức một Hội nghị toàn quốc về “thẻ vàng IUU và kế hoạch 6 tháng” gồm một số bộ, ngành liên quan và các chi cục thủy sản, các cảng cá, các doanh nghiệp hải sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển chủ trì tổ chức hoặc đồng tổ chức với Hiệp hội VASEP.

Theo lộ trình, EU áp dụng thẻ vàng với hải sản Việt Nam trong 6 tháng. Đến tháng 4/2018, EU sẽ sang đánh giá lại về các nỗ lực và cải thiện của Việt Nam về chống khai thác IUU. Nếu các biện pháp khắc phục của Việt Nam là tích cực đáng kể sẽ được xem xét kéo dài tiếp một kỳ 6 tháng “thẻ vàng” làm cơ sở để quay trở lại “thẻ xanh” bình thường.

Ngược lại, nếu không được đánh giá là tích cực thì sẽ dễ dàng bị xem xét để chuyển xuống “thẻ đỏ” – đồng nghĩa với việc bị cấm xuất khẩu hải sản sang EU. Đây sẽ là một khó khăn và thách thức lớn đối với ngành khai thác và chế biến xuất khẩu hải sản của Việt Nam.

H.Chung (TTXVN)