12:08 25/12/2012

Hiệp hội súng Mỹ muốn thêm súng

Gần một tuần sau vụ thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook (Newtown, bang Connecticut), Phó Chủ tịch kiêm CEO Hiệp hội súng quốc gia (NRA) - tổ chức vận động hành lang quyền lực nhất cho quyền sở hữu súng tại Mỹ -ông Wayne LaPierre, cuối cùng đã phá vỡ sự im lặng của mình ...

Gần một tuần sau vụ thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook (Newtown, bang Connecticut), Phó Chủ tịch kiêm CEO Hiệp hội súng quốc gia (NRA) - tổ chức vận động hành lang quyền lực nhất cho quyền sở hữu súng tại Mỹ -ông Wayne LaPierre, cuối cùng đã phá vỡ sự im lặng của mình và đưa ra một thông điệp đầy thách thức: kêu gọi thành lập các đội bảo vệ vũ trang trang bị súng tại tất cả các trường học trên khắp nước Mỹ.


 

Biểu ngữ “NRA đang giết con cái chúng ta” được căng ngang ngay trong cuộc họp báo của ông Wayne LaPierre.

 

Trong một động thái được coi như “ném găng sắt” trước Tổng thống Barack Obama, ông Wayne tuyên bố: “Cách duy nhất để ngăn một kẻ xấu với súng trên tay là một người tốt cũng được trang bị súng”. Đây cũng chính là câu “thần chú” mà ông ta đã sử dụng sau nhiều vụ thảm sát trước đây tại Mỹ.


Lần này, quan chức cao cấp của NRA đưa ra phát biểu trên trong một cuộc họp báo đông nghẹt ở Oasinhtơn và bài phát biểu của ông ta đã hai lần bị ngắt quãng bởi người phản đối, mang theo những biểu ngữ như “NRA đang giết con cái chúng ta” hay “Máu trên tay NRA”. Trong khoảng nửa giờ, LaPierre đổ lỗi vụ thảm sát Sandy Hook cho những nhân tố khác như giới truyền thông, các chính trị gia ủng hộ vùng “không súng”, cơ quan chăm sóc sức khỏe tâm thần, các xưởng phim và nhà sản xuất game bạo lực, nhưng không cho phép bất cứ chỉ trích nào đối với bản thân NRA. Ông ta cảnh báo, “hàng chục, thậm chí hơn 100 con quái vật đang ở ngoài kia, có thể đã lên kế hoạch tấn công vào một ngôi trường chưa được bảo vệ. Và cách duy nhất để ngăn một vụ thảm sát khác là đưa súng vào trường học”.
Tuyên bố từ ông Wayne LaPierre là đòn giáng vào những hy vọng của phe vận động kiểm soát súng về việc NRA sẽ sẵn lòng tham gia cuộc tranh luận về giới hạn chặt chẽ hơn với quyền sở hữu súng, chẳng hạn như một đạo luật cấm vũ khí tấn công và băng đạn lớn giống loại mà sát thủ Adam Lanza đã sử dụng tại Newtown. Hy vọng này chỉ mới được nhen nhóm hôm 18/12 khi NRA ra tuyên bố cam kết sẽ có “đóng góp ý nghĩa” nhằm ngăn chặn xả súng hàng loạt cộng với làn sóng giận dữ với súng đang lan khắp nước Mỹ.


Những bình luận mới nhất từ giới chức NRA được cho là có thể dẫn tới một trận chiến mới trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Obama. Trong bài phát biểu sau vụ thảm sát 20 học sinh tiểu học, nhà lãnh đạo Mỹ đã cam kết sẽ sử dụng mọi quyền lực của mình để thực hiện một sự thay đổi ý nghĩa đối với mối quan hệ giữa nước Mỹ với súng đạn, và đã chỉ định Phó tổng thống Joe Biden lãnh đạo đội đặc nhiệm quốc gia về vấn đề này. Tổng thống cũng tuyên bố sẽ ủng hộ dự luật mới về cấm vũ khí tấn công, dự kiến sẽ được thượng nghị sĩ Dân chủ Dianne Feistein đệ trình lên quốc hội vào ngày 3/1, theo đó sẽ cấm ít nhất 100 loại súng bán tự động kiểu quân sự cũng như hạn chế chuyển nhượng, nhập khẩu và sở hữu những vũ khí này.


Các vụ bạo lực liên quan súng đạn đã "bùng nổ" tại Mỹ trong vòng 3 thập niên gần đây, bao gồm 62 vụ bắn giết bừa bãi nghiêm trọng kể từ năm 1982. Phần lớn vũ khí được sử dụng trong các vụ bắn giết này là súng ngắn bán tự động và súng lục mà những kẻ sát nhân có được một cách hợp pháp. Ước tính lượng súng phi quân sự lưu hành trong dân chúng Mỹ năm 2009 là 310 triệu khẩu, tương đương với dân số Mỹ.


Trong hơn 20 năm qua, NRA đã tự chứng tỏ họ là kẻ thù ghê gớm nhất của những người ủng hộ kiểm soát súng. Bằng cách huy động một lực lượng 4 triệu thành viên, được hỗ trợ bởi những chiến dịch vận động hành lang áp đảo tại Đồi Capitol, tổ chức này đã thành công trong việc ngăn chặn hầu hết những nỗ lực trước đây nhằm thắt chặt các luật súng ống quá dễ dãi tại Mỹ. Trong khi các thành tố khác trong phong trào bảo thủ tại Mỹ đã suy yếu dần trong hai thập kỷ qua thì NRA vẫn duy trì nguyên ảnh hưởng trong cuộc tranh luận quốc gia về kiểm soát súng, bất chấp các vụ bạo lực súng ống cướp đi khoảng 12.000 sinh mạng mỗi năm.


Nhưng phản ứng ngay lập tức với phát biểu của ông LaPierre từ chính những người theo phe bảo thủ là lần này, ông ta có thể đã đi quá xa. “Tôi không nghĩ, việc đặt lính gác vũ trang bên ngoài mỗi lớp học sẽ có ích đối với môi trường học tập”, thống đốc bang New Jersey của đảng Cộng hòa, Chris Christie nói.

 

Thu Hằng