01:09 28/01/2020

Hiệp Đức với hướng đi mới cho sự phát triển bền vững

So với nhiều địa phương khác trong tỉnh Quảng Nam, nhiều năm trước đây, Hiệp Đức là huyện có xuất phát điểm thấp, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, hạ tầng còn nhiều hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Thế nhưng với tinh thần đoàn kết nhất trí dám nghĩ dám làm của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, Hiệp Đức đã bền bỉ và kiên trì khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, tranh thủ có hiệu quả sự giúp đỡ của Trung ương và của tỉnh để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020), từng bước phát triển toàn diện, bền vững, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình.

Chú thích ảnh
Rừng nguyên liệu gỗ lớn phát triển mạnh ở Hiệp Đức được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Bí thư huyện ủy Hiệp Đức Nguyễn Văn Tỉnh chia sẻ: Với tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động, điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, cùng với việc tranh thủ lồng ghép nhiều chương trình, dự án hỗ trợ của tỉnh và của Trung ương, kinh tế Hiệp Đức đã bắt đầu chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ, nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, phục vụ công nghiệp chế biến, nhất là phát triển rừng nguyên liệu gỗ lớn.

Trong năm 2019 vừa qua, tổng giá trị sản xuất ngành nông – lâm – thủ sản của Hiệp Đức ước đạt gần 500 tỷ đồng. Chăn nuôi phát triển mạnh, đàn bò của người dân trong huyện đạt xấp xỉ 10.000 con, trong đó tỷ lệ đàn bò lai có tầm vóc và trọng lượng lớn chiếm gần 80% tổng đàn.

Công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, phát triển rừng trồng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng FSC trên địa bàn giai đoạn 2018-2020 được tăng cường. Trong năm 2019 vừa qua, toàn huyện đã giao gần 6.300 ha rừng cho người dân nhận khoán bảo vệ, trồng và tái canh 2.700 ha, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng lên gần 57%, trồng mới hơn 1000 ha rừng gỗ lớn, hàng trăm ha rừng được cấp chứng chỉ FSC.

Giá trị sản xuất ngành nông- lâm- thủy sản trong năm đạt 490 tỷ đồng, đạt hơn 102% chỉ tiêu. Giá trị thương mại- dịch vụ ước đạt 774 tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Các ngành sản xuất công nghiệp – xây dựng - thương mại, dịch vụ có nhiều khởi sắc.  Giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng trong năm ước đạt 475 tỷ đồng, đạt 103% so với Nghị quyết và tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, có thêm hơn 155 doanh nghiệp mới được thành lập và ra mắt Câu lạc bộ Khởi nghiệp- Sáng tạo Hiệp Đức- Quảng Nam.

Với sự giúp đỡ có hiệu quả của Trung ương, của tỉnh, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Hiệp Đức không ngừng được đầu tư nâng cấp, đường quê tỏa rộng, vươn dài. Hiện tại các tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 14E, đường Đông Trường Sơn, đường Quế Bình - Quế Lưu - Phước Gia, Tân An - Trà Linh, đường Quế Thọ - Bình Sơn, đường Sông Trà - Phước Trà được nâng cấp đưa vào sử dụng, không những rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, mà còn tạo mạng lưới giao thông liên hoàn, đáp ứng nhu cầu giao thương, vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, làng quê nông thôn, miền núi đổi thay từng ngày.

Cùng với mạng lưới giao thông phát triển rộng khắc, các công trình hạ tầng thiết yếu như điện quốc gia đã phủ kín, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Hệ thống các công trình thủy lợi có quy mô tương đối lớn như hồ Việt An, Bình Hòa, Tam Bảo, Bà Sơn, An Tây được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu cung cấp nước tưới chủ động cho phần lớn diện tích cây trồng hàng năm.

Với phương châm “phát triển kinh tế gắn liền với giải quyết tốt các vấn đề văn hóa- xã hội”, sự nghiệp phát triển văn hóa, thể dục thể thao những năm qua cũng được quan tâm đúng mức. Thiết chế văn hóa được đầu tư phục vụ nhu cầu thể dục, thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường Đại học ngày càng cao. Đội ngũ giáo viên cơ bản đảm bảo về số lượng và chất lượng. Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được củng cố, 100% số xã, thị trấn có trạm y tế; 71/71 thôn, khối phố có đội ngũ nhân viên y tế. Công tác Dân số Kế hoạch hóa gia đình có chuyển biến tích cực từ trong nhận thức cả hệ thống chính trị nên đã đạt được nhiều kết quả góp phần đáng kể trong việc giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, nâng cao sức khỏe bà mẹ và trẻ em, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu vùng xa.

Bí thư huyện ủy Hiệp Đức, ông Nguyễn Văn Tỉnh, cho biết thêm: Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần VIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) xác định: Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên là những nhiệm vụ trọng tâm. Đẩy mạnh thực hiện ba nhiệm vụ đột phá là: Xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư. Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị. Mở rộng và phát huy dân chủ; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể.

Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, ông Nguyễn Như Công, cho hay: Để đạt mục tiêu đó, Hiệp Đức đã xác định phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, quy hoạch nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục kêu gọi đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào huyện trên các lĩnh vực khác nhau nhằm khai có hiệu quả và bề vững các tiềm năng, lợi thế để phát triển. Chủ động hơn nữa trong cách tiếp cận các nguồn lực, tăng cường huy động tối đa mọi sự đầu tư từ trung ương, tỉnh và nội lực để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo sự đầu tư đồng bộ cả hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, các cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch, đô thị, đến hạ tầng xã hội.

Chú thích ảnh
Nhà máy chế biến gỗ từ rừng nguyên liệu gỗ lớn Hiệp Đức.

"Trong phát triển nông nghiệp, Hiệp Đức đã, đang và sẽ ưu tiên tập trung xây dựng vùng nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi công nghiệp và đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Trong đó, xem ứng dụng công nghệ cao vừa là giải pháp căn cơ, vừa là động lực để phát triển nông nghiệp của địa phương. Xây dựng mô hình điểm sinh động, đặc biệt quan tâm đến việc nhân rộng mô hình, chuyển giao công nghệ cho nông dân, hướng đến giải bài toán liên kết, hợp tác trong nông dân và giữa nông dân với doanh nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có chuỗi giá trị cao, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và thu nhập cho người dân.

Đặc biệt, với lợi thế về tiềm năng đất đai và con người, Hiệp Đức đang hướng mạnh đến phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi...gắn với định hướng phát triển, cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào tại chỗ. Khuyến khích các ngành công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, áp dụng công nghệ hiện đại, làm ra các sản phẩm có giá trị cao, mở ra hướng mới về phát triển thị trường, nhằm tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho cư dân nông thôn, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản.

Đầu tư xây dựng và khai thác tốt tiềm năng du lịch hiện có gắn với quy hoạch, định hướng phát triển bền vững. Chú trọng phát triển du lịch sinh thái kết hợp với di tích lịch sử cách mạng, du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng trong liên kết với quá trình hình thành và phát triển các khu nông trang trại, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện", Chủ tịch UBND Hiệp Đức Nguyễn Như Công chia sẻ.

Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, ôngNguyễn Như Công, nhấn mạnh: Xác định mục tiêu chính của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, ngoài việc chú trọng đầu tư hạ tầng cơ sở, Hiệp Đức phát triển sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao đời sống các tầng lớp nhân dân. Kinh tế phát triển ổn định, nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, nhất là kinh tế rừng đã giúp cho thu nhập của người dân Hiệp Đức tăng lên đáng kể và hộ nghèo giảm mạnh.

Bằng nhiều biện pháp, kế hoạch, lộ trình cụ thể, huyện Hiệp Đức đã có nhiều bứt phá mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của kinh tế, đời sống, xã hội. Từ nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới của Trung ương, tỉnh, huyện và các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, thời gian qua huyện Hiệp Đức đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất, thiết yếu và dân sinh được tập trung xây dựng ngày một khang trang.

Chỉ riêng năm 2019 vừa qua, tổng vốn đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn đạt trên 222 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu. Từ nguồn vốn này, huyện đã đầu tư cho đầu tư xây dựng, nâng cấp các hàng chục công trình giao thông, thủy lợi, trường học, thiết chế văn hóa cơ sở. Nhờ vậy, số xã đạt chuẩn nông thôn mới và tiêu chí về nông thôn mới trong toàn huyện không ngùng tăng lên. 

Mục tiêu trong năm 2020 phấn đấu đưa thêm hai xã Bình Sơn và Hiệp Hòa đạt chuẩn nông thôn mới, đồng thời tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã đã đạt chuẩn nông thôn mới trong toàn huyện. Tập trung các nguồn lực để đầu tư cho các xã chưa đạt chuẩn; chú trọng phát triển sản xuất, chăn nuôi, xây dựng nhiều mô hình kinh tế, phát triển kinh tế rừng, nhất là mở rộng diện tích trồng gỗ lớn và rừng được cấp Chứng chỉ FSC nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, nâng cao hiệu quả sử dụng rừng và đất rừng.

Bước vào năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII, Hiệp Đức đề ra chỉ tiêu: Tổng sản lượng lương thực đạt 13.920 tấn, đàn bò đạt 10.500 con, trong đó bò lai chiếm 90% tổng đàn, trồng mới và tái canh 2.500 ha rừng, trong đó có hơn 1000 ha rừng gỗ lớn, đưa tổng giá trị ngành sản xuất nông – lâm – thủy sản đạt xấp xỉ 500 tỷ đồng, gía trị sản xuất công nghiệp – xây dựng đạt 562 tỷ đồng, thương mại- dịch vụ đạt giá trị 875 tỷ đồng. Duy trì và nâng cao chất lượng các xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến cuối năm 2020 có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, toàn huyện đạt bình quân 15,18 tiêu chí/xã và không có xã nào đạt dưới 8 tiêu chí. Phấn đấu đến cuối năm 2020 có ít nhất 6 khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư nông thôn kiểu mẫu. Về môi trường, phấn đấu nâng độ che phủ rừng đạt 57%, trên 99% chất thải rắn ở các cụm công nghiệp được xử lý đúng quy định, có 100% cư dân đô thị và 99% cư dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh trong sinh hoạt hằng ngày.

Để tạo tiền đề cho Hiệp Đức tiếp tục đi lên theo tiến trình đổi mới của đất nước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII đã xác định tiếp tục phát huy nội lực và tranh thủ tốt ngoại lực, tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp- dịch vụ, đưa nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tạo môi trường đầu tư thông thoáng; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng; chăm lo xây dựng nguồn nhân lực; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp- Tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ để tạo thêm ngày càng nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân, góp phần giảm nghèo bền vững. Đây cũng chính là tiền đề Hiệp Đức từng bước phát triển toàn diện, bền vững, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình.

Bài và ảnh: Xuân Quỳnh