10:17 07/10/2016

Hiệp định Thương mại tự do với EAEU - cơ hội lớn của Việt Nam

Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) vừa chính thức có hiệu lực (từ 5/10), mở ra thị trường rộng lớn với hơn 180 triệu người tiêu dùng cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam.

Chuyên gia Nga Kotllyarov Nikolay Nikolayevych.

Phóng viên TTXVN thường trú tại LB Nga đã có cuộc phỏng vấn với giáo sư, tiến sĩ kinh tế Viện Nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Nga, ông Kotllyarov Nikolay Nikolayevych.

* Với tư cách là chuyên gia hàng đầu tại một cơ quan tham mưu cho Bộ Phát triển kinh tế Nga, xin giáo sư đánh giá về hiệu quả cũng như tiềm năng của Liên minh kinh tế Á-Âu ở khía cạnh điều kiện cho thương mại?

Tiềm năng chính của EAEU chính là việc đây là tổ chức hội nhập lớn nhất tại lục địa Á-Âu, bao gồm các nước Nga, Kazakhstan, Belarus, Armeniavà Kyrgystan. Khác với các Hiệp định TPP và TTIP, tổ chức này có cấp độ hội nhập rất cao, cao hơn là Khu vực thương mại tự do. Trong khuôn khổ EAEU sẽ thành lập một liên minh kinh tế toàn diện, tạo ra sự lưu thông tự do giữa các nước thành viên không chỉ của hàng hóa, mà còn của lực lượng lao động, dịch vụ và đồng vốn đầu tư.

Liên minh cũng hướng tới việc quy về một chính sách kinh tế thống nhất. Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do với EAEU, áp dụng thương mại miễn thuế, sẽ cho phép tăng mạnh kim ngạch hàng hóa giữa hai bên, từ đó tăng doanh thu từ ngoại thương và tạo việc làm mới.

* Mới đây, vào dịp Ủy ban liên chính phủ Nga-Việt họp phiên thứ 19, Phó Thủ tướng Nga Igor Shuvalov đã nhắc đến khả năng Trung Quốc, Ấn Độ và Iran sẽ gia nhập Hiệp định. Giáo sư đánh giá như thế nào về khả năng đó, và trong trường hợp hội nhập với ba nước này giúp EAEU chiếm tới 2/3 dân số thế giới, liệu Liên minh có tham vọng thay thế cho tất cả các tổ chức thương mại hiện có hay không?

Những thông tin về việc những nước nêu trên gia nhập Hiệp định thì ở giai đoạn hiện nay mới chỉ có nghĩa là bắt đầu quá trình đàm phán về điều kiện thành lập khu vơcj thương mại tự do với các nước này. Một vấn đề rất quan trọng là khả năng kết nối EAEU với siêu dự án “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa” của Trung Quốc.

Đây sẽ là công việc rất lớn và phức tạp, vì phải kết hợp một dự án hội nhập là EAEU với một dự án hạ tầng là Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa, hai định dạng khác nhau. Nếu kết nối thành công hai dự án, trong tương lai sẽ cải thiện được không chỉ hạ tầng giao thông tại lục địa Á-Âu, mà còn cả hạ tầng thông tin, khoa học-kỹ thuật và du lịch; tạo ra được những hệ thống giao thông nối khu vực châu Á-Thái Bình Dương với châu Âu, một điều vô cùng có lợi cho tất cả các nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, vì nó cho phép giảm được chi phí giao thông trong vận chuyển hàng hóa từ châu Á-Thái Bình Dương sang châu Âu.

* Hiệp định Thương mại tự do giữa EAEU và Việt Nam đã chính thức có hiệu lực, đây là hiệp định FTA đầu tiên giữa Liên minh với một nước thứ ba. Ông đánh giá ra sao về những lợi ích và khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt khi bước vào thị trường vô cùng rộng lớn này?

Trước hết tôi muốn nói rằng kim ngạch hàng hóa giữa Việt Nam và Nga đang tăng lên, năm ngoái đạt 4% hay 4 tỷ USD, còn trong sáu tháng đầu năm 2016 kim ngạch đã tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Nga sang Việt Nam là ô tô và thiết bị, khoáng sản và sản phẩm chế tạo máy. Còn nhập khẩu từ Việt Nam vào Nga có thiết bị kỹ thuật điện, hàng dệt may và lương thực.

Giữa hai nước phát triển mạnh nhất là các lĩnh vực hợp tác – nhiên liệu và năng lượng, các dự án dầu khí mới sẽ được triển khai. Hiệp định về Thương mại tự do sẽ tạo cơ hội cho hai bên giảm thuế xuất khẩu, phát triển hợp tác trong lĩnh vực mua sắm công và thương mại điện tử.

Giữa Nga và Việt Nam sẽ tự do hóa các chế độ đầu tư và quy định đi lại của người dân, các nước thành viên khác của EAEU cũng có thể tham gia. Hợp tác trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng cũng đang mở rộng. Tất cả những điều đó là thuận lợi và lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Nga.

Còn về khó khăn, theo tôi nó xuất phát từ những vấn đề hiện nay trong nền kinh tế Nga, bao gồm cả việc đồng ruble mất giá hồi năm ngoái khiến giá hàng nhập khẩu, trong đó có nhập khẩu từ Việt Nam, tăng mạnh đối với người tiêu dùng Nga, điều đó cũng đã khiến nhập khẩu từ Việt Nam giảm 11% trong năm 2015. Song đây chỉ là vấn đề tạm thời. Nga và Việt Nam có truyền thống hữu nghị và hợp tác lâu đời, nó cho phép chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn hiện nay, và tôi tin EAEU là cơ hội lớn mà Việt Nam không thể bỏ lỡ.

Dương Trí - Tâm Hằng (P/v TTXVN tại Nga)