05:14 14/05/2021

Hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế biển

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định kinh tế biển như là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Chú thích ảnh
Cáp treo An Thới - Hòn Thơm phục vụ khách du lịch đến đảo Phú Quốc. Ảnh minh họa: Lê Huy Hải/TTXVN

Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, những định hướng đúng đắn, mục tiêu cụ thể và các khâu đột phá đã dần đi vào thực tế cuộc sống, mở ra triển vọng về một giai đoạn phát triển mới cho kinh tế biển Việt Nam - hướng ra biển và làm giàu từ biển. Đó là chia sẻ của Tiến sỹ Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam về việc hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế biển Việt Nam. 

Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Để cụ thể hóa việc triển khai Nghị quyết, Tiến sỹ Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 36/NQ-TW theo hình thức trực tuyến trên toàn quốc vào ngày 23/11/2018. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 về việc ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần thực hiện đến năm 2025 và đến năm 2030, kèm theo Danh mục 51 đề án, dự án, nhiệm vụ giao các bộ, ngành, địa phương phải triển khai trong từng giai đoạn (trong đó có 42 đề án, dự án đến năm 2025).

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định quan trọng để tổ chức và triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW. Các bộ, ngành đã xây dựng các đề án, dự án, nhiệm vụ để thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. Có 8 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển thành lập Ban Chỉ đạo và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển ban hành Chương trình/Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết số 26/NQ-CP.

Chia sẻ về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết, Tiến sỹ Tạ Đình Thi cho biết, năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 654,6 triệu tấn (không bao gồm sản lượng hàng hóa quá cảnh không bốc dỡ), tăng 14% so với năm 2018; khối lượng hàng container ước đạt 19,35 triệu TEU (tăng 6%). Kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành Thủy sản đạt 8,6 tỷ USD, chủ yếu là từ khai thác, chế biến hải sản biển. Tổng sản lượng thủy sản đạt 8,15 triệu tấn (khai thác 3,77 triệu tấn, nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn). Trong năm 2020, do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, du lịch biển Việt Nam đã chuyển hướng sang khách hàng nội địa và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. "Kết quả này đã đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người dân các tỉnh ven biển", Tiến sỹ Tạ Đình Thi nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Nhà máy Điện gió Bạc Liêu (xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) có quy mô công suất gần 100 MW, gồm 62 trụ turbine đã hoạt động phát lên lưới điện Quốc gia với tổng sản lượng điện lũy kế đến nay đạt hơn 1 tỷ kWh. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Các dự án khai thác điện gió, điện mặt trời đã phát triển rất mạnh ở các tỉnh ven biển miền Trung và miền Nam. Các dự án điện mặt trời ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, cùng với các dự án điện gió ven biển tại Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh),… triển khai và bước đầu hoạt động hiệu quả. Cả nước có 19 khu kinh tế ven biển đã được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng hơn 845 nghìn ha; có 330 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt gần 97 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 65,9 nghìn ha.

Cùng với sự phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, đã hình thành các dịch vụ xã hội, nhà ở cho chuyên gia, nhà quản lý, người lao động. Tỷ lệ đô thị hóa của 28 tỉnh, thành phố ven biển đạt khoảng 39,49% (cao hơn bình quân cả nước 37,5%). Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan cũng đang tích cực triển khai các nội dung của Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018.

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương từng bước xây dựng liên kết, hình thành 4 vùng kinh tế ven biển gồm: Vùng biển và ven biển phía Bắc (Quảng Ninh đến Ninh Bình); vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ (Thanh Hóa - Bình Thuận); vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ (Bà Rịa Vũng Tàu – Thành phố Hồ Chí Minh); vùng biển và ven biển Tây Nam Bộ (Tiền Giang - Kiên Giang). 

Tính đến cuối năm 2020, tổng diện tích vùng biển, đảo đã được quy hoạch vào khu bảo tồn đạt 200.500 ha. Đến nay, 17/28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển đã ban hành Quyết định phê duyệt Danh mục hành lang bảo vệ bờ biển.

Năm 2020, Việt Nam đã chủ động, tích cực và phát huy tốt vai trò Chủ tịch ASEAN, thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã ký kết và triển khai các thỏa thuận về chia sẻ thông tin, phối hợp giữa hải quân, cảnh sát biển Việt Nam với lực lượng chức năng của các nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Campuchia; thiết lập đường dây nóng giữa hải quân Việt Nam với hải quan Brunei, Campuchia, Thái Lan,… Việt Nam đã phối hợp cứu vớt ngư dân Philippines gặp nạn trên biển, phối hợp với Indonesia bắt giữ tàu cướp biển.

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp

Để sớm đưa các nội dung phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam của Đảng vào thực tiễn, Tiến sỹ Tạ Đình Thi cho rằng cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp.

Ủy ban Chỉ đạo Quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, tăng cường vai trò trong việc chỉ đạo thống nhất, khắc phục những hạn chế của quản lý đơn ngành như hiện nay; ban hành văn bản hướng dẫn đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; chỉ đạo các địa phương thành lập và tổ chức hoạt động có hiệu quả Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ở 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.

Các bộ, ngành, địa phương liên quan tích cực tham gia xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bảo đảm tính liên kết vùng, giữa địa phương có biển và không có biển".

Các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ về Ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; chương trình tăng cường năng lực và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo đến năm 2030; bố trí nguồn lực đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra.

Đối với các địa phương có biển, sớm thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW; phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức triển khai các chủ trương, giải pháp và các đề án, dự án, nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 26/NQ-CP…

Về các nhiệm vụ giai đoạn 2021 – 2025, Tiến sỹ Tạ Đình Thi cho biết, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tiếp tục rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới hệ thống pháp luật về biển và hải đảo để thực hiện đầy đủ và toàn diện các nội dung được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW; kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo từ trung ương đến địa phương đảm bảo hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước về biển và hải đảo, phát triển bền vững kinh tế biển.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình duyệt và triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo, trọng tâm là quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.

Bộ Công Thương quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia. Bộ Giao thông vận tải quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. Bộ Quốc phòng quy hoạch các khu vực biển, đảo cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chiến lược phát triển ngành thủy sản phù hợp với chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

TTXVN/Báo Tin tức