07:15 01/07/2025

Hiện thực hóa mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh

Bạo lực gia đình vẫn là vấn đề nhức nhối, tiềm ẩn và khó phát hiện; tỷ lệ xử lý còn chưa tương xứng với thực trạng...

Chú thích ảnh
Phần thi Tiểu phẩm đội thi huyện Bảo Lâm tại Hội thi “Tìm hiểu kiến thức pháp luật về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình”. Ảnh tư liệu: Chu Hiệu/TTXVN

Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Khuất Văn Quý cho biết: Công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thể hiện qua việc hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, triển khai các chương trình, kế hoạch toàn diện và đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng. Việc ban hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 và các văn bản quy định chi tiết đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền con người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và các nhóm yếu thế trong gia đình.

Cùng với đó, công tác truyền thông ngày càng được đổi mới mạnh mẽ về nội dung, hình thức, gắn kết với chuyển đổi số, đời sống xã hội, góp phần định hướng dư luận, thay đổi tư duy, hành vi của người dân về vai trò, giá trị của gia đình và sự cần thiết phải đẩy mạnh các biện pháp chống lại hành vi bạo lực gia đình. Những mô hình, sáng kiến truyền thông cộng đồng, các chiến dịch truyền thông số, sự tham gia của nghệ sĩ, vận động viên thể thao, người ảnh hưởng, cùng với các kênh chính thống như truyền hình, báo chí, nền tảng số... đã tạo nên mạng lưới lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp.

Trên thực tế, bạo lực gia đình vẫn là vấn đề nhức nhối, tiềm ẩn và khó phát hiện; tỷ lệ xử lý còn chưa tương xứng với thực trạng; một số địa phương chưa thực sự chủ động, chưa đầu tư đúng mức cho công tác tuyên truyền. Do đó, trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, truyền thông cần tiếp tục khẳng định vai trò là "chìa khóa" trong phòng, chống bạo lực gia đình; không chỉ truyền đạt thông tin, còn phải tạo ra ảnh hưởng tích cực, lay động, thay đổi nhận thức và thúc đẩy hành động trong cộng đồng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Thời gian tới, để góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống bạo lực gia đình, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện Khuất Văn Quý cho rằng cần tập trung tuyên truyền những điểm mới của Luật 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành và phổ biến rộng rãi các kênh tiếp nhận tố giác, đặc biệt là Tổng đài điện thoại quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình, cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình, giúp người dân hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình, cũng như các cơ chế hỗ trợ và bảo vệ người bị bạo lực.

Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông về cách nhận diện các hành vi bạo lực gia đình, trong đó có các hành vi mới như kiểm soát kinh tế, cô lập xã hội, xúc phạm danh dự…; cung cấp đầy đủ các thông tin về hành vi bạo lực gia đình vừa kịp thời tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, vừa giúp cảnh báo, răn đe đối với các hành vi bạo lực gia đình; qua đó, tạo dư luận tốt trong thực hiện phòng, chống vấn nạn trên, nhằm thay đổi nhận thức, hành vi về bạo lực gia đình, góp phần tiến tới xóa bỏ bạo lực gia đình nâng cao nhận thức về truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam…

Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc cung cấp các kỹ năng ứng phó với bạo lực gia đình, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, giải quyết mâu thuẫn trong gia đình, kỹ năng xây dựng mối quan hệ tích cực giữa các thành viên dựa trên nền tảng tôn trọng, chia sẻ, bình đẳng và yêu thương. Khơi dậy, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình cũng là yếu tố quan trọng nhằm xây dựng nền tảng văn hóa gia đình bền vững và hạnh phúc.

Công tác truyền thông cần áp dụng đa dạng hình thức, phương pháp nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận, phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội. Ở Việt Nam, các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là báo chí, có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, thể hiện ở việc cung cấp thông tin; phát hiện và giám sát các vụ việc về bạo lực gia đình; tuyên truyền, ngăn ngừa và đấu tranh với các hành vi bạo lực gia đình; tạo dư luận và định hướng dư luận về phòng, chống bạo lực gia đình…

Do đó, cần kết hợp hiệu quả các kênh truyền thông đại chúng như báo chí, truyền hình, phát thanh với các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok, Zalo, cùng các hình thức mới như podcast, video clip ngắn để lan tỏa nhanh chóng thông điệp về phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là tới giới trẻ và người lao động.

Tăng cường truyền thông sân khấu hóa thông qua các vở kịch, tiểu phẩm, hội thi, tọa đàm gắn với đời sống cộng đồng ở cơ sở; tổ chức các buổi truyền thông lưu động, lồng ghép trong các sự kiện văn hóa - thể thao - du lịch để tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực. Trong quá trình thực hiện, phải chú trọng bảo vệ danh tính người bị bạo lực gia đình, tránh gây tổn thương hoặc kỳ thị; bảo đảm nội dung tuyên truyền khách quan, nhân văn, góp phần tạo dựng niềm tin của cộng đồng trong việc chung tay đẩy lùi bạo lực gia đình.

Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác truyền thông là yêu cầu tất yếu. Cần tận dụng các nền tảng số để xây dựng, lan tỏa nội dung truyền thông sinh động, dễ tiếp cận và tương tác cao; ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu để đánh giá hiệu quả, điều chỉnh nội dung phù hợp với xu hướng, hành vi và mức độ tiếp nhận của từng nhóm đối tượng.

Đặc biệt, cần tăng cường tiếp cận giới trẻ nhóm đối tượng dễ bị tác động bởi môi trường xã hội và cũng là lực lượng quan trọng trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Thông qua các chiến dịch truyền thông số sáng tạo, gần gũi và thiết thực, giới trẻ có thể trở thành những người lan tỏa thông điệp tích cực, chủ động nhận diện, phòng ngừa và hỗ trợ người bị bạo lực, góp phần hình thành một thế hệ mới có nhận thức đúng đắn về giá trị gia đình và bình đẳng giới.

Phúc Hằng (TTXVN)