04:23 03/04/2012

Hiến tế ở Luân Đôn-Kỳ II: Giết người kiểu Muti

Năm 2002, kênh 2 truyền hình BBC đã phát bộ phim tài liệu có tên Nobody’s Child đề cập vấn nạn giết người liên quan đến thuật Muti bằng câu chuyện của một người phụ nữ tên Heleen Madide, đến từ vùng Thohoyandou của Nam Phi.

Năm 2002, kênh 2 truyền hình BBC đã phát bộ phim tài liệu có tên Nobody’s Child đề cập vấn nạn giết người liên quan đến thuật Muti bằng câu chuyện của một người phụ nữ tên Heleen Madide, đến từ vùng Thohoyandou của Nam Phi. Heleen kết hôn với pháp sư Muti, Naledzanni Mabuda. 18 tuổi, cô đã làm mẹ của bé trai Fulufhuwani, nhưng sống li thân với chồng. Heleen về sống với bố mẹ đẻ của cô, còn Fulufhuwani thì thường xuyên đến ở với bố và bà nội.

Jeffery Mkhonto - nạn nhân của một nhóm y thuật Muti cực đoan. Ảnh: Internet

Heleen đã kể về kết cục bi thảm của cậu con trai như sau: “Hắn bắt đầu kể cho tôi những câu chuyện. Tổ tiên của hắn nói rằng, hắn phải giết tôi và đứa con thì mới có thể giàu có. Hắn chỉ cho tôi một con đường và ép tôi phải đi theo con đường ấy. Hắn nói sẽ giết con trước, rồi mới giết tôi”.

Khủng khiếp là Mabuda đã thực hiện ý định man rợ của hắn. Heleen tìm cách trốn chạy nhưng bị Mabuda bắt lại và buộc cô phải giữ chân cậu con trai Fulufhuwani để hắn giết cậu bé. Khi em đã chết, hắn bắt đầu cắt rời các chi và bộ phận sinh dục của đứa trẻ. Sau đó hắn nhốt Heleen trong phòng cùng với phần xác còn lại của con trai.

Gia đình của Heleen cảm thấy lo lắng cho sự an toàn của đứa cháu, đã gọi điện cho cảnh sát. Heleen được giải thoát, còn Mabuda bị bắt và bị kết án tù chung thân. Vụ án được đưa ra ánh sáng, nhưng vẫn còn hàng trăm vụ tương tự vẫn chưa bị phát hiện.

Bộ phim tài liệu Nobody’s Child của BBC tiếp tục ghi nhận câu chuyện về một người đã sống sót mang tên Jeffery Mkhonto, sau khi thoát ra được một vụ tấn công như vậy, anh ta đã trả lời các phóng viên rằng, vào năm 12 tuổi, anh đã bị một băng nhóm theo đạo Muti có nhiệm vụ đi thu thập các phần cơ thể người bắt cóc. Một lần được mời sang nhà hàng xóm, Jeffery bị tấn công và bị cắt mất bộ phận sinh dục.

Heleen Madide, nhân vật chính trong bộ phim tài liệu Nobody’s Child, có con trai bị chính bố đẻ giết hại.


Phóng viên Steve Boggan của tờ Times cũng đã viết một bài báo vạch rõ việc thu thập vô cùng khủng khiếp các phần cơ thể người được thực hiện với nạn nhân là một cậu bé 10 tuổi tên là Sello Chokoe.

Chokoe sống trong ngôi làng Moletjie bé nhỏ thuộc tỉnh Limpopo, Nam Phi, cách Johannesburg gần 250 km về phía đông bắc. Ngày 30/4/2004, đứa bé bị một nhóm người bắt giữ. Chúng đè cậu bé nằm xuống, rồi hành xác em. Vài giờ sau, Chokoe được một cậu bé đi kiếm củi phát hiện. Các bác sĩ đã làm tất cả những gì có thể để cứu mạng sống của em, nhưng Chokoe không qua khỏi sau 10 ngày hôn mê.

Vụ sát hại này đã khiến tất cả trẻ em ở Moletjie bị sốc. Người phát hiện ra nạn nhân cũng là một cậu bé tên Bernard Ngoepe thì bị chấn động tâm lý quá mạnh, đến mức vài tháng sau vẫn không nói được và phải điều trị tâm lý đặc biệt.

Bản báo cáo trên được Liên đoàn Nhân quyền ở Môdămbích và Hiệp hội trẻ em Nam Phi công bố sau 7 tháng tiến hành điều tra. Những người điều tra đã thăm dò 413 người dân ở Limpopo, Mpumalanga, KwaZulu-Natal, Free State của Nam Phi và Maputo, Nampula, Sofala, Tete, Delgado, Niassa ở Môdămbích. 139 người trong số này là các thành viên tổ chức nhân quyền, tổ chức tôn giáo, phong trào phụ nữ, giới chức địa phương, cảnh sát, các tổ chức hòa giải truyền thống… Nhiều cá nhân là y tá, giáo viên, nhân viên xã hội, phát thanh viên, thậm chí cả ngư dân. Những cuộc phỏng vấn cho thấy, một số trong những người đã từng phải gặp bác sĩ để tư vấn, đã từng nghĩ đến việc hiến tế thành viên trong gia đình, kể cả vợ con họ.

Trong các cuộc phỏng vấn với những người từng trải nghiệm hành động giết người kiểu Muti, nghiên cứu phát hiện, những phần cơ thể của những người bị giết tại Môdămbích đã được buôn lậu tới các thủ lĩnh tôn giáo ở Nam Phi, những người tin rằng, Muti sẽ làm tăng giáo đoàn của họ.

Ông Fellows cho biết: “Giết người kiểu Muti bị bao phủ bởi một “mật mã im lặng”, nơi người ta sợ hãi phải nói ra, cho phép hủ tục này tiếp tục tồn tại mà không gây hậu quả nào với những người tiến hành nó”. Ông cũng cho biết, tại Mpumalanga, 7 trường hợp đã được xác nhận, trong khi tại Limpopo, chỉ 4 trường hợp được xác nhận.

Bạch Đàn (Theo Religionnews)

Đón xem kỳ tới: Manh mối từ chiếc quần da cam