07:18 13/07/2020

Hiến kế xây dựng nông thôn mới gắn với bảo đảm an toàn giao thông

Ngày 13/7, tại Sóc Trăng, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề: "Giải pháp nâng cao hiệu quả tham gia xây dựng nông thôn mới và vận động, giám sát việc thực hiện pháp luật về an toàn giao thông của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long".

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi tọa đàm. 

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì tọa đàm. Tham dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn, đại diện lãnh đạo các ban, ngành trong tỉnh và đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc 12 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh thông tin: Tính đến tháng 6/2020, cả nước có gần 5.200 xã (hơn 58,2%) đạt chuẩn nông thôn mới; đến nay có 135 đơn vị cấp huyện, thị xã, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2020, cả nước phấn đấu có 15 tỉnh, thành phố hoàn thành xây dựng nông thôn mới; 100% các huyện đều có xã đạt nông thôn mới và trên 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, giai đoạn 2016 - 2020 là giai đoạn hai trong lộ trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cả nước, với mục tiêu tổng quan là xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh mong muốn đại diện Mặt trận Tổ quốc các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long tích cực chia sẻ kinh nghiệm tại tọa đàm; phân tích những hạn chế, bất cập, tập trung thảo luận, chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong quá trình thực hiện tham gia xây dựng nông thôn mới. Bà Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, các ý kiến tham gia đóng góp tập trung vào một số nội dung chính như: Vận động người dân tích cực tham gia giữ gìn môi trường; phát huy truyền thống văn hóa, phát huy vai trò của nhân dân trong công tác giám sát; ghi nhận, lắng nghe ý kiến của người dân đánh giá về quá trình xây dựng nông thôn mới, với phương châm không bị sức ép thành tích, không bị chi phối từ áp lực của địa phương để có được đánh giá thực chất nhất của người dân...

Tại tọa đàm, đại biểu các tỉnh, thành, địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế cho Mặt trận Tổ quốc các cấp trong quá trình tham gia giám sát công tác xây dựng nông thôn mới; giám sát việc thực hiện pháp luật về an toàn giao thông nhằm đảm bảo tốt trật tự an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn...

Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Ban phong trào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang cho biết: Tỉnh Hậu Giang hiện đã được công nhận 31/51 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, 3 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao, 19/23 phường, thị trấn được công nhận văn minh đô thị; 3/8 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; đặc biệt, trên 90% người dân tại các xã, huyện được lấy ý kiến bày tỏ sự hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, để công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt hiệu quả trong thời gian tới, cần sự quan tâm, chỉ đạo tập trung của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể; làm tốt công tác tuyên truyền; thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, cần tạo cơ hội để các tổ chức đoàn thể, cán bộ, đảng viên và mọi người dân được công khai tham gia đóng góp xây dựng, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới ở địa phương; kịp thời sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng cá nhân, tổ chức, hộ gia đình có nhiều đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Thông tin về kết quả thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang khẳng định: An Giang đã phát huy tốt mọi nguồn lực của Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong xây dựng nông thôn mới để nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển bền vững; tập trung nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng nông thôn đáp ứng yêu cầu, đi sâu vào chất lượng và tăng tính bền vững; chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị.

Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban công tác Mặt trận; quản lý chặt chẽ việc sử dụng các nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; tiếp tục phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới.

Đại diện cho các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Thượng tọa Thích Minh Hạnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: Là một thành viên của Mặt trận Tổ quốc, thời gian qua, Giáo hội đã tích cực đồng hành cùng các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp trên địa bàn phát động; đóng góp cho công tác giảm nghèo, xây dựng nhà ở, hỗ trợ hộ khó khăn, xây dựng cầu đường giao thông nông thôn. Năm 2019, Giáo hội đã vận động 60 tỷ đồng để xây dựng được 20 cầu nông thôn...

Tin, ảnh: Trung Hiếu (TTXVN)