11:06 24/11/2014

Hiến kế phát triển hạ tầng thương mại

Sau loạt bài “Hạ tầng thương mại còn nhiều bất cập”, phóng viên báo Tin Tức ghi nhận ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại và các nhà quản lý.

Sau loạt bài “Hạ tầng thương mại còn nhiều bất cập”, phóng viên báo Tin Tức ghi nhận ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại và các nhà quản lý.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: Mở cửa thị trường bán lẻ theo lộ trình

Hiện nay, với trên 900 cơ sở bán lẻ hiện đại thì nhà đầu tư nước ngoài chỉ có trên 70 cơ sở. Như vậy, tỷ lệ của doanh nghiệp nước ngoài không nhiều. Tổng lưu lượng bán lẻ trong năm 2013 của Việt Nam khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, năm nay khoảng 3 triệu tỷ đồng. Tỷ trọng của doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm 3,4%, còn thấp hơn cả năm 2008 (3,8%). Như vậy chứng tỏ các doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn vươn lên phát triển.

Chúng ta mở cửa thị trường bán lẻ nhưng có lộ trình để tạo thời gian cho các doanh nghiệp thương mại trong nước vươn lên cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Ta cũng khống chế 9 mặt hàng nhạy cảm liên quan đến sản xuất trong nước, an ninh quốc phòng, thuần phong mỹ tục như thuốc lá, gạo, xăng dầu, văn hóa phẩm… doanh nghiệp nước ngoài không được phân phối. Ngoài ra, cũng có nhiều khung khống chế khác. Trong các phiên đàm phán tới đây, chúng tôi vẫn giữ nguyên tắc mở cửa “từ từ” này.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: Cần giải pháp tổng thể

Đầu tiên là công tác quy hoạch. Phải quy hoạch khoa học về địa điểm đặt chợ, siêu thị, trung tâm bách hóa… đảm bảo nguyên tắc không quá tập trung vào một khu vực. Thứ hai, khi đã có quy hoạch, phải bố trí về mặt bằng, vốn, đào tạo nguồn nhân lực.

Trung tâm thương mại Vincom, Hà Nội. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Quản lý chợ, quản lý siêu thị không đơn giản; phải học, phải được đào tạo một cách bài bản. Tôi cũng mới nhận được tài liệu về việc tới đây Bỉ - Pháp sẽ mở trung tâm đào tạo giám đốc siêu thị để bổ sung nhân lực cho ngành này tại Việt Nam. Hiện nay, số người học chuyên ngành để làm cho siêu thị chỉ có 5%, còn lại toàn “tay ngang” vào làm. Thứ ba, phải tổ chức vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất lớn theo chuỗi sản xuất phân phối khép kín để tạo nguồn hàng ổn định, đều đặn và có chất lượng, giá cả cạnh tranh với nước ngoài. Thứ tư là về vấn đề liên kết. Hiện nay, liên kết giữa các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ rất yếu, mạnh ai người ấy làm. Thêm nữa là vấn đề về hạ tầng giao thông để chi phí vận chuyển thấp, tạo thêm cơ hội cho cạnh tranh.

PGS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương): Giảm bớt khâu trung gian

Hiện nay, nông sản của Việt Nam chủ yếu sản xuất theo quy mô nhỏ, phân tán nên nhà phân phối không thể kí hợp đồng với hàng nghìn nhà sản xuất là các hộ nông dân được. Do đó, khâu phân phối bị chia nhỏ ra 2 đầu: thu mua và bán hàng. Đầu thu mua là các tiểu thương đi gom hàng mang đến chợ đầu mối hoặc các trung tâm giao hàng như bến đò, ô tô… Ở đó có các nhà buôn lớn đến thu mua hết, mang về chợ đầu mối ở thành phố. Tại đầu bán hàng (các chợ đầu mối lớn tại thành phố), các tiểu thương, người buôn bán nhỏ lẻ lại đến đó mua hàng mang đến giao cho các cửa hàng, sau đó được bán cho người tiêu dùng. Hệ thống này quá nhiều khâu trung gian, khiến nông dân bán rất rẻ, giá hàng hóa trên thị trường lại rất đắt.

Do đó, giải pháp cho hạ tầng thương mại là tổ chức lại hệ thống phân phối theo hướng hiện đại để giảm bớt các khâu trung gian. Ví dụ, tại các nước chỉ qua 3 khâu: nhà máy thu hoạch qua công ty phân phối, chuyển đến hệ thống bán lẻ. Để làm được điều đó, chúng ta phải tổ chức sản xuất chuyên nghiệp theo quy mô lớn, chẳng hạn như cánh đồng mẫu lớn. Lúc ấy, doanh nghiệp phân phối mới “bõ công” về thu mua nông sản cho nông dân.

GS Đặng Đình Đào, giảng viên cao cấp trường ĐH Kinh tế quốc dân: Không được coi nhẹ logistics

Trước mắt, cần sớm quy hoạch và xây dựng các trung tâm logistics theo vùng, miền, đặc biệt là trên các tuyến quốc lộ huyết mạch, đường cao tốc của Việt Nam. Các trung tâm logistics này ngoài chức năng hậu cần còn có vai trò rất quan trọng trong quá trình thúc đẩy lưu thông hàng hóa, giảm giá thành sản phẩm tiêu thụ, hình thành văn minh thương mại, văn hóa giao thông ở Việt Nam.

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Không ồ ạt chuyển đổi chợ

Để phát triển chợ một cách hợp lý thì các ngành và địa phương cần nghiêm túc chủ động rà soát, bảo đảm cơ sở khoa học và thực tế của các quy hoạch phát triển chợ. Lựa chọn cơ chế quản lý phù hợp, cân đối lợi ích giữa chủ đầu tư, tiểu thương, người mua và các mục tiêu kinh tế - xã hội khác. Mặt khác, cần coi trọng các yêu cầu thiết kế kỹ thuật, tiêu chuẩn hóa, phát triển các cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ kinh doanh chợ theo hướng đồng bộ; tạo điều kiện cho các tiểu thương, hộ gia đình vào chợ kinh doanh đúng chức năng, ngành nghề với chi phí thấp nhất…

Hoàng Dương (ghi)