12:00 12/12/2011

Hiểm họa từ những “hung thần” xa lộ

Theo tin từ Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt, tuần đầu ra quân trong đợt cao điểm bảo đảm TTATGT dịp Tết Nhâm Thìn, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 204 vụ TNGT đường bộ, làm chết 169 người, bị thương 154 người.

Theo tin từ Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt, tuần đầu ra quân trong đợt cao điểm bảo đảm TTATGT dịp Tết Nhâm Thìn, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 204 vụ TNGT đường bộ, làm chết 169 người, bị thương 154 người. Đáng báo động, tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông không có giấy phép lái xe, sử dụng giấy phép lái xe giả... diễn ra khá phổ biến, cũng là nguyên nhân của không ít vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, nhưng đáng quan ngại là do ý thức của người tham gia giao thông kém. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân mà ít được cơ quan chức năng quan tâm, đó là sự buông lỏng công tác quản lý đối với các cơ sở kiểm định phương tiện xe cơ giới và việc sát hạch giấy phép lái xe.

Việc để lưu hành các phương tiện không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật đang đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý các cơ sở đăng kiểm. Có thực tế tồn tại từ nhiều năm nay là sự “đi đêm” giữa chủ phương tiện và nhân viên kiểm định trong kiểm định phương tiện xe cơ giới. Luật “bất thành văn” là chỉ cần bỏ ra một số tiền “bôi trơn” cho các nhân viên kiểm định, thì dù phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cũng dễ dàng được bỏ qua. Không ít các phương tiện lưu thông, đặc biệt là xe chở khách đã quá cũ nát, nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra, thì chứng nhận kiểm định vẫn hiển hiện còn hạn lưu hành. Tình trạng khá phổ biến là cứ đến hạn đăng kiểm phương tiện, không ít lái xe đi thuê, hoặc mượn phụ tùng còn mới để lắp vào phương tiện để kiểm định. Xong việc, thì các phụ tùng, thiết bị lại được “trả lại tên cho em”. Thế là có vô số những phương tiện cơ giới không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vẫn “đàng hoàng” lưu thông.

Việc cấp giấy phép lái xe cũng không ít chuyện nực cười. Mới đây, nhiều báo đưa tin một cơ sở kinh doanh xe máy ở thành phố Lạng Sơn kiêm luôn việc bán giấy phép lái xe mô tô cho khách có nhu cầu. Giá mỗi giấy phép lái xe dao động từ 500.000 đồng đến 1,2 triệu đồng. Mức 1,2 triệu đồng áp dụng đối với “bằng thẳng” (khách không phải học và thi sát hạch) và 500.000 - 700.000 đồng đối với “bao luật” (khách không phải thi sát hạch lý thuyết, nhưng phải thi thực hành). Ở Hà Nội cũng có không ít điểm kinh doanh xe máy kiêm luôn dịch vụ làm giấy phép lái xe. Người có nhu cầu vẫn phải đi thi nhưng việc thi sát hạch sẽ dễ hơn. Riêng mua xe được... khuyến mại giấy phép lái xe như ở Lạng Sơn thì chưa thấy xuất hiện.

Xã hội hóa hoạt động đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, kiểm định phương tiện là chủ trương đúng, nhưng hiện nay, công tác quản lý đối với hoạt động này lại đang bị buông lỏng. Có không ít người được cấp giấy phép lái xe, nhưng rất lơ mơ về Luật Giao thông đường bộ. Tình trạng “học chơi, bằng thật”, ăn bớt chương trình xảy ra khá phổ biến ở các cơ sở đào tạo lái xe. Và cứ thế, hàng năm các cơ sở đào tạo này đã cho ra lò hàng loạt “hung thần” xa lộ và nguy hiểm hơn, trong đó có không ít lái xe chở khách!

Cùng với nguy cơ của nạn làm giả giấy phép lái xe, thì việc buông lỏng trong việc kiểm định phương tiện xe cơ giới và sát hạch giấy phép lái xe, cũng là nguy cơ tiềm ẩn của tai nạn giao thông, cần sớm được chấn chỉnh.

Yến Nhi