02:17 24/02/2012

Hiểm họa bất ngờ từ... ga

Chỉ một phút bất cẩn với “lửa thần”, nhiều người đã phải trả giá bằng mạng sống.

Chỉ một phút bất cẩn với “lửa thần”, nhiều người đã phải trả giá bằng mạng sống. Gần đây, tình trạng nổ ga, chập điện đang diễn ra khá phức tạp và ở mức báo động.

Những con số biết nói

Thời gian gần đây số nạn nhân bị bỏng, nhất là bỏng ga tăng đột biến. Thống kê từ đầu năm đến nay, Viện bỏng đã tiếp nhận gần 200 bệnh nhân bỏng trong đó có tới 15% số người bị bỏng do lửa ga. Riêng Khoa bỏng người lớn thời điểm này có gần chục bệnh nhân bị bỏng ga đang được điều trị, cấp cứu.

Theo các bác sỹ Khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng quốc gia thì khi đã bị bỏng gas, các nạn nhân dễ bị tử vong vì bị tổn thương mức độ nặng và điều trị rất tốn kém. Nếu bị bỏng đường hô hấp thì nguy cơ tử vong cao gấp ba lần những ca chỉ bị bỏng ngoài da. Bệnh nhân bỏng nặng thường kéo theo tổn thương phổi, các tạng, đồng thời áp lực ga nổ làm dập và tràn dịch màng phổi, đó là chưa kể khả năng bị nhiễm trùng máu... Khi bệnh nhân điều trị hai tuần đầu thường đối mặt với nguy cơ các niêm mạc trong phổi mủn ra do vết bỏng, gây tắc nghẽn đường thở.


Hiện trường một vụ nổ gas ở TPHCM. Ảnh: Thế Vinh – TTXVN.


Trước đây, các ca bỏng gas thường là bị rất nặng, tỷ lệ tử vong tới 60-70%, nhưng những năm gần đây, Viện bỏng quốc gia đã áp dụng nhiều phương pháp tiến bộ trong điều trị nên đã rút ngắn thời gian trung bình xuống còn 1 đến 2 tháng (bằng 1/4 thậm chí 1/5 so với trước), hạ tỷ lệ tử vong từ 10-15% xuống còn 1,5-1%.
Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Đỗ Lương Tuấn, Chủ nhiệm Khoa bỏng người lớn: Chưa nói đến những thiệt hại về kinh tế, dù khỏi bệnh, xuất viện, bệnh nhân bỏng vẫn còn phải chịu thêm nhiều di chứng. Các vết sẹo, những tổn thương vận động (mất khả năng tự vận động, đi lại, cầm, nắm), tổn thương về tâm lý (hoảng loạn, thần kinh không ổn định,…) sẽ đeo đẳng họ suốt đời.

Cách phòng tránh và sơ cứu người bị bỏng ga

Các vụ bỏng ga thường gặp trong cuộc sống như: đun nấu, sưởi, sang - chiết ga, trong lao động hầm lò... Ước tính, trong một trăm vụ bỏng lửa, có tới trên 80% vụ xảy ra trong sinh hoạt gia đình.

Thông thường, trong các gia đình, hệ thống ga thường không được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, chỗ để bình ga không thông thoáng dễ thành nơi chuột tấn công. Đặc biệt, khi thời tiết lạnh, người dân thường đóng cửa nhà, khí ga càng có điều kiện tích tụ, dẫn tới nguy cơ cháy nổ cao.

GS.TS Lê Năm, Viện trưởng Viện Bỏng quốc gia khuyến cáo, phòng tránh là cách tốt nhất để hạn chế những thiệt hại không đáng có do lửa, hơi ga gây ra. Thường xuyên kiểm tra định kỳ, bảo trì, bảo dưỡng bếp và bình ga; dán tem, nhãn đảm bảo an toàn cho bình ga và tuyên truyền vận động người dân cẩn thận khi sử dụng.
Về phía người dân, khi thấy trong nhà có mùi ga, phải mở hết cửa, bật quạt cho khí ga bay ra ngoài, sau đó kiểm tra lại bình ga nếu an toàn mới đun nấu. Nếu phát hiện cháy hoặc có người bị bỏng do ga, cách xử lý ban đầu là khẩn trương đưa nạn nhân ra khỏi vùng nguy hiểm, dập lửa trên quần áo; làm giảm thân nhiệt cho người bị bỏng bằng cách áp khăn mát, chườm nước mát lên vùng da bị tổn thương; sau đó ủ ấm cơ thể và cho họ uống orezon để bù điện giải.

Nếu nạn nhân bị suy hô hấp, tim ngừng đập, nhiễm độc phải khẩn trương sơ cứu: hút đờm dãi cho thông đường thở, xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Trấn an để họ bớt sợ hãi, đồng thời đưa ngay nạn nhân đến bệnh viện. Người bỏng ga có thể bị các chấn thương kết hợp ở sọ não (biểu hiện hôn mê), cột sống (không ngồi được), sai khớp, chảy máu …., khi vận chuyển cần cố định cơ thể. Để ý xem họ có bị các vật sắc đâm vào phần mềm, nếu có không nên rút ra ngay tránh mất máu mà để đến bệnh viện gây mê và gắp ra. Sơ cứu được tiến hành trong vòng 30 phút sẽ có hiệu quả cao nhất.

Tuyệt đối không bôi dầu cá, nước mắm, vôi, bùn, lá chuối, thậm chí mỡ trăn lên cơ thể nạn nhân. Bởi tất cả đều tạo ra màng khiến nhiệt không phân tán, hơn nữa tất cả những chất này đều không vô trùng.


Mỹ Bình