02:11 09/02/2017

Hết sự kiên nhẫn

Bàng hoàng, phẫn nộ, không thể tin đó là sự thật..., là cảm nhận chung của nhiều người xem xong đoạn clip một cô giáo ở cơ sở mầm non Sen Vàng (phường Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cầm dép đập vào đầu, vào mặt bé trai khiến bé ôm đầu khóc; một cô khác thì hai tay đút túi quần, thúc đầu gối vào bụng một bé khác cùng lời đe dọa “ngậm mồm”...

Hành động trên của những người nuôi dạy trẻ tại cơ sở mầm non Sen Vàng là phản giáo dục, gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ xâm phạm sức khỏe, thể chất và tinh thần của trẻ, mà còn vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Hình ảnh ghi lại cảnh cô giáo dùng dép đánh vào đầu trẻ.

Đã có rất nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra ở các cơ sở trông giữ trẻ xảy ra trong thời gian gần đây. Hành động của hai cô giáo ở cơ sở mầm non Sen Vàng xảy ra ngay giữa Thủ đô, khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy hết sự kiên nhẫn. Những đứa trẻ thơ ngây, đáng ra phải được sự chăm sóc, bảo vệ của người lớn, thì lại bị các cô giáo dùng cực hình, ép chúng không được khóc. Đó là hành động độc ác, cần phải lên án đối với những người mang danh cô giáo.

Câu hỏi được đặt ra, vì sao chúng ta có hệ thống pháp luật, các tổ chức bảo vệ trẻ em, mà tệ nạn bạo hành trẻ vẫn không giảm? Điều đáng nói, phần lớn các vụ trẻ em bị bạo hành được phát hiện trong thời gian gần đây là từ các cơ quan báo chí, sự tố giác của quần chúng hoặc các bậc phụ huynh. Trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em hết sức mờ nhạt. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động về phòng chống xâm hại trẻ em chưa được quan tâm đúng mức... Điều đó cũng lý giải vì sao tình trạng bạo hành trẻ em chưa được ngăn chặn triệt để.

Trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể về bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được quy định trong các văn bản pháp luật. Nhưng trong quá trình thực hiện, một số cán bộ đã không làm tròn trách nhiệm, thực hiện chưa nghiêm, chưa đầy đủ, kịp thời, để xảy ra những vụ việc đáng tiếc, thậm chí nghiêm trọng. 

Nguyên nhân có thể là do năng lực yếu kém, thiếu kiểm tra, giám sát; thiếu những chế tài cụ thể ràng buộc trách nhiệm đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, đoàn thể, gia đình và cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, tư vấn về công tác bảo vệ trẻ em cũng chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến công tác phòng chống xâm hại trẻ em không mang lại hiệu quả. Điều đó cũng lý giải tại sao tình trạng bạo hành trẻ em chưa được ngăn chặn triệt để. 

Vấn đề đặt ra, để trẻ không bị xâm hại, cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm cũng như trình độ năng lực cho những người làm công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là ở cấp xã, phường, thôn, bản, cụm dân cư. Bên cạnh đó, cần hình thành các dịch vụ xã hội bảo vệ trẻ em có tính hệ thống, liên tục và chuyên nghiệp, bằng hình thức công ích và xã hội hóa... Quan trọng hơn cả là cần xóa đi sự thờ ơ, vô cảm của các cấp chính quyền, những người dân sống ở khu vực có cơ sở nuôi dạy trẻ. 

Việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em phải xuất phát từ tình thương yêu, tinh thần trách nhiệm đối với trẻ em. Có đẩy lùi được sự vô cảm thì mới hy vọng đẩy lùi được nạn bạo hành, ngược đãi trẻ em.  

Y.N