03:23 14/03/2013

Hết loay hoay tìm chiến lược

Dự thảo Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến 2020 tầm nhìn 2030 vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thành và đang lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, các chuyên gia… để sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Dự thảo Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến 2020 tầm nhìn 2030 vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thành và đang lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, các chuyên gia… để sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng, cũng là cơ sở để bóng đá Việt Nam nhắm tới những mục tiêu lớn trong tương lai.

 

Dẫu còn nhiều vấn đề cần chỉnh sửa, hoàn thiện, nhưng bước đầu một dự thảo cho chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam được xây dựng đã đáp ứng được đòi hỏi của thực tế cũng như của dư luận. Nhất là ở thời điểm, bóng đá Việt Nam đang rơi vào khủng hoảng, với những tư duy “chiến lược theo thời vụ” đã không những không mang lại kết quả như mong muốn, khiến bóng đá nước nhà tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực.


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bóng đá Việt Nam tụt hậu, nhưng một trong những nguyên nhân chủ yếu, đó là những người chèo lái con thuyền bóng đá Việt Nam chưa có tầm nhìn xa trông rộng. Những nhà quản lý bóng đá Việt Nam dường như đang bế tắc trong việc hoạch định tương lai, bế tắc trong việc giải quyết những cản trở sự phát triển của bóng đá nước nhà. Từ việc chưa vạch được đường hướng phát triển phù hợp, công tác xây dựng các đội tuyển quốc gia thiếu bài bản, công tác đào tạo cầu thủ trẻ chưa chú trọng, thiếu chuyên nghiệp trong tổ chức các giải đấu, chưa có giải pháp ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực… Nhìn sang một số nước ở khu vực Đông Nam Á, cụ thể là Thái Lan, nhiều người đặt câu hỏi, vì sao ở đất nước Chùa vàng họ lại thờ ơ với các giải đấu trong khu vực đến vậy? Quả thực, Thái Lan giờ không còn thiết tha với sân chơi khu vực nữa, mà họ đang tích cực đầu tư cho tương lai, tức là thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á góp mặt ở World Cup. Do vậy, họ đang chú trọng đầu tư để gây dựng một đội tuyển đủ sức góp mặt ở giải đấu lớn nhất hành tinh.


Còn với bóng đá Việt Nam, dù đội tuyển của chúng ta đã từng thắng chính Thái Lan để vô địch AFF Suzuki Cup năm 2008, nhưng mốc son đó vẫn không thể che giấu một sự thật, bóng đá Việt Nam đang thua Thái Lan về tầm nhìn chiến lược. Trong khi chúng ta vẫn cứ miệt mài đi tìm lời giải cho tấm HCV SEA Games, thì Thái Lan đã tính chuyện ngồi sang “mâm cao” là World Cup.


Với mục tiêu đưa đội tuyển quốc gia (ĐTQG) lọt vào top 10-12 của châu Á (với ĐTQG nam) và top 6-7 châu Á (với ĐTQG nữ), quả là một thách thức không nhỏ, nhất là trong bối cảnh các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Xinhgapo, Malaixia cũng đang hướng tới những mục tiêu lớn như chúng ta. Chính vì thế, để đạt được mục tiêu trên, rất cần sự quyết tâm rất lớn và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của nhiều bộ, ban, ngành…


Theo nhiều chuyên gia, nhiệm vụ trước tiên mà bóng đá Việt Nam phải làm là nâng cao chất lượng các ĐTQG (nam và nữ). Bên cạnh đó, ở cấp câu lạc bộ, tiếp tục hướng tới xây dựng bóng đá thực sự chuyên nghiệp, mạnh cả về tài chính lẫn chuyên môn; định hình về chiến thuật, phong cách, lối chơi phù hợp với đặc điểm thể lực và tố chất của người Việt Nam… Có như vậy, mới hy vọng bóng đá Việt Nam rút ngắn được khoảng cách với bóng đá châu lục và thế giới.


Yến Nhi