03:22 27/03/2011

Heinz Felfe - Điệp viên hai mang lừng danh - Kỳ I: Điệp viên KGB làm trùm "Phản gián Liên Xô"

Tù nhân 7709 tỏ ra bồn chồn. Trong xà lim, tù nhân này kể với một người cai ngục là sau 7 năm trong tù, ông là điệp viên hàng đầu của phương Đông ở phương Tây chưa được trao đổi. Vậy nhân vật này là ai?

Tù nhân 7709 tỏ ra bồn chồn. Trong xà lim, tù nhân này kể với một người cai ngục là sau 7 năm trong tù, ông là điệp viên hàng đầu của phương Đông ở phương Tây chưa được trao đổi. Vậy nhân vật này là ai?

Kỳ I: Điệp viên KGB làm trùm "Phản gián Liên Xô"

Điệp viên hai mang Heinz Felfe

Điều băn khoăn của tù nhân 7709 ở trại giam Straubing cũng đang là mối băn khoăn của Thủ tướng Đức Kurt Georg Kiesinger, Chánh văn phòng Phủ thủ tướng Karl Carstens và Chủ tịch Cơ quan Tình báo Liên bang Đức (BND) Gerhard Wessel. Ba người đã thảo luận với nhau trong 4 tuần lễ về việc có trao đổi tù nhân số 7709 với 3 sinh viên ở Heidelberg, những người đã bị kết án tù vì làm gián điệp cho CIA ở Mátxcơva hay không.

Chắc chắn đây không phải là một vụ trao đổi gián điệp bình thường như những trường hợp khác. Bởi vì tù nhân số 7709 không phải là một người bình thường mà là điệp viên số một của cơ quan tình báo KGB tại CHLB Đức: Heinz Paul Felfe.

Điệp viên hàng đầu của Liên Xô được cài cắm trong một tổ chức, mà về phương diện tin tức tình báo đối với KGB thì còn quan trọng hơn là Bộ Ngoại giao hoặc Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội: Đó chính là Cơ quan Tình báo Liên bang Đức.

Ở chính trong cơ quan mật vụ Đức với nhiệm vụ do thám Liên Xô và CHDC Đức, điệp viên Felfe lại được bổ nhiệm làm trưởng phòng Liên Xô trong Cục III F (Cục phản gián). Như vậy, KGB có người của mình đứng đầu một đơn vị tác chiến của BND có nhiệm vụ cài điệp viên vào cơ quan mật vụ Liên Xô hoặc thuyết phục các nhân viên KGB quay sang hợp tác với BND. Trong phiên tòa xét xử Felfe năm 1963, vị chánh án Kurt Weber đã nhận xét rằng với Felfe, KGB đã "đưa đúng người vào đúng chỗ".

Trụ sở Cơ quan tình báo Liên bang Đức tại Pullach, nơi Felfe hoạt động trong 10 năm.


Chính việc lên kế hoạch lâu dài, đúng đắn của KGB đã đưa Felfe đến với BND ở Pullach, ngoại ô Munich. Felfe vốn học về khoa học hình sự và khi 25 tuổi đã làm việc trong Tổng cục An ninh Đế chế (RSHA) của trùm phát xít Himmler. Ông được phong chức Obersturmfuehrer của SS, tương tự với quân hàm thượng úy của lục quân và phụ trách phòng "Thụy Sĩ" trong Cục VI (Cục tình báo nước ngoài).

Chính chính quyền quân sự Anh là người đã đưa Felfe chuyển sang công việc gián điệp sau chiến tranh: Họ tuyên bố Obersturmfuehrer Felfe là người "không có dính líu tới tội ác chiến tranh" và tuyển mộ Felfe làm chỉ điểm cho cơ quan mật vụ Anh MI 6. Nhiệm vụ mà Felfe được giao là theo dõi những hoạt động cộng sản tại trường Đại học tổng hợp Bonn.

Mùa thu 1951, điệp viên Felfe, vốn đã được đào tạo và có kinh nghiệm dưới trướng Himmler và trong MI 6, đã lọt vào mắt xanh của trùm cơ quan mật vụ Đức Gehlen. Đề nghị tuyển mộ Felfe là của Hans Clemens, một người có nhân thân kép: Một mặt Clemens là người tìm kiếm, tuyển mộ nhân viên cho Tổ chức Gehlen, tổ chức tiền thân của BND, mặt khác lại là người tuyển mộ nhân viên cho KGB, một điều khi đó không nhà chức trách nào của Đức biết được.

Hai cơ quan mật vụ Đức cũng như Liên Xô đều có kế hoạch thu phục những điệp viên lành nghề trước đây của Đế chế thứ ba để "đánh" vào địa bàn đối phương, hoặc tốt nhất là vào cơ quan mật vụ đối phương. Đối với cả hai bên đều có nguy cơ rủi ro như nhau. Những công chức của RSHA, vì có quá khứ SS nên dễ bị bắt bí, phải ngả sang bên này hay bên kia.

Clemens và Felfe biết nhau quá rõ từ khi cùng là sĩ quan SS trong Tổng cục an ninh. Sau khi được Clemens giới thiệu, Felfe đã ký giấy với đại tá Liên Xô "Max" tại trụ sở KGB ở Béclin (tức Karlshorst) nhận làm việc cho KGB và ngày 15/11/1951 tại Pullach ngoại ô Munich, tướng Reinhard Gehlen đã bắt tay chúc mừng Felfe từ nay làm việc cho tổ chức gián điệp Tây Đức.

Nhà tù Straubing, nơi Felfe bị giam giữ sau khi kết án.


Nhằm giúp cho Felfe nhanh chóng có uy tín, thông qua sĩ quan chỉ huy "Alfred", KGB đã cung cấp cho điệp viên Felfe nhiều tài liệu quý tới mức Felfe được Gehlen rất tin dùng. Năm 1956, khi Tổ chức Gehlen chính thức trở thành "Cơ quan Tình báo Liên bang" của chính quyền Bonn, thì Felfe cũng được cất nhắc làm trưởng phòng "Phản gián Liên Xô".

Đại tá KGB "Alfred" vẫn tiếp tục giúp đỡ, cung cấp tài liệu cho Felfe theo kế hoạch của trung tâm KGB. Nói một cách khác, những thông tin về Liên Xô mà Thủ tướng Đức khi đó Konrad Adenauer có được từ nguồn của Gehlen trên thực tế là do KGB cung cấp, có chiều theo "khẩu vị" của chính quyền Bonn.

Và người Nga đã biết nhiều hơn những gì mà người Tây Đức biết được: Trong vòng 10 năm, Felfe đã cung cấp những hiểu biết của mình cho KGB thông qua trên 15.600 bức ảnh và những tài liệu được ghi trong 20 cuộn băng ghi âm, cũng như vô số điện tín khác. Trong đó có những tài liệu tuyệt mật như đánh giá tình hình của Cơ quan tình báo gửi lên chính phủ Tây Đức, phản ứng phòng thủ của Cơ quan bảo vệ Hiến pháp liên bang để chống lại các điệp viên Đông Đức. Hơn thế nữa, Felfe đã cung cấp danh sách, tên tuổi của 94 điệp viên dưới quyền Gehlen trên khắp thế giới. Theo báo cáo thiệt hại của CIA, Felfe đã tiết lộ 15.000 tài liệu mật của CIA và làm bại lộ thân phận của khoảng 100 điệp viên CIA, trong đó có một điệp viên nằm vùng trong trụ sở KGB ở Béclin (tức Karlshorst). Felfe nói: "Tôi muốn trở thành điệp viên số một trong con mắt người Nga".

Mặc dù BND cũng tìm cách bảo vệ mình chống lại phản gián của đối phương. Ví dụ như Chủ tịch BND không có quyền đòi hỏi các phòng ban cấp dưới phải cung cấp tên tuổi những nguồn tin của họ ở nước ngoài. Những nhân viên BND phải có chứng minh thư đặc biệt mới được đi lại giữa các tòa nhà trong trụ sở BND ở Pullach, còn lại, ai làm việc ở đâu thì chỉ được vào tòa nhà đó. Vậy mà Felfe cũng có thể thâm nhập vào phòng "Viễn Đông", lấy được tên tuổi điệp viên của Gehlen ở Băngcốc để báo cho Mátxcơva.

Mặc dù trong BND, Felfe có mật danh là "Friese", nhưng cả Chủ tịch BND Gehlen và Đại tá KGB "Alfred", không hẹn mà gặp lại cùng dùng tên lóng "Fiffi" để đặt cho Felfe.

Vũ Long (Tổng hợp theo báo chí Đức)
 
Đón đọc kỳ II: Trong tù vẫn hoạt động