07:05 10/07/2011

Hè về, thăm biển đảo Tây Nam

Xuất phát từ bến thuyền chùa Hang đối diện hòn Phụ Tử (Kiên Lương, Kiên Giang), chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá quần đảo Bà Lụa (còn gọi quần đảo Bỉnh Trị) với nhiều hòn đảo còn nguyên sơ ở vùng biển tây nam...

Xuất phát từ bến thuyền chùa Hang đối diện hòn Phụ Tử (Kiên Lương, Kiên Giang), chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá quần đảo Bà Lụa (còn gọi quần đảo Bỉnh Trị) với nhiều hòn đảo còn nguyên sơ ở vùng biển tây nam...

Quần đảo Bà Lụa có khoảng 45 đảo đá vôi lớn nhỏ, độ cao trung bình 100 m, đặc điểm hiếm thấy ở miền Nam. Phần đông đảo quần tụ lô nhô ngoài khơi, số ít phân tán rải rác ở vùng biển cạn Kiên Lương, lâu ngày đất bồi thành núi trên đất liền. Trong đó hang Mo So, hang Cá Sấu... đã trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng.

Khám phá hang Tiền.

Những núi đá thoạt nhìn như đám cây rừng trôi bồng bềnh trên vịnh đến gần mới thấy thiên hình vạn trạng, kết quả của sự bào mòn từ mưa gió, sóng biển... Thiên nhiên đã sáng tạo vô số hang chân sóng quanh chân núi, theo thời gian xâm thực sâu vào lòng núi, trổ thêm nhiều ngóc ngách làm nên những tuyệt tác diệu kỳ.

Chúng tôi đến hang Tiền, động đá có chiều dài hơn 150 m xuyên hẳn qua núi, mở ra hai cửa theo trục tây nam và đông bắc. Càng vào sâu không khí càng mát lạnh, lòng hang mở rộng đến hơn 10m. Từ đây xuất hiện những khối thạch nhũ đồ sộ với đủ hình dáng treo trên vách đá, cái tựa hạt gạo khổng lồ, cái như hoa sen nở...

Rời hang Tiền chúng tôi vượt biển tìm đến hòn Nghệ, đảo lớn nhất và có nhiều làng chài sinh sống tự bao đời. Hòn Nghệ có sức hấp dẫn riêng từ ghềnh đá vươn mình ra biển cho đến khung cảnh sinh động trong vịnh, vẻ đẹp nguyên sơ của chùa Hang hoặc nét uy nghi của tượng Phật bà cao 18 mét vươn cao giữa một nơi thâm sơn cùng cốc. Xa nhất về phía nam quần đảo Bà Lụa là ba hòn Đầm, tên chung của ba hòn đảo bao bọc một vụng nhỏ cách hòn Phụ Tử khoảng 15 hải lý. Người ta kể thời Pháp thuộc, các “bà đầm” vợ “quan Tây” hay mặc váy xòe thưởng ngoạn, tắm biển ở đây...

Hình ảnh đó đi vào ký ức cư dân bản địa, rồi thêm vào đặc điểm từng đảo họ đặt tên, phân biệt: hòn Đầm Giếng, Đầm Đước, Đầm Dương như cách cư xử vốn chân thật của người Nam bộ. Mỗi đảo chỉ duy nhất một gia đình sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

Những lúc có khách phương xa đến thăm, các thành viên trong gia đình đều trở thành nhân viên phục vụ bất đắc dĩ nhưng lòng hiếu khách, nhiệt tình không thiếu. Khách ngẫu hứng muốn ở lại qua đêm, trải nghiệm cuộc sống Robinson đúng nghĩa, cũng có thể mượn võng, căng bạt, câu cá, tự nấu nướng giữa trời như thời khẩn hoang.
Buổi tối nằm trên võng, bên đống lửa tranh tối tranh sáng, ngắm bầu trời đầy sao giữa tiếng sóng vỗ về, khoan nhặt, giấc ngủ sẽ đến dịu dàng lúc nào không hay...

Trần Thế Dũng