06:06 21/06/2014

Hệ lụy vỡ đường ống dẫn nước sông Đà

Lại một lần nữa xảy ra sự cố vỡ đường ống nước từ nhà máy sông Đà về Hà Nội (do Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex đầu tư) vào đêm 17/6 tại km25 + 600 trên đại lộ Thăng Long (đoạn qua huyện Thạch Thất - Hà Nội).

Lại một lần nữa xảy ra sự cố vỡ đường ống nước từ nhà máy sông Đà về Hà Nội (do Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex đầu tư) vào đêm 17/6 tại km25 + 600 trên đại lộ Thăng Long (đoạn qua huyện Thạch Thất - Hà Nội). Đây là lần thứ bảy xảy ra sự cố vỡ đường ống kể từ khi công trình đường ống dẫn nước sinh hoạt này được đưa vào khai thác (năm 2008). Nhiều câu hỏi được đặt ra về chất lượng công trình cũng như trách nhiệm của chủ đầu tư.


Trong số các nguyên nhân được Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) kết luận sau một thời gian vào cuộc kiểm tra, tìm nguyên nhân gây ra sự cố; có nguyên nhân rất được dư luận chú ý là chất lượng ống nước không bảo đảm, một số chỉ tiêu cơ lý không bảo đảm dẫn đến suy giảm khả năng chịu lực cục bộ của đường ống. Các nhà chuyên môn nhận định, chất liệu ống dẫn nước sạch bằng cốt sợi thủy tinh tuy được sử dụng ở nhiều nước (Nhật Bản, Hàn Quốc), nhưng ở Việt Nam, kinh nghiệm trong thiết kế, gia công chế tạo đường ống bằng chất liệu này còn rất hạn chế, do vậy đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng công trình.


Vấn đề đáng nói, nếu không có sự vào cuộc của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, thì việc xác định nguyên nhân gây sự cố vỡ ống nước sông Đà vẫn cứ như “gà mắc tóc”, hoặc chỉ dừng ở thông báo của chủ đầu tư là do nền đất yếu, lại phải chịu tải trọng lớn đè lên khiến đường ống bị xoắn và không chịu được va đập... Còn một loạt nguyên nhân, như do lỗi khảo sát, thiết kế, thi công lắp đặt đường ống... chắc chắn sẽ được lấp liếm hoặc giấu nhẹm.

Cụ thể, đơn vị tổng thầu thiết kế đã thiếu kinh nghiệm trong việc lựa chọn các tiêu chuẩn thiết kế tuyến ống nước sử dụng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh và không đưa ra đầy đủ yêu cầu kỹ thuật trong quá trình sản xuất, thi công, lắp đặt... Riêng khâu khảo sát, thiết kế, thi công, đã có sự cẩu thả vô trách nhiệm, làm cho xong việc của các đơn vị có liên quan.


Hậu quả từ các sự cố vỡ đường ống dẫn nước của Vinaconex thật không nhỏ. Mỗi lần ống vỡ là mỗi lần tiêu tốn tiền tỷ để khắc phục. Có gì để bảo đảm công trình đường ống này sẽ không tiếp tục xảy ra sự cố tương tự? Chưa kể, hơn 70.000 hộ dân tại các quận, huyện phía tây Hà Nội trong một thời gian dài rơi vào tình trạng khốn đốn, luôn thiếu nước sạch sử dụng


Cơ quan kiểm định nhà nước yêu cầu cần phải làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý dự án thuộc Vinaconex trong việc triển khai thi công, giám sát, quản lý chất lượng công trình; đồng thời chủ đầu tư phải sớm có giải pháp khắc phục hậu quả.


Giải pháp xây dựng đường ống thứ hai bằng chất liệu thép song song với đường ống đang vận hành đã được tính đến, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng. Vậy có nghĩa, để lắp đặt tuyến đường ống mới, thì vô hình chung, 1.500 tỷ đồng đầu tư ban đầu đã bị "ném qua cửa sổ”. Vậy số tiền đó ở đâu? Tiền ngân sách hay tiền bổ đầu vào giá thành mỗi mét khối nước mà người sử dụng phải gánh chịu?


Rất cần câu trả lời từ phía chủ đầu tư dự án.

 

Yến Nhi