04:11 07/04/2015

Hệ lụy việc ồ ạt trồng cà phê ngoài quy hoạch

Vài năm trở lại đây, giá cà phê nhân tương đối cao nên đã thu hút các nông hộ ở Tây Nguyên trồng cà phê một cách tự phát.

Mặc dù chưa hết mùa khô, nhưng các tỉnh Tây Nguyên đã có hàng chục nghìn hécta cà phê bị khô hạn, thiếu nước tưới nghiêm trọng dẫn đến vườn cây chết khô hoặc giảm năng suất trong nhiều niên vụ liền gây thiệt hại lớn cho người trồng cà phê. Qua kiểm tra, phần lớn diện tích cà phê bị khô hạn đều do các nông hộ trồng tự phát nằm ngoài các vùng quy hoạch.

Tại tỉnh Đắk Lắk, theo ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đến thời điểm này, Đắk Lắk có trên 24.000 ha cà phê thiếu nước tưới, trong đó có nhiều vườn cà phê chết khô, hoặc khô cành vài niên vụ sau mới được phục hồi cho năng suất trở lại. Phần lớn diện tích cà phê này đều nằm ngoài vùng quy hoạch.

Trong vài năm trở lại đây, giá cà phê nhân tương đối cao, ổn định (trên dưới 40.000 đồng/kg) nên đã thu hút các nông hộ ở Tây Nguyên trồng cà phê một cách tự phát. Theo ông Trần Đức Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, việc trồng cà phê ồ ạt của các nông hộ ở Tây Nguyên đã dẫn đến việc quy hoạch, sử dụng đất bị phá vỡ, một số diện tích cây trồng khác bị thu hẹp, nhất là diện tích rừng, kể cả rừng phòng hộ cũng bị giảm đi nhanh chóng do đồng bào lấn chiếm rừng, đất rừng để khai phá trồng cà phê.

Vườn cà phê khô héo vì không có đủ nước tưới ở huyện Chư Păh, Gia Lai. Ảnh: Dương Giang/TTXVN


Hiện nay, diện tích cà phê toàn vùng có trên 573.401 ha, tăng gần 6.000 ha so với năm ngoái và tăng trên 14.200 ha so với năm 2012, trong đó có gần 41.000 ha cà phê kiến thiết cơ bản, còn lại 532.400 ha là cà phê kinh doanh cho thu hoạch…

Đắk Lắk vẫn là địa phương có diện tích cà phê nhiều nhất so với cả nước, với trên 204.390 ha (có 192.998 ha cà phê kinh doanh), Lâm Đồng có 157.307 ha (145.762 ha cà phê kinh doanh), Đắk Nông có 118.649 ha (105.520 ha cà phê kinh doanh), tỉnh Gia Lai có 79.122 ha (76.523 ha cà phê kinh doanh), Kon Tum chỉ có 14.113 ha (11.696 ha cà phê kinh doanh).

Cũng theo ông Trần Đức Thanh, thực tế diện tích cà phê của vùng Tây Nguyên hiện nay đã vượt quá quy mô theo định hướng của Chính phủ và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN PTNT). Cụ thể, so với quy hoạch đến năm 2020 theo Quyết định số 1987 của Bộ NN PTNT thì tổng diện tích cà phê của các tỉnh Tây Nguyên hiện đã vượt qua diện tích quy hoạch gần 114.000 ha, trong đó, tỉnh Đắk Nông vượt gần 49.500 ha, Đắk Lắk vượt quy hoạch trên 34.000 ha, Lâm Đồng vượt quy hoạch 22.000 ha, Gia Lai vượt gần 6.000 ha và tỉnh Kon Tum vượt quy hoạch trên 1.500 ha. Thậm chí, nhiều địa phương vùng đất không thích hợp, có độ dốc lớn, không đảm bảo bảo nguồn nước tưới nhưng do chạy theo phong trào, đồng bào vẫn ồ ạt trồng cà phê.

Hiện nay, các tỉnh vùng Tây Nguyên chỉ có trên 2.352 công trình thủy lợi, mới đảm bảo nguồn nước tưới cho 21% diện tích cà phê, số diện tích cà phê còn lại chủ yếu là sử dụng nguồn nước ngầm (giếng đào, giếng khoan) và sông suối để tưới. Ngay tại Đắk Lắk, nơi có diện tích cà phê nhiều nhất nước nhưng các công trình thủy lợi cũng chỉ mới đảm bảo tưới được 133.000 ha, số diện tích còn lại đều tưới bằng giếng đào, giếng khoan, sông suối. Do vậy, cứ đến mùa khô hạn, diện tích cà phê thiếu nước tưới, bị khô cháy mỗi năm một gia tăng làm thiệt hại khá lớn cho các nông hộ.

Để từng bước khắc phục tình trạng phát triển cà phê ồ ạt gây thiệt hại lớn cho các nông hộ, các tỉnh vùng Tây Nguyên đang yêu cầu các địa phương, hướng dẫn các nông hộ đầu tư phát triển cà phê bền vững nằm trong vùng quy hoạch. Theo quy hoạch của Bộ NN PTNT, diện tích cà phê các tỉnh Tây Nguyên đến năm 2020 giảm xuống còn 459.500 ha, trong đó, Đắk Lắk giảm xuống chỉ còn 170.000 ha, Lâm Đồng 135.000 ha, Gia Lai 73.000 ha, Đắk Nông 69.000 ha, Kon Tum 12.500 ha.

Nhiều hồ chứa nước ở Tây Nguyên đã cạn kiệt. Ảnh: Dương Giang-TTXVN


Tuy giảm diện tích nhưng đây là những vùng có điều kiện tự nhiên thích hợp với sản xuất cà phê, nhất là đảm bảo nguồn nước tưới, có điều kiện đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ thâm canh để không những tăng cao năng suất, đảm bảo sản lượng đạt từ 1 triệu tấn cà phê nhân trở lên (như diện tích hiện nay) mà còn nâng cao được chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo hiệu quả và phát triển cà phê bền vững. Những diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, hiệu quả kém, không nằm trong vùng quy hoạch, các tỉnh Tây Nguyên tuyên truyền, vận động các nông hộ chuyển đổi sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đặc biệt, gần 120.000 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp nằm trong vùng quy hoạch, các tỉnh Tây Nguyên đã có kế hoạch trồng tái canh (thực hiện với hai hình thức: trồng tái canh 90.000 ha và ghép cải tạo 30.000 ha) bằng các giống cà phê mới như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13. Đây là những giống cà phê mới có năng suất đạt từ 4,2 đến 7 tấn cà phê nhân/ha, chất lượng tốt, có cỡ hạt lớn đạt loại 1 trên 65%, kháng cao với bệnh gỉ sắt, tăng khả năng cạnh tranh mặt hàng xuất khẩu này trên thị trường thế giới, trong đó có 4 dòng cà phê vối chín muộn: TR9, TR11, TR12, TR13 nhằm chuyển dần thời gian thu hoạch cà phê vào đúng mùa khô để không những thuận lợi trong việc thu hoạch, bảo đảm chất lượng cà phê không bị hư hỏng do mưa trong quá trình phơi sấy mà còn giảm được lượng nước tưới cho cây cà phê trong mùa khô.

Ngoài việc đầu tư xây dựng thêm các công trình thủy lợi, các tỉnh Tây Nguyên còn thực hiện tốt việc phổ biến quy trình thực hành sản xuất cà phê bền vững cho các nông hộ, phấn đấu đến năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên có 80% diện tích cà phê được áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (có chứng nhận UTZ Certify, 4C, Rainforest Aliance, VietGAP…), khi thu hoạch có 80% sản lượng cà phê quả tươi đạt chuẩn TCVN 9728 – 2012.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về sản xuất cà phê bền vững gắn với lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường; vận động các nông hộ tham gia tổ chức thành lập nhóm hộ, câu lạc bộ, hợp tác xã, liên minh sản xuất cà phê bền vững; sản xuất cà phê theo hướng chuỗi giá trị tạo sự liên kết bền vững giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh cũng như các dịch vụ liên quan chế biến, xuất khẩu, nhằm không những giảm thiệt hại do hạn hán gây ra cho các nông hộ mà còn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng mang lại hiệu quả kinh tế cao theo hướng bền vững cho các nông hộ sản xuất cà phê ở các tỉnh vùng Tây Nguyên…


Quang Huy (TTXVN)