12:06 26/12/2016

Hé lộ bí mật các chiến dịch ngoại giao ngầm giữa Cuba và Mỹ - Kỳ cuối

Đằng sau sự nhẹ nhàng đó, cả hai nhà lãnh đạo đều hiểu tầm quan trọng to lớn của cuộc đối thoại kéo dài 45 phút này, cũng như tầm cỡ của các cuộc thương lượng mật kéo dài và đầy rủi ro mà hai ông đang chốt lại trong thời điểm đó.

CUỘC ĐIỆN ĐÀM LỊCH SỬ

Vào lúc 16 giờ ngày 16/12/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama tập hợp một nhóm nhỏ quan chức cấp cao của Nhà Trắng tại Phòng Bầu dục và thực hiện một cuộc gọi điện thoại cho Chủ tịch Cuba Raúl Castro tại La Habana. Đây là cuộc đối thoại đầu tiên giữa nguyên thủ hai nước sau hơn nửa thế kỷ. Cả hai nhà lãnh đạo đã bàn bạc nhiều chi tiết tìm cách chấm dứt sự thù địch dai dẳng giữa hai quốc gia trong quá khứ và tiến tới một mối quan hệ bình thường trong tương lai. Ông Obama nhớ lại: “Sau khi kết thúc phần mào đầu, tôi xin lỗi vì đã nói quá lâu”; và Chủ tịch Castro trả lời: “Đừng lo, ngài Tổng thống, ngài vẫn là một người trẻ tuổi và có thời gian để phá kỷ lục của Fiel, người từng có lần nói 7 tiếng liên tục”. Và khi nhà lãnh đạo Cuba kết thúc phần vào đề dài không kém, Tổng thống Mỹ đã nói đùa: “Ồ, rõ ràng đó là truyền thống gia đình”.

Đằng sau sự nhẹ nhàng đó, cả hai nhà lãnh đạo đều hiểu tầm quan trọng to lớn của cuộc đối thoại kéo dài 45 phút này, cũng như tầm cỡ của các cuộc thương lượng mật kéo dài và đầy rủi ro mà hai ông đang chốt lại trong thời điểm đó. Những quan chức Mỹ có mặt trong Phòng Bầu dục khi đó cũng biết rất rõ tầm quan trọng này, và trong số đó có Cố vấn An ninh quốc gia Susan Rice và hai cấp phó của bà, Benjamin Rhodes và Ricardo Zuniga. Theo lời kể của một quan chức Nhà Trắng: “Có một cảm giác làm nên lịch sử trong căn phòng khi đó”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Chủ tịch Cuba Raúl Castro.

Trên thực tế, cột mốc lịch sử được làm nên vào buổi trưa ngày sau đó. Trong các buổi phát sóng truyền hình riêng rẽ nhưng đồng thời, hai nhà lãnh đạo đã thông báo bước tiến ngoạn mục trong quan hệ song phương và một thay đổi về chất trong chính sách của Mỹ đối với Cuba. Tổng thống Obama bắt đầu bài diễn văn cho công chúng toàn quốc bằng cách phê phán các nỗ lực của Mỹ trong 54 năm nhằm bóp nghẹt cuộc cách mạng Cuba và thừa nhận công khai rằng việc cùng tồn tại trong hòa bình có nhiều ý nghĩa hơn việc đối đầu thường trực: “Ngày nay nước Mỹ đang thay đổi quan hệ của mình với nhân dân Cuba. Trong thay đổi chính sách có ý nghĩa nhất trong hơn 50 năm qua, chúng ta thay đổi cách tiếp cận cũ kỹ mà trong suốt nhiều thập kỷ đã không thúc đẩy quyền lợi của chúng ta, và thay vào đó chúng ta sẽ bắt đầu bình thường hóa quan hệ giữa hai nước”. Trong khi đó, Chủ tịch Raúl Castro cũng tuyên bố với nhân dân trong nước: “Cuba đã đề xuất áp dụng các biện pháp qua lại để cải thiện môi trường song phương và tiến tới bình thường hóa quan hệ”.

Cả hai nhà lãnh đạo cũng thông báo về cuộc trao đổi tù nhân diễn ra trong sáng hôm đó. “Vì lý do nhân đạo” Cuba đã trả tự do cho Alan Gross, nhà thầu của Cơ quan hỗ trợ phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và đưa ông này lên chiếc chuyên cơ Air Force One của chính Tổng thống Mỹ. Cuba cũng thả một điệp viên rất hữu dụng của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), Rolando Sarraff Trujillo, người mà Tổng thống Obama đánh giá là “một trong những điệp viên quan trọng nhất mà Mỹ từng có tại Cuba”. Đổi lại, Tổng thống Mỹ miễn phần án còn lại cho 3 điệp viên vẫn đang chịu án tù cho nhóm tình báo thường được gọi là “bộ ngũ Cuba” – Gerardo Hernández, Antonio Guerrero và Ramón Labañino – bị giam giữ từ 16 năm trước tại Mỹ với tội danh gián điệp. 

Tổng thống Obama thăm khu phố cổ La Habana trong chuyến thăm chính thức Cuba hồi tháng 3/2016.

Với “thách thức lớn” là việc cầm tù Alan Gross cuối cùng cũng được giải quyết, Tổng thống Obama tiết lộ cách tiếp cận rất mới của chính quyền do ông đứng đầu với Cuba, từ việc nới lỏng cấm vận, cho phép xuất khẩu và thậm chí nhập khẩu một số mặt hàng từ Cuba hay đưa đảo quốc này ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố. Nhưng tất nhiên, bước ngoặt quan trọng nhất chính là việc hai nguyên thủ nhất trí tái thiết lập quan hệ ngoại giao song phương – một biểu tượng cho việc Washington chấp nhận (sự tồn tại hợp pháp) của Cách mạng Cuba. Chính sách mà ông Obama hướng tới trong tương lai là sự chung sống thay vì tư tưởng phản cách mạng, như lời tuyên bố trên truyền hình: “Việc chúng ta cố gắng đẩy Cuba vào sự sụp đổ rốt cục chẳng phục vụ cho lợi ích của chúng ta hay của nhân dân Cuba”, điều mà người đồng cấp Cuba của ông, Chủ tịch Raúl Castro cũng chia sẻ: “Chúng ta cần phải học được nghệ thuật chung sống một cách văn minh bên ngoài những khác biệt của mình”.

Trong nửa thế kỷ trong thế đối đầu, ông Obama không phải Tổng thống Mỹ đầu tiên cố gắng thay đổi chính sách của Washington với La Habana, nhưng ông là người đầu tiên thành công tại nơi mà những người tiền nhiệm như Kennedy, Carter và ở cấp độ thấp hơn là Clinton, đã thất bại. Cũng giống như họ, ông Obama đã thực thi mô hình “ngoại giao bí mật” với Cuba với sự kín đáo tuyệt đối, khi chỉ một số rất ít các quan chức then chốt được biết về các cuộc đàm phán này. Cũng giống như họ, ông sử dụng kênh trung gian của các nước thứ 3, trong trường hợp này là Canada và Vatican, để tạo thuận lợi cho đối thoại bí mật trong nhiều tháng. Nhưng khác với họ, ông Obama đã đưa ra các bước đi song phương tức thì hướng tới bình thường hóa quan hệ, không có các điều kiện tiên quyết mà những người tiền nhiệm của ông từng yêu cầu ở chính phủ Cuba, từ bỏ cách tiếp cận “ăn miếng trả miếng” từng thất bại nhiều lần trong quá khứ. 

Để quan hệ song phương thực sự trở nên bình thường, La Habana và Washington vẫn còn chặng đường rất dài phải đi với những cản trở khổng lồ, từ chính cuộc bao vây cấm vận, việc Mỹ chiếm đóng căn cứ hải quân Guatánamo trên lãnh thổ Cuba, vấn đề đền bù của cả 2 bên hay những khác biệt trong quan niệm và đánh giá về dân chủ và quyền con người v.v.., nhưng tất cả những điều đó cũng không thể phủ nhận tính chất lịch sử của thỏa thuận được công bố ngày 17/12/2014. Chủ tịch Raúl Castro và Tổng thống Barrack Obama đã thay thế bộ khung thù hận từ thời Chiến tranh lạnh bằng một chính sách tiếp cận và hợp tác đặc thù của thế kỷ 21. Năm 1977, ông Raúl Castro (khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng) đã từng so sánh việc khôi phục quan hệ giữa Mỹ và Cuba với việc tái xây dựng một cây cầu bị phá trong chiến tranh: “Nếu mỗi đầu tự xây lại phần cầu của mình, rồi chúng ta cũng có thể bắt tay nhau mà không có kẻ thắng và người bại”. Giờ đây, những nhịp cuối cây cầu quan hệ song phương vẫn đang còn dang dở, nhưng dẫu sao hai nhà lãnh đạo cũng đã giúp cho nó khá gần với mức hoàn thiện: đủ gần để họ có thể bắt tay nhau.
Lê Hà