12:14 08/12/2020

HĐND TP Hà Nội chất vấn về những bất cập trong quản lý khai thác cát, sỏi

Ngày 8/12, bước sang ngày làm việc thứ hai kỳ họp thứ 18 Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội khóa XV, các đại biểu bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Vấn đề quản lý khai thác cát sỏi, lòng sông được nhiều đại biểu HĐND chất vấn sáng 8/12.

“Cát như... con gái 18 thường xuyên bị nhòm ngó “

Các đại biểu chất vấn một loạt vấn đề quản lý khai thác cát, sỏi như thành phố (TP) Hà Nội còn 13 điểm khai thác cát trái phép, gây bức xúc dư luận, gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách, cơ chế phối hợp với các tỉnh giáp ranh ra sao để xử lý triệt để vi phạm? Xử lý của huyện Đan Phượng về tình trạng khai thác cát trái phép tại 6 xã ven sông Hồng? Tình trạng cát tặc trên sông Cà Lồ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân?....

Chú thích ảnh
Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng ngày 8/12.

Từ góc độ quản lý cơ sở, Chủ tịch UBND xã Xuân Đình (huyện Phúc Thọ) ví "cát như con gái 18 thường xuyên bị nhòm ngó", khai thác trái phép khiến nhân dân bức xúc. "Xã muốn xin 1 tàu cao tốc để xua đuổi và bố trí lực lượng công an giao thông chốt trực tại đây để ngăn chặn triệt để cát tặc.

Còn Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, Doãn Trung Tuấn cho biết: Trách nhiệm của huyện là phối hợp bảo vệ tài nguyên, bảo vệ cát sỏi chưa khai thác, có hành động ngăn chặn đối với các tình trạng khai thác cát trái phép, đối với các nội dung vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên. Trong thời gian qua, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp để thực hiện đúng thẩm quyền. Tuy nhiên tình trạng khai thác cát trên địa bàn huyện còn phức tạp. Năm 2018, huyện đã tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý bắt 9 vụ, 9 đối tượng, phạt 775 triệu đồng, trong đó có 1 vụ xử lý hình sự, thu giữ các phương tiện như máy xúc, xe ô tô. Năm 2019, xử lý 6 vụ, 7 đối tượng, thu giữ các phương tiện. Năm 2020, xử lý 4 vụ, 4 đối tượng, xử phạt 65 triệu đồng.

Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ nêu khó khăn như công an huyện chỉ có 1 xuồng, có 1 đồng chí công an cấp phép lái xuồng đó. Nếu điều tra truy bắt vào ban đêm thì rất phức tạp. Huyện đề xuất Sở Nội vụ tham mưu xác định mốc giới trên lòng sông giữa địa bàn huyện Phúc Thọ với 2 xã của Vĩnh Phúc để thuận tiện quản lý. Ngoài ra, ông Tuấn cũng đề xuất Sở Tài nguyên & Môi trường sớm đẩy nhanh tiến độ phê duyệt giá khởi điểm đấu giá khai thác để Nhà nước vừa quản lý được, đảm bảo nguồn thu.

Về tình trạng khai thác cát trái phép tại 6 xã ven sông Hồng, Trưởng Công an huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Khanh cho biết, huyện có 15km sông Hồng chảy qua, các điểm có giấy phép khai thác cát nhưng đã hết thời gian khai thác từ ngày 1/5/2020, dù các doanh nghiệp đã có giấy phép nhưng chưa hoạt động do chưa xong thủ tục.

Thực hiện chỉ đạo của TP và Huyện ủy, UBND huyện đã tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra xử lý những trường hợp khai thác cát trái phép, Công an huyện chủ động các biện pháp nghiệp vụ. Từ năm 2018 đến nay lực lượng chức năng đã bắt giữ 42 đối tượng vi phạm, tịch thu hàng tỷ đồng, trong đó khởi tố 2 đối tượng; riêng năm nay đã xử lý 7 vụ với 7 đối tượng, xử phạt gần 200 triệu đồng.

Tuy nhiên trong thời gian COVID-19, nhiều đối tượng lợi dụng khai thác cát trái phép. Chủ tịch UBND huyện đã trực tiếp chỉ đạo Công an huyện thực hiện đợt cao điểm tuần tra xử lý; đầu tháng 6 thực hiện chỉ đạo của Công an TP, Công an huyện đã bắt 1 số đối tượng khai thác trên địa bàn giáp ranh với huyện, trong đó có những đối tượng ở địa bàn khác thường xuyên khai thác ở nơi giáp ranh này (nơi giáp ranh với các huyện Đông Anh, Mê Linh, Phúc Thọ rất phức tạp).

"Tình trạng này như một tệ nạn xã hội, nhưng nhiều khó khăn để xử lý, trong đó có nguyên nhân nhu cầu cát sỏi xây dựng của người dân rất cao, bến bãi hạn chế, tức là cầu và cung chưa đi đôi. Do đó, đề nghị tăng cường lực lượng chức năng vào cuộc, có chế tài mạnh và cần tính đến nhu cầu người dân'", Trưởng Công an huyện Đan Phương bày tỏ.

Xử lý cương quyết tình trạng khai thác cát trái phép

Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng cho biết: Hiện TP có 7 tuyến sông chính giáp ranh với 8 tỉnh, thường có các đối tượng hoạt động khai thác cát lén lút ở các khu vực giáp ranh các địa bàn huyện. Hàng năm, Công an TP đều có kế hoạch yêu cầu các đơn vị các cấp điều tra cơ bản, qua đó phát hiện 13 điểm khai thác cát trái phép trên địa bàn.

Tình đến tháng 11/2020, trên địa bàn TP có 14 giấy phép hoạt động, trong đó có 11 giấy phép do UBND TP cấp; 8 tổ chức được khai thác cát nổi còn thời hạn. Xác định trên các tuyên sông 207 bãi tập kết khoáng sản đang hoạt động, trong đó có 57 bãi có thủ tục hoạt động, 150 bãi chưa có thủ tục hoạt động trên các địa bàn quận, huyện.

Chú thích ảnh
Chánh Thanh tra GTVT Hà Nội trả lời chất vấn.

“Lực lượng Công an TP có phân công Phòng cảnh sát môi trường, Phòng cảnh sát giao thông đường thủy, giao cho công an các quận huyện thị xã quản lý lĩnh vực này. Thời gian tới, khi lực lượng công an chính quy về xã thì sẽ giao cho lực lượng này. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt, trọng tâm để phát hiện để phối hợp đấu tranh có hiệu quả vấn đề khai thác cát”, Phó Giám đốc Công an TP cho biết.

Đối với thủ đoạn hoạt động, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, các đối tượng được cấp các mỏ cát để khai thác các bãi nổi; tự ý đưa các tàu khác không đăng ký vào mỏ cát. Các đối tượng thường xuyên thay đổi quy luật thời gian và địa bàn khai thác, chủ yếu là vào ngày nghỉ, ngày lễ của các cơ quan chức năng.

Đối với đề xuất của các địa phương về cung cấp xuồng, Phó Giám đốc Công an TP cho rằng việc này rất khó, vì khi bị phát hiện khai thác cát ở các khu vực giáp ranh, thì đối tượng lại nhổ neo đi sang chỗ khác. Đối với 13 điểm khai thác cát trái phép được nêu là các điểm phức tạp. Công an TP kiến nghị Sở Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp kiểm tra các tàu chưa đăng kiểm. Công an đã có 25 kiến nghị đối với các Sở, quận, huyện; xem xét xử lý dứt điểm đối với các bến bãi không phép. Tăng cường kiểm tra, phối hợp với các lực lượng các tỉnh giáp ranh. Công an TP cũng đề nghị Thanh tra giao thông tiếp tục phối hợp với lực lượng công an giải quyết kiểm tra những phương tiện vi phạm.

Trả lời về việc kiểm soát tải trọng phương tiện hoạt động tại các tuyến đê, Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Trần Nhật Quang cho biết: Thành phố hiện có 20 tuyến đê dọc sông vừa là đê ngăn lũ, vừa là đường giao thông. Với chức năng nhiệm vụ được giao, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải thành phố đã đề xuất xây dựng nhiều kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tại quận, huyện, thị xã phối hợp tổ chức kiểm tra, xử lý. Qua tổng kiểm tra, đơn vị đã xử phạt 13 doanh nghiệp vi phạm từ đầu mối bốc xếp, xử phạt số tiền 70 triệu đồng đối với các trường hợp chở quá tải trọng ngay từ đầu nguồn; xử phạt 184 trường hợp mở bến thủy không phép với số tiền gần 1 tỷ đồng tại quận Long Biên và các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Phú Xuyên, Mê Linh, Sóc Sơn.

Bên cạnh đó, ông Trần Nhật Quang cũng cho biết, đơn vị cũng gặp phải nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm, như với mức xử phạt lớn thì sự chống đối của lái xe xảy ra thường xuyên, nhiều trường hợp khóa xe bỏ đi gây cản trở giao thông, Thanh tra Giao thông phải mất cả ngày để thuyết phục lái xe. Đồng thời, Thanh tra Sở cũng không có công cụ hỗ trợ, thẩm quyền tạm giữ phương tiện còn hạn chế, việc dừng kiểm tra phương tiện trọng tải lớn trên các tuyến đê có khổ đường hạn chế càng khó hơn; thiếu phương tiện để cưỡng chế các phương tiện trọng tải lớn, Thanh tra Sở quân số còn mỏng, địa bàn quản lý rộng khiến công tác gặp nhiều khó khăn…

Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội kiến nghị tăng cường chế tài xử lý hình sự trách nhiệm của chủ phương tiện, lái xe, đồng thời cho phép tạm giữ phương tiện, đặc biệt là các phương tiện chở quá tải trọng.

Về bãi chứa và trung chuyển vật liệu xây dựng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường (TN&MT) Nguyễn Trọng Đông cho biết, qua rà soát, trên địa bàn TP hiện có 214 điểm tập kết, trong đó có 43 điểm có thủ tục cho thuê đất, 197 chưa có thủ tục thuê đất. Các quận huyện sở ngành giải tỏa được 73 điểm, còn 123 điểm hoạt động chưa xử lý được.

Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục triển khai rà soát với các tiêu chỉ cho thuê đất, cấp phép sử dụng bãi trung chuyển vật liệu xây dựng với các tiêu chí cụ thể như: không được vi phạm hành lang đê điều, cách khu dân cư ít nhất 50m, có đường vận chuyển thuận lợi…

Về nguồn gốc sử dụng đất của các điểm, chủ yếu là đất công do các phường xã thị trấn quản lý, một số nhỏ là đất thổ cư rồi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Các đất công này phải đấu giá đất, đảm bảo hành lang thoát lũ… Đối với các điểm là đất của các hộ dân, đất thổ cư, Sở kiến nghị các quận huyện cho chuyển mục đích sử dụng đất mà không cần tổ chức đấu giá.

Về việc xử lý xe quá tải, quá khổ di chuyển trên các tuyến đê trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, hiện nay, hệ thống đê điều của thành phố cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông. Xe quá tải chở vật liệu xây dựng trên các tuyến đê của sông Hồng, sông Đà, sông Đáy ở nhiều quận huyện như Bắc Từ Liêm, Ba Vì... đang khiến mặt đê xuống cấp nghiêm trọng, giảm khả năng chống lũ và gây mất an toàn giao thông.

Các lực lượng chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế xe quá khổ, quá tải nhưng nhiều chủ phương tiện vẫn cố tình vi phạm, nhất là vào ban đêm. Sở NN&PTNT đã tham mưu thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ ngành Giao thông - Vận tải gắn đầy đủ các biển quy định tải trọng, tăng cường tuần tra ngăn chặn, xử lý xe lưu thông trên đê, tuần tra, phát hiện các trường hợp bơm hút cát trái phép; Công an thành phố tăng cường kiểm tra, ngăn chặn vi phạm, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, đơn vị... trong việc hạn chế vi phạm pháp luật đê điều.

Sở NN&PTNT đề xuất các giải pháp trong thời gian tới bao gồm: Phối hợp với các quận, huyện thị xã nghiêm cấm xe quá tải đi trên đê; thực hiện quy chế phối hợp với các cấp, ngành, quận, huyện trong việc xử lý vi phạm pháp luật đê điều; rà soát, xây dựng thêm các mố hạn chế xe quá tải, quá khổ đi trên đê; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và đề nghị thành phố nâng cấp, mở rộng đê, tăng tải trọng cho các xe được phép đi trên đê để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tiếp thu, giải trình một số vấn đề về quản lý khai thác cát được các đại biểu HĐND thành phố quan tâm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trong thời gian dài, do sự chồng chéo, đan xen của các quy định đã dẫn đến việc các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở, buông lỏng quản lý để khai thác trái phép. Điều này khiến Nhà nước thất thoát ngân sách, người dân bức xúc.

Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông đã khắc phục tất cả tồn tại, bất cập, đan xen giữa các bộ, ngành, quy định tương đối hoàn chỉnh và đầy đủ về quản lý khai thác cát, sỏi.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trả lời chất vấn.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, để khắc phục các điểm khai thác trái phép tồn tại do lịch sử để lại, cần khoanh vùng, không để phát sinh; phân loại các cơ sở để xử lý triệt để. Thành phố cũng yêu cầu giữ nguyên hiện trạng các bãi tập kết hiện có, yêu cầu các bãi thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, bảo đảm môi trường; đồng thời, thành phố cũng tiến hành kiểm tra triệt để các bãi, nếu có vi phạm thì tiến hành xử lý nghiêm. Đối với các bến, bãi mới mở, thành phố kiên quyết đóng cửa hoặc điều chỉnh mục đích sử dụng.

Về các điểm mỏ của thành phố, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, từ khi có Luật Khoáng sản, tất cả các điểm mỏ phải tổ chức đấu thầu. Thành phố đã có quy hoạch, đánh giá và giao Sở Tài nguyên và Môi trường khảo sát, đánh giá 23 điểm mỏ đủ điều kiện khai thác, không ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc cho đấu giá khai thác cát, tránh việc Thủ đô trở thành “công trường khai thác cát”. Nếu thực hiện đấu giá khai thác cát thì phải công khai, minh bạch, xin ý kiến cộng đồng cư dân ở nơi đó, người dân ở khu vực điểm mỏ phải được hưởng quyền lợi từ hoạt động này.

Với những điểm mỏ hết hạn khai thác, Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định không tiếp tục cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác, nếu có thì phải tổ chức đấu thầu, chứ không gia hạn khai thác. Thành phố cũng giao trách nhiệm cho Công an thành phố xử lý việc khai thác cát trái phép dọc bờ sông.

“Hà Nội xử lý cương quyết tình trạng khai thác cát trái phép, không có trường hợp bảo kê khai thác trái phép”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.

XC/Báo Tin tức