03:09 15/03/2019

'Hậu' thi công đường sắt trên cao, đường Nguyễn Trãi, Hà Nội như đường làng

Sau khi tuyến đường sắt trên cao thi công xong, đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) trở nên lồi lõm và không có vạch kẻ phân làn. Nhiều tuyến đường quốc lộ khác do thiếu vạch kẻ sơn phân làn đường hoặc vạch sơn bị mờ, đang là nguyên nhân gây nguy cơ mất an toàn, ùn tắc và tai nạn giao thông.

Lộn xộn, mất an toàn

Đường Nguyễn Trãi kéo dài từ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) đến Trần Phú (Hà Đông), dài 3 km đang được nhiều người dân sinh sống hai bên tuyến đường nhận diện là con đường "3 không" duy nhất của Thủ đô hiện nay (không vạch sơn, không biển báo, không thoát nước).

Lưu thông trên tuyến đường hàng ngày, hầu hết người dân phải chấp nhận chịu trận chen chân, len lỏi lấn làn, để mong sớm được thoát khỏi cảnh hít khói bụi, khói xăng mỗi khi xảy ra ùn tắc. Tuyến đường nằm dưới đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông, và dù rào chắn phục vụ thi công được dỡ bỏ gần 2 năm nay, mặt đường đã được thảm lại, nhưng lồi lõm thì vẫn còn đó.

Chú thích ảnh
Ùn tắc nghiêm trọng liên tục xảy ra trên tuyến đường Nguyễn Trãi, tuyến đường 3 không. Ảnh: Lê Phú.

Đáng nói là do không có vạch kẻ sơn phân giữa các làn ô tô, xe máy, nên người dân cứ mạnh ai nấy đi. Chưa kể, lâu ngày, đường càng hư hỏng, xuống cấp, cứ có mưa lớn là ngập úng, ùn tắc kéo dài. Đây là một trong những tuyến đường có chiều rộng nhất thủ đô, nhưng cũng là đường không làn dài nhất.

Bác Trần Chiến (Thái Hà, Đống Đa) là người thường xuyên đi làm qua tuyến đường này, ngao ngán: “Các đơn vị thi công công trình hạ tầng trên tuyến đã rút hết từ lâu, nhưng mặt đường trả lại bị băm nát, ổ gà, ổ trâu xuất hiện, vạch kẻ sơn cũng không có… nên việc các phương tiện tham gia giao thông lộn xộn là điều tất yếu… Nhiều tai nạn không đáng có đã xảy ra, rất nguy hiểm, nhưng mãi chưa thấy ngành Giao thông vào cuộc…”.

Theo Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó phòng CSGT Công an Hà Nội, tuyến đường Nguyễn Trãi hiện thiếu các biển báo, vạch sơn kẻ đường, phân làn. Phòng CSGT đã có văn bản báo cáo Thành phố, kiến nghị với Sở GTVT bổ sung thêm biển báo, vạch sơn, đèn chiếu sáng, đề nghị đơn vị thi công tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông hoàn trả mặt bằng, trải thảm nhựa toàn tuyến đường, để đảm bảo an toàn giao thông.

Còn Thiếu tá Nguyễn Đức Thắng, Đội CSGT số 7 (Công an Hà Nội) nhận định, chắc phải đợi đến khi đường sắt trên cao đưa vào sử dụng mới có thể giải quyết dứt điểm thực tế này. Theo dự kiến, tháng 4/2019, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được Bộ GTVT bàn giao cho TP Hà Nội đưa vào vận hành khai thác thương mại.

Đường Nguyễn Trãi là cửa ngõ huyết mạch phía tây nam Thủ đô, dẫn vào trung tâm Hà Nội, hàng ngày trên tuyến có lưu lượng phương tiện rất lớn tham gia giao thông. Vì vậy, với tình trạng này, nguy cơ mất an toàn giao thông thật sự đáng báo động.

Cấp bách kẻ vạch sơn phân làn đường trên các tuyến quốc lộ

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc quá tải phương tiện, bất cập về hạ tầng, nhất là tình trạng thiếu vạch kẻ sơn phân làn đương trên nhiều tuyến quốc lộ (QL)...chứa đựng nhiều nguy cơ với an toàn giao thông. 

Chú thích ảnh
Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến QL5 do vạch phân làn đường mờ, không rõ. Ảnh: TTXVN.

Cụ thể, tuyến QL5 kéo dài đoạn qua TP Hải Phòng dài trên 35 km là tuyến huyết mạch vận chuyển hàng hóa từ cảng biển tới các địa phương, chủ yếu bằng xe container. Theo tiêu chuẩn đường ô tô yêu cầu thiết kế, tuyến đường này đạt 6.000 lượt xe/ngày, nhưng lượng xe hiện nay đã lên tới 20.000 lượt xe/ngày. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông trên tuyến đang xuống cấp nghiêm trọng, hàng rào phân cách nhiều chỗ bị hỏng, không có vạch sơn kẻ đường, biển báo giao thông không đồng bộ.

Đáng chú ý là hệ thống biển báo giao thông trên tuyến không được lắp đặt đúng quy chuẩn, vạch sơn kẻ đường bị mờ, đã dẫn đến việc người tham gia giao thông không biết phải điều khiển phương tiện như thế nào cho đúng luật và nguy cơ về tai nạn giao thông là điều khó tránh khỏi. Cá biệt, nhiều lái xe container bất chấp tính mạng người khác, cố tình điều khiển xe đi vào làn đường dành cho xe máy, xe thô sơ.

Đại diện Phòng CSGT Công an TP Hải Phòng cho biết, do vạch sơn kẻ phân làn đường mờ, nên nhiều trường hợp lái xe vi phạm luật giao thông nhưng lực lượng chức năng không lập biên bản được. Riêng năm 2018, TP Hải Phòng đã xảy ra 24 vụ tai nạn liên quan đến xe container, làm chết 22 người, bị thương 3 người trên QL5. Thực tế này liên quan trực tiếp tới hệ thống báo hiệu giao thông trên tuyến, trong đó có vạch sơn kẻ phân làn đường…

Về vấn đề này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản yêu cầu Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), đơn vị quản lý trực tiếp QL5 khẩn trương sơn lại vạch kẻ đường, sửa chữa hư hỏng phát sinh trên tuyến để đảm bảo an toàn giao thông. Trước mắt, VIDIFI sớm cho sơn vạch kẻ đường (bị mờ, ưu tiên vạch phân chia các làn xe, vạch giảm tốc, vạch người đi bộ và các vạch khu vực nút giao, bổ sung vạch nối các đoạn ngắt dải phân cách giữa) trong quý I/2019.

Tương tự, trên nhiều QL hiện nay như: QL10 qua Hải Phòng, QL49 qua TP Huế, QL1 qua huyện Trảng Bom (Đồng Nai) và tỉnh Quảng Ngãi…, tình trạng thiếu vạch sơn kẻ đường, vạch sơn mờ khiến nhiều vị trí mất tác dụng phân làn đường, trong khi lưu lượng phương tiện lưu thông lớn, đang là tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, mất an toàn giao thông, nhất là vào ban đêm …

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN 41:2012/BGTVT của Bộ GTVT), vạch sơn kẻ đơn, đứt nét dùng để phân chia các làn đường ngược chiều, không có dải phân cách giữa, xe được phép cắt qua để sử dụng làn ngược chiều từ cả hai phía. Vạch nét liền không cho phương tiện lấn làn hoặc đè lên vạch. Vạch nét liền đôi dùng để phân chia hai chiều xe chạy cho đường có từ 4 làn xe trở lên, không có dải phân cách giữa, xe không được lấn làn, không được đè lên vạch. Vạch một đứt, một liền dùng để phân chia hai chiều xe chạy cho đường có từ 2 làn xe trở lên, không có dải phân cách hai chiều xe chạy, sử dụng ở các đoạn cần thiết phải cấm xe sử dụng làn ngược chiều theo một hướng xe chạy nhất định để đảm bảo an toàn.
Đăng Sơn/Báo Tin tức