09:07 13/09/2012

Hậu quả từ chính sách chống lại Xyri và Iran của Thổ Nhĩ Kỳ

Theo mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu" (Canađa) ngày 11/9, các số liệu mới nhất cho thấy tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ đã đột ngột giảm xuống còn 2,9% trong quý II/2012, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng hơn 8% của các năm 2011 và 2010.

Theo mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu" (Canađa) ngày 11/9, các số liệu mới nhất cho thấy tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ đã đột ngột giảm xuống còn 2,9% trong quý II/2012, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng hơn 8% của các năm 2011 và 2010. Yếu tố chính gây ra những khó khăn về kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ là chính sách đối ngoại can thiệp và ủng hộ phương Tây của Ancara đang tác động xấu đến nền kinh tế nước này.


 

Thổ Nhĩ Kỳ triển khai nhiều xe tăng và binh sĩ tại thành phố Kilis giáp giới với Xyri từ tháng 7/2012.

 

Trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một mô hình tăng trưởng kinh tế quốc tế với thành tích ngoạn mục trong các ngành nông nghiệp, dệt, chế tạo ô tô, đồ gia dụng và đóng tàu. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là quốc gia có ngành công nghiệp đóng tàu lớn thứ tư thế giới sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, danh tiếng mới nổi về quản lý kinh tế của chính phủ của Thủ tướng Erdogan đã sứt mẻ đáng kể do sự suy giảm kinh tế thời gian gần đây. Mức tiêu dùng yếu ớt phản ánh tâm lý bất ổn của người dân Thổ Nhĩ Kỳ, bắt nguồn từ rủi ro chính trị của cuộc xung đột tại nước láng giềng Xyri. Rủi ro này cũng ảnh hưởng xấu đến đầu tư nước ngoài vì đây vẫn là động lực quan trọng trong thành công kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ.


Một nguồn rủi ro chính trị khác đang làm xói mòn lòng tin vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, đó là tình trạng bạo lực từ những người Cuốc ly khai tại các tỉnh Đông Nam nước này. Hàng chục quân chính phủ và chiến binh thuộc đảng Công nhân người Cuốc (PKK) thiệt mạng trong các vụ đụng độ gần đây. Tình trạng bạo lực này là hậu quả từ sự bất ổn tại nước láng giềng Xyri.


Thổ Nhĩ Kỳ đang gắn kết với các cường quốc phương Tây gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, cùng Ixraen và các đồng minh Arập của phương Tây tìm cách lật đổ Tổng thống Xyri Bashar al-Assad. Sự can thiệp của Thủ tướng Erdogan tại Xyri ngày càng trở nên gay gắt khi ông Erdogan cáo buộc ông Assad đứng đầu một nhà nước khủng bố và kêu gọi thiết lập các vùng cấm bay trong lãnh thổ Xyri. Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò chủ chốt trong việc hỗ trợ mạng lưới cực đoan người Sunni hoạt động tại Xyri bằng cách cung cấp căn cứ, hậu cần, vũ khí và cố vấn quân sự.


Sự bất ổn tại Xyri tạo ra dòng người tỵ nạn lớn đổ sang Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả đang chất gánh nặng lên nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và làm xói mòn lòng tin ở trong nước. Mối quan hệ không tốt của Ancara với láng giềng Irắc cũng đang làm tăng thêm những khó khăn kinh tế vì Irắc là một trong những đối tác thương mại chính của Thổ Nhĩ Kỳ, đứng thứ năm sau Đức, Pháp, Anh và Italia.


Việc ông Erdogan liên minh với Arập Xêút và Cata nhằm thay đổi chế độ tại Xyri đang làm tăng mâu thuẫn chính trị giữa Ancara và Bátđa. Irắc có các quan hệ hữu nghị với Xyri, Iran và không hài lòng với cuộc chiến bí mật của phương Tây nhằm xâm lược khu vực. Việc Thổ Nhĩ Kỳ gần đây không chịu dẫn độ Phó Tổng thống Irắc Tareq Hashemi - người đã bị kết án tử hình vắng mặt do âm mưu khủng bố - đã làm tăng thêm mâu thuẫn chính trị giữa hai nước. Lại một lần nữa, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải gánh chịu một tổn thất nặng nề do Ancara xa lánh một đối tác thương mại chủ chốt.


Tuy nhiên, cái giá mà Thổ Nhĩ Kỳ phải trả do chính sách đối ngoại bất thường của mình còn lớn hơn nhiều. Mặc dù Ancara vẫn duy trì quan hệ hữu nghị chính thức với Iran, nhưng việc nước này ủng hộ sự can thiệp của phương Tây vào khu vực đang dẫn tới sự thù địch ngày một lớn giữa Mỹ - châu Âu đối với Iran. Chính sách chống lại Xyri và Iran của Thổ Nhĩ Kỳ đang hỗ trợ các lệnh trừng phạt của phương Tây, gây tổn thất nặng cho nền kinh tế Iran. Điều này đang khiến dầu tăng giá, cản trở sự phục hồi kinh tế của châu Âu trong khi Liên minh châu Âu là động cơ thương mại chính đối với xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ. Sự đình trệ kinh tế của châu Âu hôm nay sẽ là sự đình trệ kinh tế trong tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ.


Có thể nói, chính sách đối ngoại bất cẩn của chính phủ Erdogan đang "đập lại" chính nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là hậu quả từ chính sách chống lại Xyri và Iran của nước này.


Thanh Hoa