04:21 13/04/2025

Hậu quả kinh tế khi Tổng thống Trump cắt tài trợ trường đại học, trục xuất du học sinh

Chiến dịch của Tổng thống Donald Trump nhằm vào các trường đại học tinh hoa cũng đồng thời là một đòn đánh vào những khu vực đô thị năng động nhất về kinh tế của nước Mỹ, có thể mối đe dọa đối với khả năng cạnh tranh toàn cầu của nước này.

Chú thích ảnh
Trường đại học Harvard ở Cambridge, Massachusetts, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo kênh CNN ngày 13/4, từ Boston và Austin đến Seattle và Thung lũng Silicon, các trường đại học nghiên cứu hàng đầu này chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng tại những nền kinh tế khu vực có năng suất cao nhất nước Mỹ. Họ liên tục tạo ra những đột phá khoa học và đào tạo ra đội ngũ sinh viên trẻ tài năng, góp phần vào sự phát triển của các công ty công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực máy tính, truyền thông, trí tuệ nhân tạo, thiết bị y tế, công nghệ sinh học, dược phẩm và các ngành công nghiệp tiên tiến khác.

Ông Mark Muro, chuyên gia cao cấp tại tổ chức tư vấn phi đảng phái Brookings Metro, nói: “Đây là cấu trúc địa lý kinh tế cốt lõi của hệ thống công nghiệp tiên tiến và có giá trị cao tại Mỹ. Đây chính là chính sách công nghiệp của nước Mỹ đang vận hành”.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump đang làm chững lại cỗ máy kinh tế này khi chấm dứt các khoản tài trợ nghiên cứu cho nhiều trường đại học lớn, cắt giảm nguồn hỗ trợ liên bang dành cho nghiên cứu khoa học và trục xuất sinh viên quốc tế vì các hoạt động chính trị.

Trong một cuộc phỏng vấn, Thị trưởng Boston, bà Michelle Wu, bình luận: “Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến phúc lợi của người dân chúng tôi mà còn liên quan đến tương lai của cả cộng đồng”. Bà nói rằng các khoản tài trợ nghiên cứu mà chính quyền ông Trump đang thu hồi “không phải là công tắc bật/tắt ảnh hưởng đến hiện tại hay một thế hệ duy nhất; đây là khoản đầu tư vào tương lai chung của chúng ta”. Theo bà, với những cộng đồng có nền kinh tế xoay quanh các trường đại học nghiên cứu lớn, thì ngăn chặn các động thái của ông Trump chính là “vấn đề sống còn”.

Các trường đại học này gắn bó sâu sắc với vùng lân cận, nên việc tấn công vào các trường này cũng đồng nghĩa với việc gây tổn hại cho các vùng đô thị đang dẫn đầu tăng trưởng kinh tế nội địa.

Thêm vào đó, vì các vùng đô thị này là trung tâm chính của những tiến bộ khoa học và công nghệ, làm tổn hại đến họ cũng làm suy yếu khả năng cạnh tranh quốc tế của nước Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang đối mặt với sự thách thức ngày càng lớn từ Trung Quốc trong các công nghệ then chốt như trí tuệ nhân tạo và xe điện. Trong cuộc cạnh tranh toàn cầu để giành ưu thế kinh tế thế kỷ 21, chiến dịch tấn công toàn diện của ông Trump vào các cơ sở nghiên cứu hàng đầu của Mỹ có thể sẽ bị xem là hành động đơn phương giải giáp nghiêm trọng.

Trục liên kết giữa chính phủ – học thuật – doanh nghiệp

Quan hệ hợp tác giữa chính phủ, giới học thuật và doanh nghiệp để thúc đẩy tiến bộ khoa học – công nghệ đã có từ những ngày đầu trong lịch sử nước Mỹ. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa chính phủ và các trường đại học đạt đến một tầm cao mới trong Thế chiến II, khi kỹ sư huyền thoại kiêm nhà quản lý đại học Vannevar Bush dẫn dắt Mỹ huy động giới khoa học vào phục vụ chiến tranh, trong đó có Dự án Manhattan phát triển bom nguyên tử.

Sau cú sốc khi Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik năm 1957, Mỹ tiếp tục mở rộng vai trò trong hỗ trợ nghiên cứu khoa học. Theo ông Ira Harkavy, Giám đốc Trung tâm Đối tác Cộng đồng Netter tại Đại học Pennsylvania, thời điểm đó chính là lúc các trường đại học và chính phủ gắn kết vì tương lai xã hội. Thành quả của hợp tác này là sự ra đời của chất bán dẫn và internet.

Ông Martin Kenney, Giáo sư tại Đại học California ở Davis, cho biết trong nhiều thập niên gần đây, nghiên cứu khoa học cơ bản tại các trường đại học tinh hoa đã trở thành nền tảng cho các ngành công nghiệp đổi mới nhất của Mỹ. Kể từ khoảng năm 1980, hệ thống đổi mới của Mỹ hình thành qua ba bước: khởi đầu từ nghiên cứu cơ bản tại đại học, tiếp theo là phát triển tại các công ty khởi nghiệp được tài trợ bởi vốn đầu tư mạo hiểm, và cuối cùng là thương mại hóa khi các công ty này được mua lại hoặc đưa lên sàn chứng khoán.

Ông Kenney nói: “Đó là cách mà nước Mỹ quyết định cạnh tranh toàn cầu và phát triển công nghệ cao cấp nhất”.

Lợi ích kinh tế lớn hơn nữa đến từ tác động lan tỏa của các tổ chức khoa học và y tế lớn. Những vùng tập trung nhiều công ty công nghệ cao – như công nghệ sinh học, máy tính và AI – gần như đều phát triển xung quanh các trường đại học và trung tâm y tế đẳng cấp thế giới, nơi vừa sản sinh ra đột phá khoa học, vừa cung cấp nhân lực chất lượng cao.

Những địa phương hưởng lợi nhiều từ mô hình này bao gồm Boston, Chicago, Khu vực Vịnh San Francisco, Houston, Los Angeles và “Tam giác Nghiên cứu” ở North Carolina (mỗi nơi có ba trường nằm trong top 100 đơn vị nhận tài trợ nghiên cứu liên bang); New York (có bốn trường); cùng với Austin, Seattle và Madison, Wisconsin – mỗi nơi có một trường đại học công lập hàng đầu của bang, cũng thuộc top 100 đơn vị nhận tài trợ.

Phân tích của Brookings Metro cho thấy trong số 100 hạt tại Mỹ có sản lượng kinh tế lớn nhất, có 44 hạt sở hữu trường đại học nằm trong top 100 đơn vị nhận tài trợ nghiên cứu liên bang. Ngoài ra, 41 trong số 100 hạt có sản lượng kinh tế cao nhất cũng là nơi đào tạo nhiều tiến sĩ khoa học và kỹ thuật nhất cả nước.

Dù chỉ chiếm chưa đến 1,5% trong tổng số khoảng 3.100 hạt của Mỹ, 44 hạt này lại đóng góp tới gần 35% tổng sản lượng kinh tế quốc gia.

Mục tiêu của ông Trump: các trường đại học hàng đầu

Chú thích ảnh
Khuôn viên Viện Công nghệ Massachusetts tại Cambridge, Massachusetts, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Chính quyền ông Trump đang đe dọa phá vỡ chuỗi liên kết từ học thuật đến doanh nghiệp. Họ đã hủy bỏ, đình chỉ hoặc tiến hành điều tra hàng tỷ USD tài trợ liên bang cho bảy trường nằm trong top 100 nhận tài trợ nghiên cứu: Columbia, Harvard, Princeton, Brown và Đại học Pennsylvania. Đại học Northwestern và Cornell bị đưa thêm vào danh sách trong tuần trước. Nguyên nhân chủ yếu là phản ứng của các trường này trước các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Gaza, ngoài ra còn do chính sách về đa dạng chủng tộc trong tuyển sinh, hợp tác với cơ quan di trú và cho phép phụ nữ chuyển giới thi đấu thể thao.

Thêm 19 trường đại học khác trong top 100 nhận tài trợ đã nhận được thư từ Bộ Giáo dục Mỹ hồi tháng 3, cảnh báo khả năng bị cắt vốn do bị cáo buộc không bảo vệ sinh viên trước chủ nghĩa bài Do Thái. Riêng Đại học Johns Hopkins mất 800 triệu USD tài trợ do cắt giảm ngân sách tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), buộc phải cho thôi việc khoảng 2.000 nhân viên.

Chính quyền cũng giảm tốc độ cấp tài trợ từ Quỹ Khoa học Quốc gia. Trong hai tháng đầu nhiệm kỳ hai của ông Trump, NSF phê duyệt ít hơn khoảng 50% số lượng tài trợ so với cùng kỳ năm trước. Tuần vừa rồi, NSF công bố sẽ chỉ tài trợ học bổng cho một nửa số nghiên cứu sinh so với năm ngoái.

Không chính sách nào gây chấn động giới học thuật như việc Viện Y tế Quốc gia tuyên bố hồi tháng 2 rằng họ sẽ cắt giảm khoản chi gián tiếp mà các trường đại học thường được nhận từ tài trợ nghiên cứu – khoản kinh phí để xây phòng thí nghiệm, thuê nhân sự và duy trì hạ tầng nghiên cứu. Chính quyền bảo vệ thay đổi này với lý do muốn đưa nhiều ngân sách hơn vào nghiên cứu trực tiếp, nhưng các nhà khoa học và lãnh đạo đại học cảnh báo việc này sẽ khiến nghiên cứu bị cắt giảm nghiêm trọng. Một thẩm phán quận ở Maryland đã chặn vĩnh viễn thay đổi này, nhưng Tòa án Tối cao với đa số thẩm phán do đảng Cộng hòa bổ nhiệm đã từng đảo ngược nhiều phán quyết tương tự.

Các nhà nghiên cứu còn lo ngại về nguy cơ trục xuất sinh viên quốc tế – kể cả vì quan điểm chính trị về chiến tranh Israel - Hamas. Ông Kenney nhận định: “Nếu bạn là một sinh viên giỏi ở Ấn Độ hay Trung Quốc, bạn sẽ tự hỏi: ‘Tại sao mình lại sang Mỹ học?’”.

Một số trường nhượng bộ các yêu cầu của chính quyền (như Columbia), trong khi các trường khác như Princeton cam kết chống lại. Tuy nhiên, tác động từ các khoản cắt giảm này sẽ tác động mạnh ngoài phạm vi trường đại học.

Ông Muro nói: “Không chỉ các hiệu trưởng đại học lo lắng, mà các nhà hoạch định kinh tế vùng và lãnh đạo doanh nghiệp địa phương cũng sẽ rất quan ngại trước những gián đoạn đang xảy ra”.

Tác động chính trị trong nước từ chiến dịch chống các trường đại học có thể còn nhỏ hơn so với hệ lụy toàn cầu. Một số lãnh đạo khoa học và doanh nghiệp so sánh những tiến bộ AI gần đây của Trung Quốc như cú sốc Sputnik trong thập niên 1950. Nhưng phản ứng của ông Trump lại ngược hoàn toàn – thay vì tăng đầu tư cho nghiên cứu và giáo dục, ông lại cắt giảm mạnh tay.

Ông Muro nói: “Nếu đây là ‘khoảnh khắc Sputnik’ của chúng ta về AI và công nghệ liên quan, thì cách phản ứng hiện tại không hề cho thấy hy vọng chiến thắng”. Chiến dịch leo thang của ông Trump chống các trường đại học hàng đầu và các vùng đô thị cấp tiến có thể làm hài lòng cử tri của ông, nhưng người chiến thắng sau cùng rất có thể lại là Trung Quốc.

Thùy Dương/Báo Tin tức