05:11 13/05/2015

Hậu Giang khuyến cáo người dân không bán cau non

Trước hiện tượng các thương lái lạ tìm đến Hậu Giang thu mua cau non với giá cao, ngành chức năng khuyến cáo người dân thận trọng với kiểu mua bán bất thường này.

Trước hiện tượng thương lái, người lạ ngoài tỉnh tìm đến Hậu Giang thu mua cau non với giá hấp dẫn, ngành chức năng khuyến cáo người dân thận trọng với kiểu mua bán bất thường này. Tốt nhất người dân hạn chế giao dịch mua bán, không mở rộng diện tích trồng cau trước giá chào hấp dẫn của thương lái.

Hiện tượng mua bán cau non cũng đang xảy ra rầm rộ ở thị trấn Phong Điền, Cần Thơ. Ảnh: dantri.com.vn


Theo người dân, những ngày qua một số vùng nông thôn tỉnh Hậu Giang xuất hiện thương lái, người ngoài tỉnh tìm đến hộ dân mua cau non với số lượng lớn, giá cao gấp hàng chục lần so với giá cau tại địa phương. Cụ thể, cau non được nhóm thương lái này mua với giá từ 20.000 đến 40.000 đồng/kg, cao gấp 15 lần so với giá cau già đến lứa thu hoạch bán tại địa phương. Trước giá cả hấp dẫn, đã có nhiều người vì lợi ích trước mắt mà “tận diệt” cau non bán. Có người còn có ý định đứng ra tổ chức thu mua bán lại kiếm lời, hoặc phá bỏ vườn cây mở rộng diện tích trồng cau bán trái non.

Nhằm tránh thiệt hại cho người dân về sau, ngành chức năng tỉnh Hậu Giang khuyến cáo người dân không nên “hợp tác” làm ăn với nhóm người lạ trên, vì cho rằng đây là hình thức kinh doanh mang tính nhất thời, không ổn định. Đặc biệt lưu ý đối với hộ dân có ý định mở rộng diện tích trồng cau nên cân nhắc kỹ, không vì “bùi tai” trước lời chào giá hấp dẫn của thương lái mà phá bỏ vườn cây để trồng cau, vì đây là loài cây trồng không có giá trị kinh tế, giá cả, thị trường đầu ra không ổn định.

Hậu Giang là một trong những tỉnh có diện tích trồng cau lớn ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng gần đây cây cau không mang lại hiệu quả kinh tế. Hàng năm, cau trái chỉ tiêu thụ mạnh vào mùa cưới gả, dịp tết, song sản lượng không nhiều, giá cả không ổn định. Vì thế, người dân trồng cau chỉ để làm cảnh, không vì mục đích kinh doanh nên diện tích vườn cau ở tỉnh này giảm mạnh. Tuy nhiên, vào dịp Tết Nguyên đán 2015 vừa qua, giá cau trên thị trường tăng đột biến, lên đến hơn 100.000 đồng/chục (chục 14 quả), xảy ra khan hiếm, “cháy hàng”, đồng thời hiện nay lại có thương lái tìm đến mua cau non với giá đạt kỷ lục từ trước đến nay. Nhiều người thấy dễ kiếm tiền, nên có ý định phá bỏ vườn cây mở rộng diện tích trồng cau. Trong khi đó, cây cau nằm ngoài quy hoạch phát triển của địa phương, nhưng cái khó hiện nay khi chưa phát hiện điều gì bất thường, ngành chức năng khó ngăn cấm, chỉ tuyên truyền, nhắc nhở người dân là chính.

Việc thu mua cau non giá cao chỉ mới xuất hiện từ cuối tháng 4 đến nay. Đầu tiên, nhóm thương lái này tìm đến hộ trồng cau ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, sau đó đến huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng và nay sang tận một số địa phương của tỉnh Hậu Giang. Điều mà ngành chức năng thấy bất thường ở đây, cách thức tổ chức thu mua cau non hiện nay không khác với kiểu thu mua lá mãng cầu, lá bần, khoai môn, khoai lang, lá sắn… trước đây từng xảy ra trên địa bàn. Dù hình thức mua bán này ai cũng thấy lạ nhưng vẫn có nhiều người vì “hám lợi” đứng ra thu mua để hưởng hoa hồng. Đến khi thu gom được sản lượng lớn cũng là lúc nhóm thương lái này cũng “biến mất” còn đại lý thì “mắc nợ”.

Việc thu mua cau non hiện nay, không loại trừ kiểu kinh doanh nhằm làm xáo trộn, ảnh hưởng thị trường ở địa phương. Vì dân cho biết, họ không biết thương lái mua cau non để làm gì, đem bán ở đâu, giá cả, đầu ra khá mập mờ… Trước tình hình trên, ngành chức năng, chính quyền địa phương đang giám sát, theo dõi nhằm có biện pháp ngăn chặn, xử lý nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật.


Huỳnh Sử (TTXVN)