10:19 28/10/2020

Hậu Giang chủ động phòng tránh, khắc phục thiệt hại do mưa bão, triều cường

Ngày 28/10, tại cuộc kiểm tra ảnh hưởng mưa bão số 8 đến sản xuất và khảo sát tiến độ thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu các sở, ngành chủ động phòng tránh, khắc phục kịp thời thiệt hại do mưa bão, triều cường gây ra.

Chú thích ảnh
 Đoàn kiểm tra tiến độ thi công các công trình trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Theo đó, các lực lượng chức năng vận động người dân gia cố, khép kín các tuyến đê bao công cộng trọng yếu, bờ bao nông hộ, chuẩn bị máy bơm sẵn sàng chống ngập úng, đảm bảo an toàn trong sản xuất nông nghiệp. Lực lượng xung kích, dân quân tự vệ, công an và các đoàn thể cùng với người dân tham gia khắc phục, dọn dẹp, đồng thời, có chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại để ổn định cuộc sống.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết liệt, chủ động phối hợp với các địa phương có giải pháp căn cơ và lâu dài trong ứng phó thiên tai. Trước mắt, Sở huy động mọi lực lượng, thiết bị đảm bảo tốt vấn đề bơm tháo nước. Về việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do mưa ngập, triều cường, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương thống kê chính xác; áp dụng các chính sách của tỉnh, Trung ương cho người dân. “Không để sót người dân nào bị thiệt hại nhưng cũng không để ai lợi dụng chính sách để trục lợi”, ông Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Theo ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, mưa lớn kéo dài trong tháng 10/2020, đã làm gần 6.000 ha lúa Thu Đông trổ chín sắp thu hoạch bị đổ ngã; gần 3.000 ha vườn cây ăn trái bị ngập úng cục bộ. Nhiều diện tích mía, dứa bị đổ ngã, ngập nước và hàng trăm héc-ta rau màu bị ngập trong nước.

Chú thích ảnh
Kiểm tra tình hình mưa, triều cường gây ngập cây trầu tại huyện Vị Thủy. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ huy động lực lượng, máy móc trang thiết bị thực hiện gia cố các tuyến đê bao trọng yếu, các tuyến kênh nội đồng, bờ bao có nguy cơ bị tràn, vận hành trạm bơm sẵn sàng chống ngập úng; tiếp tục chủ động bơm thoát nước tập trung trên diện tích trồng cây ăn trái để tránh đổ ngã, ngập úng; đồng thời, cắt tỉa cành già cỗi, cành vượt cao để tránh mầm bệnh lây lan; tạo điều kiện cho vườn thoát nước tốt, đào nhiều rãnh phụ để nước mưa thoát nhanh, tránh nước ứ đọng trên vườn cây ăn trái.

Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm đến nay, thiệt hại do dông lốc, sạt lở trên địa bàn tỉnh là hơn 7 tỷ đồng, tăng hơn 2 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2019 và làm sập, tốc mái hàng trăm căn nhà; sạt lở hơn 1,2 km bờ sông, kênh, rạch.

Hồng Dân (TTXVN)