06:16 11/06/2020

Hậu COVID-19, Trung Quốc chú trọng sức khỏe tâm lý của học sinh

Giải tỏa những nỗi lo lắng, ưu tư cho học sinh đang trở thành mối quan tâm lớn của Chính phủ Trung Quốc khi xã hội chứng kiến ngày càng có nhiều bạn trẻ không vượt qua được áp lực mà tìm đến cái chết.

Chú thích ảnh
Máy đo thân nhiệt và nước sát khuẩn đặt ngoài lớp học, đảm bảo cho các em học sinh quay trở lại trường sau thời gian bị phong tỏa không bị nhiễm COVID-19. Ảnh: Reuters

Dẫn lời các giáo viên và các nhà tư vấn học đường, hãng tin Reuters cho biết một số học sinh quay trở lại trường học sau lệnh phong tỏa gặp căng thẳng khi thời kỳ gián đoạn trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) làm ảnh hưởng đến kết quả học tập trên trường. Nhiều trường và giới chức địa phương đã phải triển khai nhiều biện pháp để giải tỏa tâm lý cho các em.

“Đã có một vài tai nạn đáng tiếc xảy ra khi trường học mở cửa trở lại. Tình trạng này càng nhấn mạnh tầm quan trọng và tính cấp thiết trong việc thúc đẩy phát triển sức khỏe tâm lý cho học sinh”, Yan Wu – Phó Thị trưởng thành phố Châu Hải (miền Nam Trung Quốc) – phát biểu tại cuộc họp quốc hội thường niên tổ chức vào tháng trước. Cũng trong cuộc họp này, ít nhất 4 đại biểu đã lên tiếng đề xuất chính phủ chú trọng hơn vào sức khỏe tinh thần của trẻ em.

Trả lời tạp chí tài chính Caixin hồi tháng năm, ông Li Guohua – Phó trưởng quận Pudong thuộc thành phố Thượng Hải – cho biết chỉ tính riêng trong nửa đầu năm 2020, trên địa bạn một quận đã có tới 14 học sinh tự tử - nhiều hơn con số hàng năm trong 3 năm qua. Các em đều chỉ mới học cấp 1, cấp 2.

“Đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”, ông Li ngậm ngùi.

Trong một bài viết ngày 8/6, tạp chí sức khỏe của nhà nước Health Times đăng tin tính trên toàn quốc, trong ba tháng qua, 18 học sinh đã nhảy lầu tự tử. Giới chuyên gia kêu gọi chính quyền các cấp quan tâm tới sức khỏe tâm lý các em. Tuy nhiên, bài báo nhanh chóng bị gỡ bỏ.

Đào tạo kỹ năng sống

Khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 từ tháng ba, học sinh bắt đầu quay trở lại trường học.

Theo kết quả khảo sát trực tuyến trên 1,22 triệu học sinh tiểu học và cấp 2 do Ủy ban Sức khỏe tỉnh Quảng Đông thực hiện vào tháng trước, 10,5% em có xu hướng gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần. Kết quả chi tiết không được công bố.

Cuối tháng tư, Bộ Giáo dục Trung Quốc lên tiếng yêu cầu các trường học chú tâm tới sức khỏe tâm lý và điều chỉnh chương trình học sao cho học sinh bớt cảm thấy bị áp lực. Kể từ đó đến nay, gần chục chính quyền địa phương công bố các biện pháp.

Cụ thể, tỉnh An Huy ở miền Đông Trung Quốc đã bỏ một số kỳ thi. Trong khi đó, thành phố Vũ Hán – từng là tâm dịch COVID-19 của Trung Quốc, tỉnh Hải Nam và thành phố Thượng Hải là những địa phương đầu tiên mở những lớp học “đào tạo kỹ năng sống” nhằm giúp học sinh ứng phó với căng thẳng và nỗi buồn.

Trong một mô hình lớp như vậy, học sinh được chia thành hai nhóm thi đua với nhau ghép những từ tiếng Anh có nghĩa. Tuy nhiên, một nhóm được đưa bộ câu hỏi khó hơn, tạo tình huống để cho các em thảo luận về sự căng thẳng.

“Mục đích của bài học là muốn giúp các em học sinh nhận ra rằng cảm giác căng thẳng là tự nhiên, và cách các em xử lý những căng thẳng đó có thể dẫn tới các kết quả khác nhau”, một trong sáu giáo viên Thượng Hải phụ trách lớp học trả lời phỏng vấn. Cả 6 người đều từ chối tiết lộ danh tính.

“Việc mở cửa lại trường học hậu phong tỏa rất khác so với những lần trở lại bình thường khác như sau kỳ nghỉ đông hay nghỉ hè”, một cố vấn giáo dục tại trường trung học phổ thông Thượng Hải giải thích.

Cô cho biết khối lượng công việc của mình tăng lên khi sinh viên hỏi tư vấn về sức ép trong học tập và kế hoạch học tập. Mỗi tuần, cô phải tổ chức họp trực tuyến với ít nhất hai gia đình do được yêu cầu từ học sinh.

“Tôi hy vọng COVID-19 sẽ dạy cho các em cách ứng phó với những thay đổi trong cuộc sống. Cuộc sống thì đầy những khó khăn”, nhà tư vấn kết luận.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức