09:18 09/09/2016

Hậu Brexit: Xu hướng liên kết nhóm gia tăng trong EU

Sau sự kiện Brexit dường như một số quốc gia thành viên EU ngày càng có xu hướng liên kết dựa trên yếu tố khu vực. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Bratislava (Slovakia) đã xuất hiện thêm một số nhóm nước mới.

Phải chăng xu hướng liên kết mới đang hình thành trong EU sau Brexit?

Ngày 9/9 lãnh đạo các nước Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha, Cyprus và Malta tham gia hội nghị tại Athens trên cơ sở đề xuất của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. Theo một quan chức trong chính phủ Hy Lạp, cuộc gặp nhằm tăng cường sự phối hợp và liên kết giữa các quốc gia EU nằm ở khu vực Địa Trung Hải, hình thành liên minh chiến lược nhằm tăng cường khả năng can dự và chi phối chương trình nghị sự của EU.

Hội nghị sẽ tập trung thảo luận chính sách đối ngoại của EU với trọng tâm đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết nạn thất nghiệp, các vấn đề chia rẽ trong xã hội, thu hút đầu tư và chính sách nhập cư của EU.

Rõ ràng, sự kiện Brexit đã thúc đẩy các quốc gia Nam Âu tăng cường liên kết bất chấp tình hình chính trị ở các quốc gia này có thể khiến cho nhóm này khó có thể xây dựng được tầm ảnh hưởng trong EU như mong muốn. Hy Lạp, Italy và Pháp đang ngập trong nợ nần và phụ thuộc lớn vào các nước thành viên Bắc Âu còn Tây Ban Nha vẫn đang khủng hoảng trong việc thành lập chính phủ.

Trong khi đó, việc hình thành liên minh Biển Bắc (MED) – ý tưởng xuất hiện từ nhiều năm trước - giữa các nước Anh, Bỉ, Hà Lan, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy cũng đang được hâm nóng trở lại. Ông Geert Bourgeois, Thủ  hiến Flanders (vùng nói tiếng Hà Lan của Bỉ), cho rằng sở dĩ đến nay ý tưởng này chưa triển khai được một phần là do đa số các quốc gia trên (trừ Na Uy) đã trở thành thành viên của EU.

Mặc dù vậy, trong một động thái được đánh giá là nhằm tận dụng cơ hội của sự kiện “Brexit”, thời gian gần đây Flanders đã đề cập đến việc khởi động lại các nỗ lực hình thành một liên minh Biển Bắc mới nhằm tăng cường hợp tác và phát triển kinh tế.

Ở phía Đông nhóm Visegard-V4 (gồm Ba Lan, Séc, Slovakia và Hungary) đã tuyên bố mục tiêu tăng cường vai trò trong tiến trình cải cách EU hậu Brexit. Trong cuộc gặp đầu tiên  ngày 19/6 sau sự kiện Brexit lãnh đạo các quốc gia này đã “cải cách một cách mạnh mẽ” EU cũng như thể chế của liên minh này.

Tuyên bố này đã được lặp lại trong cuộc gặp ngày 22/7 tại Warsaw (Ba Lan). Gần đây nhất, ngày 6/9, Thủ tướng Ba Lan Beata Szydło cho biết, V4 sẽ đệ trình đề xuất chung về tương lai của EU hậu Brexit tại Hội nghị thượng đỉnh Bratislava sắp tới. EU cần phải cải cách để “trở nên gần gũi với người dân hơn”.

 Các chuyên gia phân tích nhận định, trưng cầu dân ý ở Anh đã lay động các nền tảng của EU, khiến các quốc gia thành viên đánh giá lại vai trò, vị thế trong liên minh và V4 cũng không phải là ngoại lệ. Chuyên gia Eugene Chausovsky, hãng phân tích tình báo Stratfor, cho rằng quan điểm của V4 hiện nay là EU nên trở thành một liên minh chính trị, kinh tế và hợp tác an ninh nhưng không can thiệp vào hoạt động của chính phủ các nước thành viên.

Vì vậy, tất cả các quốc gia V4 đều ủng hộ đề xuất của cựu Thủ tướng Anh David Cameron về việc hạn chế quyền lực của Liên minh châu Âu và tăng quyền cho nghị viện các nước thành viên trong việc phủ quyết các quyết định của EU. Trong bối cảnh Anh sẽ rời EU nhiều khả năng V4 sẽ tiếp tục theo đuổi các yêu cầu trên của ông Cameron.

Chuyên gia Yves Bertoncini, Viện nghiên cứu Jacques Delors nhận định,  việc hình thành các nhóm liên kết nội khối có nguy cơ khiến EU tan rã. Ông Bertoncini cho rằng trước cuộc họp của Hội đồng châu Âu tại Bratislava sắp tới, việc hình thành liên minh Biển Bắc là hoàn toàn có khả năng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất đối với tương lai của EU chính là nhóm V4. Nhóm này có thể tìm kiếm tiền và sự hỗ trợ thông qua hợp tác với Nga và Trung Quốc, hoàn toàn có khả năng trở thành một lực lượng ngăn cản hoạt động của EU.

Nguyễn Hồng Tâm (Tổng hợp)