10:23 20/10/2011

Hát xoan: Nhóm lửa đam mê trong giới trẻ

Có dịp được nghe cả 14 quả cách của hát xoan trong buổi biểu diễn phục vụ công tác thẩm định hồ sơ hát xoan của đoàn

Có dịp được nghe cả 14 quả cách của hát xoan trong buổi biểu diễn phục vụ công tác thẩm định hồ sơ hát xoan của đoàn

UNESCO Việt Nam, diễn ra tại tỉnh Phú Thọ mới đây, nhiều người rất ấn tượng với màn trình diễn hát xoan của giới trẻ ở các phường xoan cổ của tỉnh Phú Thọ, trong đó có những em mới chỉ học tiểu học. Một tín hiệu cho thấy đã có thế hệ trẻ say mê bộ môn nghệ thuật này.

Học vì đam mê

Hát xoan thường diễn ra vào mùa xuân ở các cửa đình có hội đám, tế thần. Lối hát này xuất xứ ở 4 làng là: An Thái (xã Phượng Lâu), làng Phù Đức, Kim Đái, Thét (xã Kim Đức) của tỉnh Phú Thọ. Ngoài các làng xoan gốc, hát xoan còn được hát tại 18 địa điểm khác nhau thuộc khu vực cận Đền Hùng. Anh Nguyễn Văn Quyết, nghệ nhân trẻ thuộc phường xoan Kim Đái cho biết: “Trước khi có chương trình bảo vệ hát xoan của Hội Di sản quốc gia và tỉnh Phú Thọ, lớp trẻ gần như là không quan tâm lắm.

Anh Nguyễn Văn Quyết và em nhỏ phường xoan Kim Đái trình diễn hát xoan.


Chỉ một số rất ít người biết hát xoan còn lại tại 4 làng xoan cổ. Mỗi phường xoan cổ chỉ có khoảng 4-5 người trẻ yêu thích do gia đình truyền lại. Nhưng sau khi có chương trình thì tình hình đã khả quan hơn. Hiện lớp học được tuyển chọn mới từ năm 2010, chỉ một năm nhưng các em học sinh đã tiến bộ rõ rệt, ngoài hát được 4-5 quả cách còn có thể hát được 3-4 bài hát hội nữa”.

Để học được những quả cách trong hát xoan là cả một vấn đề. Anh Quyết cho hay: “Khi mới học rất khó vì xoan cổ lời ngữ phần lớn là điển cố, Hán Việt. Hát rất khó và ngang, không như loại hình nghệ thuật khác. Mới tập như tôi phải mất 6 tháng mới được quả cách. Nhưng khi đã hát được một quả cách rồi, cộng với lòng nhiệt tình sẽ nhanh chóng tiếp thu. Còn học hát xoan đối với lớp trẻ chủ yếu từ trước đến nay vẫn theo lối truyền miệng, phần lớn là gia đình truyền lại cho nhau. Như phường xoan: Kim Đái có khoảng 20 người trẻ theo học, được coi là đông nhất”.

Còn em Nguyễn Thị Xuân Mai, học sinh lớp 6, ở khu 2, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, thuộc phường xoan Kim Đái cho biết: “Cháu học từ năm lớp 5 và mới học được 1 năm. Cháu thuộc 4 quả cách trong hát xoan gồm: Quả cách Nhàn ngâm; Tràng mai; Kiều giang, Tứ dân thời cách. Cháu sẽ học hết tất cả quả cách trong hát xoan. Các cụ nghệ nhân, các cô và anh trong gia đình dạy kèm chúng cháu hát và múa thường xuyên”.

Sẽ phổ biến nhân rộng

Ông Trần Văn Khai, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Phú Thọ cho biết: Tỉnh đã xây dựng hai hồ sơ để đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa gồm: Thứ nhất là Hồ sơ hát xoan đệ trình UNESCO là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Thứ hai là Hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để đề nghị công nhận là Di sản văn hóa đại diện nhân loại. Trong tháng 10 này, UNESCO xem xét Hồ sơ hát xoan và năm 2012 xem xét Hồ sơ tín ngưỡng thờ Hùng Vương. Ngay từ khi tiến hành lập hồ sơ hát xoan từ năm 2008, Sở VH,TT&DL Phú Thọ đã phối hợp với các huyện, thị xúc tiến tổ chức các CLB hát xoan để phổ biến hát xoan cổ. Sau này hát xoan có thể phổ biến phục vụ khách. Anh Nguyễn Văn Quyết tâm sự: “Trước khi xây dựng hồ sơ hát xoan để trình UNESCO thì ít người biết đến, nhưng sau khi xây dựng Hồ sơ nhiều người đã biết đến. Hát xoan tham gia nhiều nhất vào dịp lễ hội, nhất là Giỗ Tổ Hùng Vương. Mỗi phường xoan được phân công một địa điểm khác nhau trong khu vực đền Hùng để biểu diễn và quảng bá giới thiệu làn điệu hát xoan của mình. Vì là làn điệu dân ca cổ nên không chỉ khách nước ngoài mà khách trong nước cũng rất là quan tâm. Tôi rất mừng vì điều đó”.

Bài và ảnh: Xuân Minh