11:21 10/11/2011

Hát Xẩm - “Nghệ thuật của cội nguồn dân gian”

Do những quan niệm sai lầm mà hát Xẩm dần vắng bóng và có nguy cơ thất truyền. Nhận thấy giá trị nghệ thuật to lớn của hát Xẩm, một nhóm các nhà nghiên cứu đã tự bỏ tiền túi để phục dựng thành công loại hình âm nhạc độc đáo này.

Hát Xẩm là một thể loại âm nhạc dân dã trước đây được lưu truyền chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc như: Bắc Giang, Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa… với những hình thức biểu diễn rất độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa khu vực. Sau này, do những quan niệm sai lầm mà hát Xẩm dần vắng bóng và có nguy cơ thất truyền. Nhận thấy giá trị nghệ thuật to lớn của hát Xẩm, một nhóm các nhà nghiên cứu đã tự bỏ tiền túi để phục dựng thành công loại hình âm nhạc độc đáo này.

Thăng trầm nghệ thuật hát Xẩm

Hát Xẩm là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo, ra đời đã hơn 700 năm. Bên cạnh giá trị nghệ thuật, hát Xẩm còn là loại hình âm nhạc dân gian mang đậm tính nhân văn, thẩm mỹ và giáo dục về đạo đức, lối sống của mọi tầng lớp trong xã hội.

Nguồn gốc hát Xẩm

Theo các tài liệu nghiên cứu, hát Xẩm được hình thành khoảng thế kỷ thứ XIV. Từ khi ra đời đến khoảng nửa đầu thế kỷ XX, hát Xẩm được gọi với những tên khác nhau như hát rong, hát dạo… Nhưng trên thực tế, hát Xẩm là thể loại âm nhạc dân gian chuyên nghiệp, một lối diễn xướng dân gian độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc ta, với lối kể tích sâu sắc, khéo léo và hấp dẫn. Thời phong kiến, hát Xẩm là tiếng nói phản kháng lên án những bất công cường quyền, áp bức, những thói hư tật xấu của xã hội, cất lên tiếng nói bênh vực những số phận bất hạnh nghèo khổ bị chà đạp. Sau chiến tranh, các làn điệu Xẩm được các nhạc sỹ, cán bộ văn hóa sử dụng như một công cụ để tuyên truyền chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước

Trình diễn nghệ thuật hát Xẩm tại phố cổ Hàng Đào - Đồng Xuân (Hà Nội).


Theo tài liệu của ông Trần Việt Ngữ - nhà nghiên cứu dân gian lão thành công bố năm 1964 thì hát Xẩm có 8 làn điệu chính: Xẩm chợ; Xẩm xoan (Chênh bong); Huê tình (riềm huê); Xẩm nhà trò (ba bậc); Nữ oán (Phồn huê); Hò bốn mùa; Hát ai; Thập ân. Tuy nhiên, dân gian thường gọi tên các loại Xẩm theo một số tiêu thức khác, đó là gọi theo tên bài Xẩm nổi tiếng như “Xẩm anh Khóa” (theo tên bài thơ được hát theo điệu Xẩm Tiễn chân anh Khoá xuống tàu của Á Nam Trần Tuấn Khải), hoặc theo mục đích, nội dung bài Xẩm như “Xẩm dân vận”, là những bài Xẩm được sáng tác để tuyên truyền, vận động quần chúng và gọi theo môi trường biểu diễn như “Xẩm chợ” và “Xẩm cô đầu” (hay còn gọi là Xẩm nhả tơ, Xẩm ba bậc, Xẩm nhà trò, Xẩm huê tình).

Riêng tại Hà Nội, còn có một dòng Xẩm rất đặc trưng mà không đâu có được đó là Xẩm tàu điện, vì nó thường được hát trên tàu điện. Khi xưa, các nghệ nhân Xẩm từ chốn thôn quê khi ra Hà Nội biểu diễn, để làm vừa lòng nhu cầu thẩm mỹ của người dân chốn đô thị, vốn am hiểu và có trình độ trong việc thưởng thức văn hóa, nên các gánh Xẩm đã khéo léo lồng những bài thơ của các thi sỹ như “Anh khóa”, “Cô hàng nước” (của Á Nam Trần Tuấn Khải), “Giăng sáng vườn chè”, “Em đi tỉnh về” của Nguyễn Bính… vào các điệu Xẩm, đưa Xẩm đã trở thành loại hình âm nhạc đường phố vô cùng độc đáo, góp phần tạo nên nét đặc sắc riêng văn hóa phố phường của Thăng Long – Hà Nội.

Trong hệ thống làn điệu của Xẩm nói trên, có những làn điệu hấp dẫn, đặc sắc nên nhiều bộ môn nghệ thuật khác như Chèo, Ca trù phải “vay mượn”, như các điệu Xẩm huê tình, Xẩm chợ, Xẩm xoan... Bài Xẩm huê tình khi được các đào nương, kép đàn ca trù du nhập vào trong hình thức ca quán, thường gọi là điệu Xẩm cô đầu (hay Xẩm nhà trò). Như vậy cũng đủ thấy các nghệ sĩ giáo phường ca trù rất tôn trọng nghệ thuật Xẩm, họ vẫn giữ chữ “Xẩm” ở làn điệu này nhằm chỉ rõ gốc gác của làn điệu.

Cho đến ngày nay, nhiều người vẫn hiểu Xẩm là lối hát của người khiếm thị, ăn xin. Nhưng đúng ra là người khiếm thị đã dùng Xẩm làm phương tiện kiếm sống. Vì thế, hát Xẩm thực sự là một loại hình âm nhạc chuyên nghiệp, chỉ khác ở chỗ, sân khấu của họ chính là đường phố, là gốc đa, bến nước, sân đình... hoặc đơn giản chỉ là một góc chợ quê nghèo. Trước đây Xẩm gắn với hoạt động của nhân dân ta trong những vụ nông nhàn. Thường thì sau vụ mùa bội thu, những gánh hát Xẩm thường được mời về hát tại tư gia những gia đình giàu có quyền quý.

Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch):

Là một người làm văn hóa, tôi cũng có những cảm nhận sâu sắc về hát Xẩm, đặc biệt khi nghe nghệ nhân Hà Thị Cầu, người Ninh Bình hát. Tôi thấy nghệ nhân dân gian đã sáng tạo ra những lời ca, giai điệu Xẩm đi vào lòng người, nghe rất xúc động…

Tôi cho rằng, hát Xẩm là một nghệ thuật độc đáo, là một di sản cần được bảo vệ khẩn cấp. Tôi cũng đã khuyến nghị tỉnh Ninh Bình, hát Xẩm là di sản quý và cần có sự quan tâm. Trước hết hãy lập hồ sơ khoa học để đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, để Nhà nước có sự hỗ trợ kịp thời.

Nghệ sỹ Trần Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội:

Nghệ thuật hát Xẩm gắn liền với quần chúng, có tính tuyên truyền cộng đồng rộng rãi và có tính giáo dục cao. Với những giai điệu rất hay, rất đặc biệt của mình. Theo tôi, hát Xẩm cũng cần được bảo tồn, phát huy và gìn giữ. Gần đây, một số nghệ sỹ tâm huyết đã kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ để các nghệ sỹ gìn giữ và phát huy để loại hình nghệ thuật này không bị mai một.

PGS Lê Đình Toàn, Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam:

Là một hình thức sinh hoạt âm nhạc dân gian, nhưng hát Xẩm đã trở thành một loại hình nghệ thuật có đặc thù riêng, trong đó yếu tố dân dã đã được bồi tụ để mang yếu tố chuyên nghiệp nhiều hơn, vì những người hát Xẩm đã sử dụng loại hình nghệ thuật này để kiếm sống. Tôi cho rằng, nghệ thuật nào chúng ta cũng cần có trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ vì mỗi một thể loại có giá trị riêng, góc đứng riêng… nếu đánh mất đi sẽ là sự thiệt thòi chung của đất nước. Với nghệ thuật hát Xẩm cũng vậy.

Trong các loại nghệ thuật âm nhạc truyền thống Việt Nam, có lẽ chỉ duy nhất hát Xẩm được gọi với tư cách là một nghề để kiếm sống. Là sản phẩm của người lao động nên tính chất âm nhạc, lời ca hết sức mộc mạc chân thành, song nó cũng chứa đựng những nội dung tư tưởng sâu sắc. Lời ca trong hát Xẩm không chỉ phong phú về thể loại như ca dao, tục ngữ, thơ của các tác giả nổi tiếng..., mà còn rất đa dạng về mặt nội dung. Những ca từ của Xẩm hàm chứa những triết lý, những lời răn dạy đạo lý ở đời.

Có một điều độc đáo là, dù nội dung về tình yêu hay đề tài mang tính đấu tranh, dân vận... đều được các nghệ nhân hát Xẩm "kể" bằng âm nhạc một cách hóm hỉnh, dễ nghe, dễ nhớ. Không chỉ là môi trường diễn xướng nơi đông người và dành cho giới bình dân, Xẩm còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật cao, được giới trí thức, các nhà nho, những người học cao hiểu rộng yêu thích, có hẳn một dòng Xẩm thính phòng được gọi tên là Xẩm Nhà trò (hay Xẩm nhả tơ, Xẩm cô đầu...) để phục vụ tầng lớp này.

Những bước thăng trầm

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là thời gian thịnh đạt nhất của hát Xẩm. Lúc này, không còn đơn thuần là loại hình giải trí lúc nông nhàn, Xẩm đã phát triển thành một nghề kiếm sống của người nghèo nơi thành thị và được truyền dạy từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Trong quá trình phổ biến lối hát Xẩm, có những người mù hoặc nghèo khổ nhưng rất có năng khiếu về âm nhạc đã vận dụng hát Xẩm làm phương tiện kiếm sống, vô hình trung, đưa hát Xẩm trở thành "đặc sản" của những người ăn xin. Lượng người hát Xẩm đông nhất là thời kỳ Pháp thuộc và những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Có thể nói, một thời gian dài, hát Xẩm đã là món ăn tinh thần của quần chúng lao động. Nó đề cập đến nhiều vấn đề ở mọi khía cạnh, trong mọi tình huống của cuộc sống, từ công cha nghĩa mẹ, tình yêu, tình vợ chồng, tình huynh đệ cho đến những tình cảm riêng tư của mỗi con người, hay những vấn đề mang tính thời sự cập nhật, đả kích và phê phán những thói hư tật xấu của xã hội đương thời… Không chỉ phục vụ cho đám đông ngoài xã hội, người nghệ sĩ Xẩm còn sẵn sàng phục vụ theo yêu cầu như trong dịp cưới xin, ma chay, giỗ kỵ... và thậm chí nhiều khi chỉ đơn giản là “nhờ bác Xẩm đánh tiếng dùm” với cô nàng thôn nữ đang đứng bên đàng...

Một trong những chức năng vô cùng độc đáo của nghệ thuật hát Xẩm là một kênh truyền thông bằng tiếng hát rất hữu hiệu. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Xẩm địch vận đã xuất hiện và phát huy vai trò tích cực của mình. Để động viên tinh thần đấu tranh anh dũng của các chiến sĩ trong trận tuyến quyết giữ mạch máu lưu thông cầu Hàm Rồng, nghệ nhân Xẩm Minh Sen (Thanh Hoá) đã ôm cây đàn nhị đi khắp mọi nơi trên mặt trận để mang những lời ca hóm hỉnh, mang lại tiếng cười sảng khoái cho các chiến sĩ. Rồi nghệ nhân Xẩm đất Ninh Bình là bà Hà Thị Cầu, người được mệnh danh là người đàn bà hát Xẩm cuối cùng của thế kỷ XX, tuy không hề biết đến mặt chữ, nhưng cách đây hơn nửa thế kỷ đã sáng tác ra bài Xẩm “Theo Đảng trọn đời” theo điệu thập ân với những câu thơ: “Vững tâm theo Đảng nghe con/ Đạp bằng sóng gió sắt son lời thề”. Hay nghệ nhân Vũ Ðức Sắc với bài “Tiễu trừ giặc dốt” hưởng ứng Phong trào Bình dân học vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động...

Tới giữa thế kỷ XX, nghề hát Xẩm vẫn còn với các tên tuổi nghệ nhân tài ba, như: Nguyễn Văn Nguyên - tức cụ Trùm Nguyên, Vũ Đức Sắc (Hà Nội); Thân Đức Chinh (Bắc Giang); Nguyễn Phong Sắc (Hải Dương), cụ Trùm Khoản (Sơn Tây), cụ Chánh Trương Mậu (Ninh Bình); cụ Đào Thị Mận (Hưng Yên); cụ Trần Thị Nhớn (Nam Định); Trần Thị Thìn, Nguyễn Văn Khôi (Hà Đông)... và nhiều nghệ nhân khuyết danh khác. Tuy nhiên, đến nay, nghệ nhân hát Xẩm chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, đặc biệt những người coi hát Xẩm như một nghề kiếm sống giờ chỉ còn duy nhất nghệ nhân Hà Thị Cầu (vợ út của ông Chánh Trương Mậu - trùm Xẩm đất Ninh Bình khi xưa).

Từ thập niên 60 trở lại đây, vì nhiều nguyên nhân khác nhau do điều kiện môi trường và xã hội, đặc biệt là do những quan niệm sai lầm nên các phường Xẩm dần tan rã và không hoạt động nữa. Các nghệ nhân Xẩm tài danh bước dần vào tuổi xế chiều, rồi lần lượt ra đi, vĩnh viễn đem theo những giá trị nghệ thuật đặc sắc mà họ đã từng lưu giữ và thực hành. Đời sống xã hội của nghệ sĩ Xẩm không còn, nghệ thuật hát Xẩm đã bị lãng quên, tưởng như đã thất truyền.

Phương Lan