03:10 22/03/2012

Hành trình của thể thao Việt Nam tới Olympic 2012: Những sự cố đáng tiếc

Olympic 2012 đã cận kề. Thể thao Việt Nam đang dốc sức để giành những tấm vé chính thức tới đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh diễn ra vào tháng 7 tới tại Luân Đôn. Đáng tiếc, đã có những sự cố xảy ra làm các nhà quản lý đau đầu, cũng là nỗi thất vọng của người hâm mộ.

Olympic 2012 đã cận kề. Thể thao Việt Nam đang dốc sức để giành những tấm vé chính thức tới đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh diễn ra vào tháng 7 tới tại Luân Đôn. Đáng tiếc, đã có những sự cố xảy ra làm các nhà quản lý đau đầu, cũng là nỗi thất vọng của người hâm mộ.

Bơi lội: Trục trặc địa điểm tập huấn

Chuyến tập huấn của đội tuyển bơi lội Việt Nam tại Mỹ gồm hai HLV Đặng Anh Tuấn, Nguyễn Tấn Quảng cùng năm vận động viên Hoàng Quý Phước, Nguyễn Thị Ánh Viên, Võ Thái Nguyên, Phạm Thành Nguyện và Nguyễn Thị Kim Tuyến. Địa điểm tập huấn được bơi lội Việt Nam chọn là trường Bolles (bang Florida), nơi từng đào tạo rất nhiều vận động viên chuyên nghiệp, trong đó có thần đồng 16 tuổi người Xinhgapo Joseph Schooling (HCV 200m bướm tại SEA Games 2011 và là vận động viên bơi lội duy nhất Đông Nam Á đạt chuẩn A Olympic). Đích thân HLV đội tuyển bơi lội trẻ Mỹ Sergio Lopez hướng dẫn các kình ngư Việt Nam.

Kình ngư Hoàng Quý Phước (phải) trong những ngày tập huấn tại Mỹ.

Nhưng cách đây ít ngày, đội tuyển bơi lội Việt Nam đã phải rút khỏi trường Bolles, chỉ vì mâu thuẫn về phương pháp huấn luyện giữa các chuyên gia người Mỹ với các HLV Việt Nam đi theo đội. Cụ thể, các chuyên gia Mỹ không đồng tình việc HLV của Việt Nam thường xuyên xuống nước trực tiếp dạy vận động viên. Việc làm của HLV người Việt Nam đã đi ngược với giáo án và giẫm chân lên công việc của các chuyên gia Mỹ. Theo quy định của trường Bolles, các đội tuyển khi đến tập huấn tại đây phải do HLV của trường trực tiếp huấn luyện. HLV đi theo đội tuyển không được tham gia vào quá trình huấn luyện. Tuy nhiên, HLV trưởng Đặng Anh Tuấn đã nhiều lần can thiệp vào chuyên môn khiến HLV Sergio Lopez và lãnh đạo trường Bolles không hài lòng. Đây chính là lý do khiến trường Bolles không chấp nhận để đội tuyển bơi lội Việt Nam tiếp tục tập huấn tại đây.

Sau khi rời trường Bolles, các thành viên đội tuyển bơi lội Việt Nam đã phải thuê địa điểm khác để tập (cách trường Bolles 40 km) và không có sự hướng dẫn của chuyên gia Mỹ. Theo kế hoạch, giai đoạn đầu chuyến tập huấn tại Mỹ của đội tuyển bơi lội Việt Nam (từ 1/1 đến 31/6), các vận động viên tập trung tập luyện và tham dự các giải đấu trên đất Mỹ được Liên đoàn Bơi lội quốc tế (FINA) công nhận để tìm kiếm thêm suất đến Olympic Luân Đôn. Riêng Hoàng Quý Phước sẽ cố gắng chinh phục chuẩn A để có vé chính thức thay vì phấp phỏng trông chờ vào việc vượt qua chuẩn B. Tuy nhiên, với khó khăn hiện nay, thật khó cho Quý Phước, Ánh Viên giành được chuẩn tham dự Olympic 2012. Điều đáng quan tâm là từ khi sang tập huấn tại Mỹ đến nay, thành tích của Quý Phước cũng thua hẳn thành tích mà Phước đã lập tại SEA Games 2011.

Hai VĐV đua thuyền bỏ trốn tại Ôxtrâylia

Hai vận động viên của đội tuyển đua thuyền rowing quốc gia là Nguyễn Phương Đông (Hải Phòng) và Lương Đức Toàn (Hà Nội) đã bỏ trốn khỏi đội tuyển sau khi hoàn thành chuyến tập huấn một tháng tại Ôxtrâylia. Thông tin trên đã được Tổng cục Thể dục thể thao xác nhận, và theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao Vương Bích Thắng: Đây là chuyện buồn của ngành thể thao, bởi đây là hai vận động viên trẻ nhiều triển vọng, từng giành HCB và HCĐ tại SEA Games 26 và đang được đầu tư để có vé dự Olympic 2012.

Đội tuyển rowing quốc gia sang tập huấn tại Ôxtrâylia gồm tám vận động viên: Lương Đức Toàn, Nguyễn Phương Đông, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Văn Nguyên, Lê Thị An, Phạm Thị Hài, Phạm Thị Thảo và Trần Thị Sâm với sự giúp đỡ của chuyên gia đua thuyền người Ôxtrâylia Zoedonne. Tuy nhiên, theo một thành viên của đội tuyển đua thuyền, ngay đêm trước khi đội tuyển rowing rời Ôxtrâylia để về nước (11/3) thì hai vận động viên Đông, Toàn đã bỏ khỏi đội. Thông tin về việc hai vận động viên nói trên không trở lại Việt Nam đã được giữ kín, thậm chí các thành viên còn lại của đội tuyển rowing sau khi có mặt tại Việt Nam mới được thông báo sự việc trên. Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Lâm Quang Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao cho rằng, mặc dù đã vi phạm nội quy tập huấn nước ngoài của đội tuyển quốc gia, nhưng cả hai vận động viên nói trên vẫn chưa bị liệt vào dạng ở lại nước ngoài bất hợp pháp vì visa của họ có thời hạn đến ngày 4/5/2012.

Ông Trần Hùng, Giám đốc Trung tâm Thể dục Thể thao Hải Phòng, đơn vị quản lý vận động viên Nguyễn Phương Đông - cho biết, địa phương chưa nhận được thông báo chính thức nào về chuyện vận động viên Đông không trở về Việt Nam cùng đội tuyển rowing.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ môn đua thuyền đã tìm đến gia đình của hai vận động viên bỏ trốn và được biết cả hai đều có người nhà đang sinh sống tại Ôxtrâylia. Có khả năng, hai vận động viên muốn ở lại Ôxtrâylia với người thân và tìm việc làm tại đây. Tổng cục Thể dục Thể thao đã báo cáo sự việc lên các cơ quan chức năng. Chuyên gia Zoedonne cũng đã nhận lời tìm đến nhà người thân của hai vận động viên ở Ôxtrâylia để vận động hai vận động viên trở về.

Đây không phải lần đầu tiên các vận động viên Việt Nam đi tập huấn, thi đấu sau đó trốn ở lại nước ngoài. Năm 2008, ba vận động viên đội tuyển quốc gia môn vật là Dương Đình Nam, Nguyễn Văn Phong, Nguyễn Doãn Dũng cũng đã trốn tại Hàn Quốc sau khi tham dự giải vật vô địch châu Á. Trước năm 2008, một số vận động viên khác cũng đã trốn ở lại nước ngoài sau khi được cử đi tập huấn, thi đấu. Qua vụ việc này cũng như các vụ việc đã từng xảy ra, thiết nghĩ, cơ quan chủ quản cần rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý, giám sát vận động viên khi tập huấn ở nước ngoài. Đừng để “mất bò” rồi mới lo “làm chuồng”.

Yến Nhi