09:20 27/09/2019

Hành khách đường sắt mệt mỏi vì chậm chuyến

Không chỉ hàng không mới xảy ra chậm hủy chuyến, mà tình trạng này cũng vẫn xảy ra với đường sắt - “xương sống” vận tải quốc gia. Thực tế này khiến hành khách mệt mỏi vì chờ đợi, nhỡ việc…

Báo Tin tức nhận được nhiều phản ánh của hành khách đi tàu về tình trạng chậm chuyến của ngành Đường sắt đang gia tăng trên nhiều chặng.

Chú thích ảnh
Ngành Đường sắt đang tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện hạ tầng, đảm bảo hành trình.

Anh Đỗ Long, hành khách tại Hà Nội chia sẻ, anh vừa đi chuyến tàu SE8 chặng Thanh Hóa - Hà Nội, quãng đường khoảng 180 km, nhưng tàu về chậm đến hơn 2 giờ, khiến anh bị nhỡ việc với đối tác. Mặc dù hiện nay, chất lượng dịch vụ, phục vụ trên tàu Thống Nhất tuyến Bắc Nam đã được cải thiện rõ rệt, mang đến nhiều sự thoải mái, tiện lợi và thu hút đông hành khách đi tàu, nhưng việc tàu thường xuyên chậm giờ về đích, nếu không được cải thiện kịp thời, nhiều hành khách đường sắt sẽ chuyển sang sử dụng đường bộ để chủ động về thời gian…

Tình trạng tàu chậm chuyến do nhiều nguyên nhân khách quan như: Do dừng tránh tàu trong thời gian dài tại các khu gian (đoạn đường sắt nối hai ga liền kề, được tính từ cột tín hiệu vào ga của ga phía bên này đến cột tín hiệu vào ga gần nhất của ga phía bên kia), nhà ga; do tuyến đường sắt độc đạo hoặc do va chạm giao thông gtiữa tàu hỏa với phương tiện đường bộ.

“Tuy nhiên, ngành Đường sắt cũng cần rà soát, nghiên cứu lại biểu đồ chạy tàu phù hợp để hạn chế việc dừng đỗ đón khách tại các nhà ga, khu gian đang vắng khách hiện nay. Trong khi đường sắt đang cạnh tranh với đường bộ và hàng không giá rẻ, việc tàu về muộn hàng tiếng đồng hồ sẽ khiến nhiều hành khách quay lưng”, nhiều người đi tàu phản ánh.

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, hiện nay, nhiều tàu khu đoạn như: Sài Gòn - Quy Nhơn, Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Quảng Ngãi, Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Thanh Hóa… bị chậm giờ, hành trình kéo dài. Nguyên nhân chủ yếu là công nghệ đường đơn, các đoàn tàu muốn chạy trong cùng một khu gian phải chờ dừng tránh, vượt nhau tại các ga dọc đường. Tuy nhiên, không phải ga nào hạ tầng cũng có thể cho tàu dừng đỗ được vì không đủ đường ga, chỉ có 2 đường hoặc đường ga ngắn, không đủ chứa hết chiều dài đoàn tàu. Vì vậy, khi tàu buộc phải dừng chờ ở một số ga nhất định sẽ dẫn đến kéo dài thời gian chờ; ngoài ra còn phụ thuộc vào thứ tự ưu tiên mác tàu nào được chạy trước.

Chú thích ảnh
Tàu xuất phát tại ga Yên Viên.

Bên cạnh đó, có nhiều nguyên nhân chủ quan khiến tàu chậm chuyến như: Gặp sự cố về phương tiện, cầu đường, thông tin tín hiệu; sự cố về chướng ngại vật, tai nạn trên đường sắt, mưa bão, ngập lụt, sạt lở… Trong khi đó, chỉ cần một tàu bị sự cố, tai nạn, phải dừng giải quyết, chậm giờ sẽ gây ảnh hưởng tới biểu đồ chạy tàu của cả chuyến, khiến nhiều chuyến tàu khác bị ảnh hưởng hành trình, chậm theo dây chuyền.

Ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc VNR cho biết, từ đầu năm đến nay, VNR đã tăng cường nhiều chuyến, chặng ngắn để đáp ứng nhu cầu vận tải của hành khách trong các dịp nghỉ lễ. Vì vậy, biểu đồ chạy tàu “căng” hơn trước để rút ngắn thời gian ưu tiên chạy dọc đường trên một số mác tàu chất lượng cao, nên cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến các chuyến tàu khác trong thực hiện biểu đồ chạy. Ngoài ra, do nhiều vị trí trên dọc tuyến đường sắt Bắc Nam đang gia cố, sửa chữa, duy tu, cũng dẫn đến tình trạng nhiều chặng tàu phải giảm tốc độ…

Để giải quyết thực tế trên, theo ông Phan Quốc Anh, từ ngày 15/9, VNR bắt đầu áp dụng biểu đồ chạy tàu mới sau hè, với 17 đôi tàu/ngày đêm trên tuyến Thống Nhất. Biểu đồ này cơ bản giữ nguyên giờ tàu xuất phát, chỉ điều chỉnh giờ tàu đi, đến, giờ tàu chạy các ga dọc đường một số mác tàu; đồng thời tăng giờ dự trữ để các tàu gỡ giờ. VNR cũng đã chỉ đạo các công ty vận tải thành viên giảm tàu tăng cường vì nhu cầu hành khách giảm, khi đó sẽ giảm áp lực trên toàn biểu đồ chạy tàu, đảm bảo hành trình đúng giờ.

“Về lâu dài, sau khi được ngân sách Nhà nước giải ngân gói 7.000 tỷ đồng vốn trung hạn cho ngành Đường sắt, VNR sẽ tập trung giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng như cải tạo cầu đường sắt yếu, thay mới đường sắt cũ hỏng, kéo dài đường ga tại các ga ngắn đường để tăng năng lực thông qua, cải thiện hệ thống cảnh báo tự động… sẽ giải quyết được các bất cập nêu trên”, ông Quốc Anh nói.

Theo VNR, tháng 7/2019, tàu khách Thống Nhất đi đúng giờ 360/372 đoàn, đạt tỷ lệ 96,8%, tăng 0,6 % so với cùng kỳ năm 2018; tàu đến đúng giờ 172/372 đoàn, chỉ đạt 46,2%, giảm 20,5%. Trong đó, tàu đến chậm 200 đoàn, tàu khách khu đoạn đi đúng giờ 1.358/1.508 đoàn, đạt 90%, giảm 0,4%; tàu đến đúng giờ 940/1.508 đoàn, đạt 62,3%. Tháng 8/2019, tàu Thống Nhất đi đúng giờ 332/340 đoàn, tỷ lệ 97,6%, giảm 1,5%; tàu đến đúng giờ 180/340 đoàn, tỷ lệ 52,9%, giảm 22,8%. Trong đó, tàu đến chậm 160 đoàn, tàu khách khu đoạn đi đúng giờ 1.177/1.213 đoàn, tỷ lệ 97%, tăng 2,3% so với cùng kỳ; tàu đến đúng giờ 926/1.213 đoàn, tỷ lệ 76,3%, tăng 2,3%.
Bải, ảnh: Vân Sơn/Báo Tin tức