08:09 08/08/2011

"Hàng xuất khẩu"

Ở thị trường bán lẻ nội địa, nhất là đối với mặt hàng may mặc, giày da, cụm từ "hàng xuất khẩu" vẫn được dùng như là một "thương hiệu" cho chất lượng của sản phẩm, đẳng cấp của nhà sản xuất.

Ở thị trường bán lẻ nội địa, nhất là đối với mặt hàng may mặc, giày da, cụm từ "hàng xuất khẩu" vẫn được dùng như là một "thương hiệu" cho chất lượng của sản phẩm, đẳng cấp của nhà sản xuất. Thực tế này cũng khẳng định, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam luôn phải đáp ứng được những tiêu chuẩn cao về chất lượng, hình thức mẫu mã... để có thể "đem chuông đi đánh xứ người".

Vậy nhưng, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của doanh nghiệp Việt Nam lại đang đi theo chiều hướng thiếu bền vững. Ấy là việc ồ ạt xuất khẩu theo đường tiểu ngạch (mậu dịch biên giới) thay vì đường chính ngạch.

Xuất khẩu đường tiểu ngạch có cái lợi trước mắt là thủ tục đơn giản, thanh toán nhanh gọn, mức thuế thấp, hàng hóa không đòi hỏi yêu cầu cao... Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp đã xuất theo kiểu "ngược đời" là đưa xe côngtenơ đến cửa khẩu thì xuống hàng cho xe thồ chở qua biên giới để được giảm thuế. Nhưng mặt trái của phương thức này là thường bị các đối tác ép giá. Những xe hàng đầu tiên như vải, thanh long, mủ cao su... luôn được mua giá cao. Thấy lợi nhiều, thương nhân Việt Nam ùn ùn đưa hàng lên cửa khẩu thì bắt đầu phải chịu cảnh xếp hàng chờ... hạ giá. Chính sách thay đổi thường xuyên mặt hàng, mức thuế... cho hàng nhập khẩu tiểu ngạch của từng địa phương bên kia cửa khẩu càng khiến doanh nghiệp xuất khẩu theo đường tiểu ngạch bị động.

Để khắc phục thế bất lợi, ngành chức năng đã đưa ra nhiều khuyến cáo với doanh nghiệp xuất khẩu hãy lựa chọn con đường chính ngạch nhằm giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, tình trạng từ thu gom giá cao đến bị ép giá, nhất là với các mặt hàng nông sản vẫn tái diễn theo mùa vụ, mà nguyên nhân không loại trừ tâm lý và cung cách làm ăn theo kiểu "chụp giật"của một số người.

Hàng hóa Việt Nam có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe để xuất khẩu, vấn đề với các doanh nghiệp là cần khắc phục những điểm yếu như: Tổ chức khép kín quy trình từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, có giấy chứng nhận nguồn gốc, tiêu chuẩn rõ ràng; việc tiếp cận thị trường nước ngoài cũng cần có bước đi bài bản, lựa chọn đối tác phân phối tin cậy... Điều này cũng đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, kể cả việc tham gia điều tiết thị trường khi xuất khẩu. Có như vậy, thương hiệu "hàng xuất khẩu" của Việt Nam mới ngày càng được nâng cao trên thị trường thế giới.

Bắc Hà