08:00 09/08/2020

Hàng nghìn người biểu tình tại Liban, chiếm giữ trụ sở Bộ Ngoại giao

Ngày 8/8, làn sóng biểu tình tại Liban tiếp tục leo thang khi hàng nghìn người đổ ra các đường phố thủ đô Beirut và các thành phố lớn để phản đối chính quyền. Người biểu tình đã xông vào chiếm giữ trụ sở Bộ Ngoại giao nước này.

Chú thích ảnh
Hàng nghìn người biểu tình phản đối sự quản lý yếu kém của nhà chức trách để xảy ra vụ nổ đau thương tại Beirut. Ảnh: TRT World

Reuters đưa tin hàng nghìn người đã đổ ra các đường phố thủ đô Beirut để phản đối sự quản lý yếu kém của chính quyền sau khi xảy ra vụ nổ kinh hoàng tại cảng Beirut trong tuần này khiến trên 150 người thiệt mạng và khoảng 6.000 người bị thương.

Tin cho hay biểu tình đã biến thành bạo động khi khi một số người phóng hỏa ở quảng trường trung tâm Beirut, khiến lực lượng thực thi pháp luật phải sử dụng hơi cay để giải tán. Hội Chữ thập Đỏ Liban cho hay trên 100 người biểu tình đã bị thương và hàng chục người phải nhập viện khi đụng độ với cảnh sát.

Một nhóm người biểu tình do những sĩ quan quân đội Liban nghỉ hưu dẫn đầu hôm 8/8 đã xông vào Bộ Ngoại giao ở trung tâm thủ đô Beirut và tuyên bố địa điểm này là “trụ sở của cách mạng”.

Hành động chiếm giữ trên, được phát sóng trực tiếp trên truyền hình địa phương, xảy ra khi phần lớn sự chú ý của các lực lượng an ninh Liban tập trung vào một cuộc biểu tình căng thẳng phản đối giới chức cầm quyền diễn ra cách trụ sở Bộ Ngoại giao nước này vài trăm mét.

Những người biểu tình cũng đốt ảnh chân dung Tổng thống Michel Aoun. Một người biểu tình nói trên loa phóng thanh: “Chúng tôi kêu gọi nhân dân Liban chiến giữ tất cả các cơ quan bộ". Theo AFP, thông điệp của cuộc biểu tình là chính phủ phải từ chức để nhận trách nhiệm về vụ nổ nói trên.

Chú thích ảnh
Biểu tình biến thành bạo động tại Beirut ngày 8/8. Ảnh: Arab News

Phát biểu trên truyền hình cùng ngày, Thủ tướng Liban Hassan Diab cho rằng tình trạng tham nhũng chính là nguyên nhân khiến thảm họa xảy ra. Ông tuyên bố sẽ sớm đề xuất một dự luật mở đường cho một cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn, coi đây là lối thoát cho tình hình hiện nay của đất nước.

Thủ tướng Diab đồng thời hối thúc các chính đảng, phe phái của Liban gạt bất đồng sang một bên và hợp tác với nhau. Thủ tướng Diab nói: "Chúng ta không thể để tồn tại tình trạng khủng hoảng hệ thống ở quốc gia này mà không tiến hành một cuộc bầu cử Quốc hội sớm".

Vụ nổ lớn xảy ra ngày 4/8 tại một nhà kho của cảng Beirut khi các tia lửa hàn châm ngòi cho những quả pháo được cất giữ gần nhà kho, kéo theo 2.750 tấn amoni nitrat cùng phát nổ tại kho hàng. Được biết, số hóa chất này lưu kho cảng Beirut để chờ được xử lý từ năm 2014. Theo các nhà địa chấn học, vụ nổ tương đương một trận động đất có độ lớn 4,5.

Các kết quả điều tra sơ bộ cho thấy tình trạng lơ là quản lý và vận hành kho chứa vật liệu có nguy cơ cháy nổ cao ở cảng Beirut trong nhiều năm qua là nguyên nhân dẫn đến vụ nổ trên. Số nạn nhân thiệt mạng hiện đã lên tới con số 158, trong khi trên 6.000 người bị thương và hiện còn 21 người mất tích. Vụ nổ còn khiến khoảng 300.000 người mất nhà cửa, thiệt hại ước tính khoảng 3 tỷ USD.

Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã cam kết hỗ trợ và huy động nguồn lực hỗ trợ Liban khắc phục hậu quả và tái thiết sau thảm họa này. Ngày 9/8, Liên hợp quốc (LHQ) và Pháp sẽ đồng chủ trì một hội nghị trực tuyến các nhà tài trợ cho Liban. Hội nghị là diễn đàn để kêu gọi các quốc gia cam kết hỗ trợ, quyết định cách thức phân bổ nguồn hỗ trợ để mang lại những lợi ích trực tiếp cho người dân.

Trong khi đó, ngày 8/8, Chủ tịch Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit cũng cho biết sẽ kêu gọi các nước Arab hỗ trợ Liban. Phát biểu sau cuộc họp với Tổng thống Liban Michel Aoun, ông Aboul Gheit khẳng định AL đã sẵn sàng hỗ trợ điều tra về nguyên nhân vụ nổ và giúp đỡ Liban với mọi phương tiện sẵn có. Ông cũng sẽ tham dự hội nghị trực tuyến các nhà tài trợ do LHQ và Pháp đồng chủ trì.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức